Những ký ức vẹn nguyên về Hồ Chủ tịch trong lòng nước Pháp
(BDO)
Ngôi nhà số 9, ngõ Compoint, nơi ở của Nguyễn Ái Quốc tại Paris trong thời gian hoạt động ở Pháp. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát)
110 năm đã trôi qua kể từ ngày đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt chân đến Pháp với mong mỏi tìm được con đường giải phóng dân tộc.
Sau hơn 1 thế kỷ, những ký ức về Người vẫn được lưu giữ vẹn nguyên trong lòng nước Pháp.
Nhà báo Jean-Pierre Archambault, Tổng biên tập tạp chí Perspectives France-Vietnam (Tầm nhìn Pháp-Việt), đã khẳng định như vậy trong cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN tại Paris nhân kỷ niệm 110 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911- 5/6/2021).
Điểm lại những dấu mốc trong quãng thời gian Chủ tịch Hồ Chí Minh sống ở Pháp từ năm 1918 đến năm 1923, ông Jean-Pierre Archambault nêu rõ giai đoạn 1920-1923 được đánh giá là “quyết định” trong quá trình phát triển tư tưởng và rèn luyện chính trị của Người.
Nhà báo Archambault cho biết ông đặc biệt ấn tượng trước việc dù cuộc sống của Người tại Pháp khi đó gặp nhiều khó khăn, nhà ở chật chội, thiếu ăn, luôn bị đe dọa thất nghiệp, Người vẫn luôn hăng hái tham gia các hoạt động chính trị và thường xuyên lui tới các thư viện.
Nhà báo Jean-Pierre Archambault nhớ tới sự kiện năm 1919, cùng với một nhóm những người yêu nước An Nam, Hồ Chí Minh đã gửi một bản kiến nghị tới Hội nghị Versailles, yêu cầu Chính phủ Pháp công nhận quyền tự do, dân chủ và bình đẳng của nhân dân Việt Nam, cùng những bảo đảm tương tự như đối với người châu Âu.
Năm 1920, Người tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp tại Đại hội Tours. Với trình độ tiếng Pháp xuất sắc, Hồ Chí Minh tố cáo những hành vi sai trái, đàn áp tàn bạo và chuyên quyền của chế độ thực dân mà 20 triệu người An Nam là nạn nhân.
Tổng biên tập tạp chí Perspectives France-Vietnam lưu ý thời kỳ đó, Người viết rất nhiều, đặc biệt là trên tờ L’Humanité (Nhân đạo), tờ báo của Đảng Cộng sản, và tờ La Vie Ouvrière, tờ báo của Tổng Liên đoàn Lao động, với nhiều bài phê phán chủ nghĩa thực dân dưới bút danh Nguyễn Ái Quốc.
Năm 1921, cùng với các nhà hoạt động từ các thuộc địa của Pháp, Người thành lập Liên minh các thuộc địa, hiệp hội đầu tiên trong lịch sử nước Pháp, tập hợp những người châu Á, Bắc Phi, vùng quần đảo Madagascar, Antilles…
Liên minh này xuất bản tờ Le Paria (Người cùng khổ), trong đó Hồ Chí Minh đồng thời là người sáng lập, người điều hành chính, người biên tập chính và thậm chí là họa sỹ minh họa. Le Paria là tiếng nói của giai cấp vô sản thuộc địa.
Đề cập tới việc tạp chí Perspectives France-Vietnam đã đăng nhiều bài viết của nhà sử học Alain Ruscio về Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà báo Archambault cho biết ông đánh giá rất cao cuốn sách mới của tác giả Alain Ruscio, có tựa đề "Hồ Chí Minh, những bài viết và cuộc chiến đấu," do nhà xuất bản Le Temps des cerises phát hành năm 2019.
Tác phẩm này khắc họa Hồ Chí Minh, từ người chiến sỹ cộng sản đến lãnh tụ Việt Nam, qua các bài viết và bài phát biểu của Người, cũng như từ các tài liệu lưu trữ.
