Những lá thư mang hơi ấm đất liền ra đảo xa
(BDO) “Cháu viết cho các chú những dòng ngắn ngủi này nhưng chứa chan đầy tình cảm của cháu dành cho các chú. Cảm ơn các chú khi đã cho cháu sống trong hòa bình. Cháu biết các chú rất buồn vì đất nước mà xa quê nhà, xa cha mẹ, xa anh chị em. Nhưng các chú đừng vì nỗi buồn này mà rời xa nhiệm vụ nhé. Sắp đến tết rồi, cháu chúc các chú mạnh khỏe, đẹp trai và vui vẻ lên nữa nhé!”. Đó là những dòng chữ nắn nót cùng với những hình vẽ ngộ nghĩnh trong lá thư của em Hoàng Bảo Châu, học sinh trường Tiểu học Ngôi Sao (TP.Hà Nội) gửi cho cán bộ chiến sĩ (CBCS) huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) nhân dịp năm mới.
“Cầu nối” giữa đất liền và hải đảo
Trong chuyến công tác đến thăm, tặng quà và chúc tết CBCS huyện đảo Trường Sa, chúng tôi may mắn có dịp ngồi cùng CBCS đọc những lá thư của các em học sinh từ mọi miền đất nước gửi đến. Mặc dù các em chưa một lần đến đây nhưng dường như đã thông hiểu cuộc sống của CBCS nơi biên hải của Tổ quốc. Em Ngô Hoàng Trang, lớp 11A2, trường THPT Cẩm Khê (tỉnh Phú Thọ) chia sẻ và động viên CBCS: “Tuy chưa một lần gặp mặt hay tiếp xúc nhưng qua các phương tiện truyền thông, cháu ít nhiều biết cuộc sống của các chú nơi biên cương hải đảo xa xôi. Vừa qua, cơn bão Tembin bất ngờ tràn qua đảo gây thiệt hại cây xanh và cơ sở vật chất. Là học sinh, cháu chỉ có lời chia sẻ và động viên các chú sớm vượt qua khó khăn để tiếp tục đứng vững và bảo vệ chủ quyền nơi đảo xa. Ở đất liền, cháu luôn tự hào và khâm phục sự hy sinh của các chú. Cháu mong rằng bức thư này sẽ là cầu nối giữa đất liền với đảo xa”, Hoàng Trang viết.
Đọc các lá thư chia sẻ, động viên của các em học sinh, sinh viên gửi từ đất liền, các chiến sĩ trẻ được tiếp thêm nghị lực để vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao
Trong khi đó, lá thư kín 3 trang giấy của em Lý Vân Anh, học sinh lớp 12A9, trường THPT Vùng cao Việt Bắc (tỉnh Thái Nguyên) thể hiện sự biết ơn trước những công lao của CBCS trong việc giữ vững chủ quyền biển đảo quê hương. Không những thế, Vân Anh cũng biết rằng để thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng này, CBCS cần phải có một nghị lực phi thường. Trong thư, Vân Anh mến phục: “Cháu thực sự tò mò rằng động lực nào đã tiếp sức cho các chú có thể rời xa quê hương, rời xa gia đình, rời xa những người các chú yêu thương mà vững lòng hoàn thành tốt nhiệm vụ? Có phải chăng do các chú yêu đất nước mà tình nguyện làm tất cả! Đã có lần, cháu xem chương trình “Chúng tôi là chiến sĩ” thấy các chú ở ngoài đảo xa điều kiện sống thiếu thốn. Ngày tết, các chú dùng lá bàng vuông thay lá dong gói bánh chưng. Các chú rất ít khi được về thăm gia đình. Cháu thực sự không thể tưởng tượng được rằng khi trong đất liền cháu đang vui vẻ sum họp bên gia đình thì các chú phải đón tết xa nhà”.
Cũng như Vân Anh, trong lá thư của bạn Nguyễn Thị Kim Diên (sinh viên trường Đại học Nha Trang) bày tỏ tình cảm yêu quý những người lính đảo đang ngày đêm canh giữ nơi biên hải của Tổ quốc. Kim Diên mong muốn: “Em ước được cùng các anh bên bếp lửa hồng nấu những nồi bánh chưng giữa bao la sóng vỗ và cùng các anh hát vang bài hát chúc mừng năm mới. Để em cảm nhận nỗi vất vả, khó khăn và niềm vui bắt đầu một năm mới của các anh ở nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc”.
