Những “mầm xanh” trên đất lửa chiến khu xưa
(BDO) Trên mảnh đất xanh tươi, trù phú Bắc Tân Uyên bây giờ, cách đây hơn 40 năm đã từng là vùng lõi của Chiến khu Đ lừng danh. Giờ thì những “mầm xanh” nông nghiệp công nghệ cao, “mầm xanh” công nghiệp hóa đang đâm chồi nảy lộc ngay trên vùng đất lửa kiên cường ngày nào…
Trồng cây có múi mang lại lợi nhuận khá cho nông dân Bắc Tân Uyên Ảnh: K.VINH
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao
Chúng tôi chở ông Nguyễn Văn Hồng, một cán bộ lão thành cách mạng đi dọc những vườn cao su xanh tốt của huyện Bắc Tân Uyên. Mới đây thôi, trên mảnh đất này còn hằn in những vết tích của cuộc chiến khốc liệt giằng co giữa ta và địch. Máu, nước mắt đã đổ xuống cho ngày hòa bình, thống nhất đất nước. Chiến khu Đ kiên cường, đầy tự hào với bao trang sử vẻ vang trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, những Tân Bình, Đất Cuốc, Hiếu Liêm… trơ trọi toàn sỏi, đá và bom đạn chiến tranh còn sót lại. Những người như ông Hồng tình nguyện ở lại chiến khu xưa cải tạo đất làm nông nghiệp. Nhưng nông nghiệp thời ấy cũng chỉ là các loại cây trồng ngắn ngày, chỉ đủ ăn chứ không thể làm giàu. Rồi thời cơ cũng đến khi cây cao su có giá, đời sống người dân chiến khu xưa được cải thiện, bộ mặt của huyện cũng dần thay đổi.
Trong năm 2014, tuy vừa tách huyện nhưng giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp của Bắc Tân Uyên ước thực hiện 1.898,3 tỷ đồng, tăng 4,13% so năm 2013; trong đó ngành trồng trọt chiếm tỷ trọng 85,23%, ngành chăn nuôi chiếm 14,77%. Ngay trong lĩnh vực trồng trọt, Bắc Tân Uyên cũng không lệ thuộc vào cây cao su. Nhắc đến huyện, nhiều người nghĩ ngay đến những vườn cây ăn trái trĩu quả Hiếu Liêm; nay diện tích trồng cây có múi như cam, quýt, bưởi… đã lên đến 1.248 ha, tức tăng đến 20,15% so với năm 2013, chủ yếu tập trung ở các xã Hiếu Liêm và Tân Định.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Bắc Tân Uyên đã bước đầu hình thành vùng sản xuất tập trung chuyên canh cây ăn quả, với sản phẩm dần có chỗ đứng và tạo dựng được thương hiệu riêng trên thị trường như cam, bưởi Hiếu Liêm... Huyện cũng đã tổ chức thực hiện tốt các chương trình, dự án sản xuất nông nghiệp, mô hình chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật trên địa bàn huyện; đang tiếp tục thực hiện các dự án khoa học - công nghệ chuyển tiếp từ năm 2013 sang, đồng thời lập các thủ tục triển khai thực hiện Dự án xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Cam, bưởi Hiếu Liêm- Bắc Tân Uyên”.
Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Bắc Tân Uyên không chỉ có trồng trọt, trên địa bàn huyện hiện còn có 30 trại nuôi heo, 22 trại gà với tổng đàn tương ứng gần 55.300 con heo, khoảng 1,6 triệu con gà và trên 1.950 con bò. Tình hình chăn nuôi đến nay tương đối ổn định, nhất là số lượng đàn heo và gia cầm. Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện có 9 hợp tác xã hoạt động sản xuất, kinh doanh trên các lĩnh vực, thu nhập bình quân của xã viên đạt 42 triệu đồng/ năm; 109 trang trại, chủ yếu tập trung ở các xã phía bắc gồm 55 trang trại trồng cây lâu năm, 51 trang trại chăn nuôi, 3 trang trại tổng hợp. Các trang trại đã góp phần giải quyết việc làm cho trên 1.130 lao động. Tổng thu nhập của kinh tế trang trại năm 2014 ước đạt 313 tỷ đồng; bình quân thu nhập của mỗi trang trại là 2,87 tỷ đồng/năm.
Khai thác hiệu quả các khu, cụm công nghiệp
Nhờ những nỗ lực không ngừng trong việc phát triển nông nghiệp đã góp phần thay đổi từng bước bộ mặt nông thôn. Trên cơ sở đó, Bắc Tân Uyên đã nhanh chóng có những bước phát triển đột phá trong xây dựng nông thôn mới (NTM). Năm 2014, huyện đã hoàn thành việc lập và phê duyệt đồ án, đề án xây dựng NTM của 10/10 xã theo đúng quy định; đồng thời kiểm tra, hướng dẫn các xã thực hiện niêm yết công khai các bản vẽ quy hoạch, đồ án quy hoạch đã được phê duyệt để nhân dân, các tổ chức biết và tự giác thực hiện theo quy định. Dự kiến, cuối năm 2015, toàn huyện sẽ có 5 xã đạt chuẩn NTM là Bình Mỹ, Thường Tân, Tân Mỹ, Tân Định và Lạc An. Các xã còn lại đã đạt từ 12 - 13 tiêu chí NTM.
