Những lưu ý khi thiết kế gara xe trong nhà phố

2024-08-30 16:45:08

Vị trí, diện tích, vật liệu kỹ thuật… là những yếu tố gia chủ cần quan tâm để thiết kế gara xe an toàn, thẩm mỹ cho nhà phố.

Gara là không gian được xây dựng hoặc tận dụng diện tích để làm nơi đỗ ôtô và các phương tiện di chuyển khác. Theo KTS Phạm Thanh Truyền (Giám đốc Công ty Kiến trúc Cát Mộc), chủ nhà cần quan tâm đến các yếu tố công năng, vị trí, diện tích... trước khi bắt tay thiết kế gara trong công trình nhà ở dân dụng.

Vị trí đặt gara

Gara trong nhà (dạng hầm, bán hầm, liên kết với phòng khách, bếp ăn bởi cửa ngăn, lối đi...) sẽ thuận tiện khi thời tiết thay đổi, dễ di chuyển từ các khu vực trong nhà ra nơi đỗ xe.

Thực tế hiện nay, nhiều nhà phố diện tích nhỏ chọn cách đỗ xe ngay khu vực phòng khách thay vì xây gara riêng. KTS khuyến cáo gia chủ cần chú ý các vấn đề an toàn, cháy nổ và ô nhiễm với lựa chọn này.

Ông lấy ví dụ, khi di chuyển xe vào phòng khách, gia chủ có thể đạp nhầm chân ga và chân phanh, lao thẳng vào nhà gây nguy hiểm. Mùi xăng, xe và khói bụi từ ống xả của xe cũng sẽ làm ám mùi khu vực sinh hoạt, đồng thời dễ xảy ra cháy, nổ khi xe tiếp xúc gần với các vật liệu khác trong nhà.

Theo KTS, nếu bất đắc dĩ phải đỗ xe ở phòng khách, chủ nhà cần có sự chênh lệch độ cao giữa 2 phần nền trong - ngoài nhà, thiết kế thêm gờ chắn an toàn để ngăn bánh xe di chuyển nhanh.

Gia chủ cũng cần lưu ý đặt gara nằm gần trục giao thông chính để dễ di chuyển thay vì đặt sâu bên trong (trừ khi có những nhu cầu đặc biệt). Gara nên kết nối với sảnh cầu thang, tránh liên kết trực tiếp với phòng khách.

Gạch lát cho sàn gara cần đảm bảo chống trơn trượt, dễ vệ sinh.

Với gara ngoài trời (nằm ở sân, tiếp giáp hoặc tách rời cổng trước), gia chủ có thể bố trí gara mở hoàn toàn hoặc có mái che. Gara không có mái che đơn giản là một nơi đỗ xe, không ảnh hưởng nhiều đến kiến trúc tổng thể, nhưng sẽ không bảo vệ xe khỏi môi trường bên ngoài. Nếu lắp đặt mái che, cần đảm bảo đồng bộ với kiến trúc nhà, tránh tạo ra sự lộn xộn về mặt thẩm mỹ.

Công trình nhà phố cần dựa vào diện tích nhà và kích thước con đường phía trước để quyết định vị trí gara. Nếu đường hẹp hơn 6 m, gia chủ không nên bố trí gara trong nhà vì sẽ bất tiện khi di chuyển xe vào và ra, đồng thời tránh nâng nền gara quá cao so với mặt đường, gây chênh lệch chiều cao, nguy hiểm cho người lái và cản trở giao thông.

Diện tích và độ cao gara

Diện tích tối thiểu của gara chứa 1 ôtô là 15 m2 (chiều dài ít nhất 5 m, ngang 3 m), được thay đổi tùy thuộc vào số lượng và loại xe (ôtô, gắn máy, bán tải, chở hàng...) của gia đình.

Với không gian hẹp và nhu cầu đỗ nhiều xe, KTS gợi ý sử dụng thang nâng - thiết bị được thiết kế để nâng và hạ xe, giúp tiết kiệm diện tích mặt bằng. Tuy nhiên, dạng thang này có chi phí cao, có thể gây bất tiện khi sắp xếp và lấy xe.

Độ cao của gara phụ thuộc vào các yếu tố kiến trúc lân cận và ngoại thất của ngôi nhà. Khi bố trí trong nhà, độ cao gara phải hài hòa với chiều cao của cửa mặt tiền, cân đối tỷ lệ giữa chiều rộng gara và chiều cao của các cửa nhằm tạo nên một tổng thể kiến trúc đồng bộ và hợp lý.

Vật liệu sàn, tường

Khi lựa chọn vật liệu cho tường và sàn của gara, cần ưu tiên tính năng chống trơn trượt và dễ vệ sinh. Với sàn, cần chọn gạch giảm ma sát khi xe di chuyển, tránh lát gạch trơn, bóng. Nếu gara có khu vực rửa xe, sàn cần lát gạch để chịu nước, chống thấm.

Với tường, nên ốp đá nhân tạo tất cả tường xung quanh gara vì vật liệu này bền, dễ vệ sinh và có nhiều lựa chọn về màu sắc, hoa văn.

Thông gió và an toàn cho gara

Vấn đề thông gió cũng nên được chú ý để đảm bảo thoáng khí, không để mùi xăng, dầu, khói lan vào không gian sống. KTS gợi ý gia chủ sử dụng cửa cuốn thay vì cửa kín, lắp thêm lối thông gió bên trong gara giúp đối lưu không khí, tránh bí bách.

Để đảm bảo an toàn, gia đình có thể gắn camera an ninh trong khu vực hoặc trước cửa gara. Ngoài ra, nên chọn dạng cửa cuốn cảm ứng tự động, tránh việc khi cửa khép xuống sẽ va chạm với vật nuôi, trẻ nhỏ.

Theo VNE

Báo Bình Dương