Cầm lá thư, chiến sĩ Trương Minh Tuấn, quê Hà Tĩnh, đang công tác tại đảo Cô Lin chia sẻ: “Ngày tết nhận những phong thư của các bạn học sinh, sinh viên được trang trí tỉ mỉ, nét chữ xinh xinh với tình cảm chân thành mến yêu gửi đến các chú bộ đội. Tết đến xuân về, dù xa nhà nhưng những cánh thư từ đất liền giúp chúng tôi cảm thấy ấm áp, bản lĩnh hơn để cùng đoàn kết hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.
Những bài thơ gắn kết yêu thương
Ngày tiễn CBCS ra đảo nhận nhiệm vụ, chúng tôi ấn tượng mãi hình ảnh một cô sinh viên nhỏ nhắn cầm trên tay tập thơ do mình sáng tác tặng cho người lính hải quân. Đó là bạn Mai Ngọc Thoan, quê Ninh Thuận, sinh viên trường Đại học Thái Bình Dương (tỉnh Khánh Hòa). Trước giờ tàu khởi hành, chúng tôi có dịp nghe Thoan kể về tập thơ của mình. Thoan đến với thơ như một cơ duyên. Đó là vào thời điểm Thoan học môn Giáo dục quốc phòng và nghe thầy kể về những người lính hải quân ngoài đảo với cuộc sống đầy khó khăn, thiếu thốn, Thoan mến phục và đem lòng yêu quần đảo thiêng liêng từ ấy. Những tình cảm đó, Thoan mang vào trong thơ với hy vọng những bài thơ đó sẽ được gửi đến tay lính đảo. Sau gần 3 năm sáng tác, Thoan đã viết hơn 44 bài thơ về Trường Sa và người lính đảo. Thoan nắn nót viết tay các bài thơ này vào tập giấy rồi đặt tên là “Cô bé yêu biển”.
Bạn Mai Ngọc Thoan tặng tập thơ do bản thân sáng tác cho CBCS chuẩn bị lên đường nhận nhiệm vụ
Sau một thời gian chờ đợi, Thoan đã có cơ hội trực tiếp gửi tặng tập thơ cho lính hải quân khi cùng các bạn sinh viên trong trường ra tiễn đoàn công tác thăm, tặng quà và chúc tết CBCS huyện đảo Trường Sa. Sau đó, Thoan không bỏ lỡ lần tiễn và đón đoàn để được gặp và hỏi thăm những người lính mà nhờ những bài thơ này mà Thoan quen biết. Cùng với đó là những lá thư đi về giữa khơi xa với đất liền, như sợi dây gắn bó tình bạn, tình anh em son sắt giữa Thoan và người lính đảo. Qua các câu chuyện những người lính kể cho Thoan, có khi là những điều rất đỗi bình dị trong sinh hoạt đời thường như chuyện ăn, chuyện ở… Thoan cũng lấy làm tư liệu cho các bài thơ. Có lẽ cũng vì thế mà thơ của Thoan rất mộc mạc và gần gũi. Những bài thơ này gửi ra Trường Sa rất được yêu thích và nhiều chiến sĩ đã viết thư gọi điện cho cô như người bạn thân thiết.
Thoan kể, có lần một anh lính gọi điện về cho cô chỉ để khoe Trường Sa vừa có mưa sau nhiều tuần nắng hạn. Các anh mừng vì có nước ngọt để tắm, để ăn. Rồi có anh lượm những con ốc biển, quả bàng vuông nhờ tàu chở hàng mang về đất liền để tặng cho cô… Những điều tưởng chừng rất dung dị ấy khiến em rưng rưng cảm động. Thoan cảm phục tinh thần lạc quan và niềm vui sống lớn lao của người chiến sĩ. Những bài thơ: Gửi đến anh người lính biển, Quyển sổ tay… ra đời từ những điều giản đơn như thế.
Ngoài các phần quà vật chất như mọi năm, Câu lạc bộ (CLB) “Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương” của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã phát động các em học sinh và sinh viên các trường đại học viết hơn 2.000 bức thư và bưu thiếp được làm công phu với nhiều lời chúc xuân ý nghĩa gửi tặng CBCS đang làm nhiệm vụ tại huyện đảo tiền tiêu. Anh Trần Vũ Thanh, Chủ nhiệm CLB cho biết đây là một trong những nội dung chương trình “Xuân biên giới - Tết hải đảo năm 2018” của CLB nhằm động viên CBCS lực lượng hải quân đón tết cổ truyền dân tộc nơi đảo xa. Qua đó, chương trình góp phần giáo dục, bồi đắp truyền thống yêu nước, tình yêu quê hương cho thế hệ trẻ, chia sẻ khó khăn với những người lính đang ngày đêm canh giữ, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
NGUYỄN HẬU