Đối với lĩnh vực công nghiệp-dịch vụ, tuy huyện mới thành lập nhưng cũng đã có những điểm nhấn rất ấn tượng. Hiện nay, trên địa bàn huyện có đến 4 khu, cụm công nghiệp với diện tích 828,79 ha đang triển khai đầu tư cơ sở hạ tầng và thu hút đầu tư các dự án, gồm: Khu công nghiệp Đất Cuốc 212,84 ha, Khu công nghiệp - đô thị Tân Uyên (xã Tân Bình) 173,69 ha, Khu công nghiệp Tân Bình 353,38 ha, Cụm công nghiệp Tân Mỹ 88,88 ha. Trong đó, Khu công nghiệp Đất Cuốc đã đầu tư hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng, tỷ lệ lấp đầy đạt 47,4%.
Ông Nguyễn Ngọc Hiệp, Chủ tịch UBND huyện Bắc Tân Uyên chia sẻ: “Từ khi tách thành huyện mới, chúng tôi đã nỗ lực phát triển kinh tế, cải thiện đời sống cho nhân dân. Tuy nhiên, vẫn cần có những hướng đi đột phá trong thời gian tới để đưa Bắc Tân Uyên phát triển bền vững”. Hướng đi bền vững của Bắc Tân Uyên mà ông Hiệp muốn nhắc đến chính là con đường phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mà Chương trình số 26- CTr/TU của Tỉnh ủy Bình Dương về chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp kỹ thuật cao gắn với công nghiệp chế biến giai đoạn 2011-2015 đã đề ra. |
Đến nay, trên địa bàn có 237 doanh nghiệp đang hoạt động; trong đó huyện quản lý 175 doanh nghiệp, tỉnh quản lý 62 doanh nghiệp, tổng vốn đăng ký là 1.658 tỷ đồng. Năm 2014, giá trị sản xuất ngành công nghiệp - tiểu thủcông nghiệp của huyện ước thực hiện là 2.130,6 tỷ đồng, tăng 12,2% so với năm 2013. Bên cạnh đó, việc bố trí các dự án đầu tư trên địa bàn đều bảo đảm phù hợp với quy hoạch sử dụng đất (đối với trường hợp ngoài khu, cụm công nghiệp) và quy định của tỉnh về ngành nghề đầu tư. Một số lĩnh vực đang được đầu tư nhiều trên địa bàn huyện như: ngành gỗ dân dụng, bao bì bằng gỗ, sản xuất gạch, viên nén mùn cưa, khai thác đá…
Theo lãnh đạo huyện Bắc Tân Uyên, năm 2015, huyện tiếp tục thực hiện Chương trình hành động của Huyện ủy về phát triển công nghiệp - dịch vụ theo hướng tập trung bền vững giai đoạn 2014-2015; đồng thời đẩy nhanh mức tăng trưởng công nghiệp với tốc độ tăng trưởng từ 11 - 13%. Để đạt được mục tiêu phát triển công nghiệp, trong năm 2015, huyện tiếp tục tập trung thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp đã hoàn chỉnh hạ tầng, khuyến khích đầu tư ngành nghề có công nghệ cao; áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất. Huyện cũng kiên quyết xử lý hoặc báo cáo UBND tỉnh những trường hợp đã được cấp phép đầu tư nhưng chủ đầu tư không đủ năng lực triển khai thực hiện dự án để UBND tỉnh xem xét, giải quyết. Huyện cũng sẽ tập trung đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các hoạt động thương mại - dịch vụ; tiếp tục thực hiện theo quy hoạch về phát triển thương mại - dịch vụ trên địa bàn huyện; bên cạnh đó tăng cường xã hội hóa trong việc xây dựng mới, nâng cấp và cải tạo các chợ ở địa phương...
Đi trên những tuyến đường khang trang, sạch đẹp của Bắc Tân Uyên hôm nay, khó có thể tưởng tượng rằng, trên những mảnh đất mầm xanh trỗi dậy hôm nay trong quá khứ chỉ là những vạt rừng hoang tàn, bị cày xới dữ dội của bom đạn chiến tranh. Huyện Bắc Tân Uyên, vùng lõi của Chiến khu Đ năm nào, nay đang đổi thay không ngừng, trong tương lai không xa hẳn sẽ là một vùng đất trù phú với dáng dấp công nghiệp hóa, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đầy hấp dẫn.
KHÁNH VINH