Tạp chí Perspectives France-Vietnam đã đăng bài của nhà báo Lina Sankari, làm việc tại tòa soạn báo l'Humanité đánh giá về cuốn sách này.
Nhà báo Archambault cũng nhắc tới số báo ra tháng 6/2020 của tạp chí Perspectives France-Vietnam, có chuyên trang đặc biệt nói về một bức tượng bán thân của Hồ Chủ tịch. Theo ông, đây là một câu chuyện cảm động và đáng kinh ngạc.
Tất cả bắt đầu vào năm 1927 trong nhà tù của thực dân Pháp ở Côn Đảo. Các tù nhân chính trị Việt Nam bị kết án vì đấu tranh chống lại chủ nghĩa thực dân phải chịu sự ngược đãi tồi tệ nhất ở đó.
Những người tù nổi tiếng này đã góp phần vào việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930, hợp nhất các tổ chức cộng sản trong nước và ở Đông Dương.
Các tù nhân đã đắp một bức tượng bán thân Hồ Chí Minh bằng thạch cao, sau đó bị ban quản lý nhà tù tịch thu.
Một trong những cai ngục người Pháp đến từ đảo Corse, tên là Paul Miniconi, sống ở Côn Đảo cùng gia đình. Vì vài lần bênh vực tù nhân, bản thân ông cũng bị tống giam như một hình thức trừng phạt.
Năm 1947, khi trở về quê hương, ông đem theo bức tượng bán thân Hồ Chủ tịch và cất giữ tại nhà riêng trên đảo Corse.
Vào năm 2019, ông Paul-Antoine Miniconi, 83 tuổi, con trai của cai ngục Paul Miniconi, đã quyết định tặng kỷ vật này cho Bảo tàng Hồ Chí Minh ở Hà Nội.
Như một mối lương duyên, bức tượng đã được con trai người cựu cai ngục trao cho Đại sứ Nguyễn Thiệp, con trai của một cựu tù nhân chính trị ở Côn Đảo.
Nhà báo Archambault cũng chia sẻ cảm xúc khi tham gia lễ kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5), được tổ chức mỗi năm trước tượng đài Người ở công viên Montreau.
Theo ông, buổi lễ kỷ niệm hằng năm này là một điểm nhấn của tình hữu nghị Pháp-Việt Nam, một khoảnh khắc ngập tràn cảm xúc.
Trong công viên Montreau ở ngoại ô Paris, bức tượng Hồ Chí Minh được chính quyền và nhân dân thành phố Montreuil xây dựng năm 2005, nhân kỷ niệm 105 năm ngày sinh của Người, để tưởng nhớ vị lãnh tụ vĩ đại, người cha già của dân tộc Việt Nam. Đây là bằng chứng sống động của tình hữu nghị và hợp tác song phương.
Thẻ căn cước của Nguyễn Ái Quốc ở Paris (Pháp) năm 1919. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát)
Thành phố Montreuil rất tự hào đã đóng góp một phần quan trọng vào tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước, trong những năm kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước,cũng như trong quá trình xây dựng và phát triển của Việt Nam.
Buổi lễ này cũng là dịp để thăm Không gian Hồ Chí Minh trong Bảo tàng Lịch sử sống, nơi lưu giữ những tài liệu, hiện vật liên quan đến thời kỳ hoạt động của Người tại Pháp. Cánh cửa gỗ của Phòng Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là cửa ngôi nhà số 9 phố Compoint lịch sử, hiện vật đã chứng kiến những ngày tháng gian nan làm cách mạng của người thanh niên Nguyễn Tất Thành tại Paris.
Những vật dụng nhỏ bé và cũ kỹ trong một gian phòng khiêm tốn là những hình ảnh rất giản dị, khiêm nhường nhưng cũng rất đỗi thân thuộc về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tất cả hiện vật đó đã được những đảng viên Đảng Cộng sản Pháp và những người bạn Pháp lưu giữ từ năm 1986, khi thủ đô Paris lên kế hoạch xây lại những ngôi nhà cũ, trong đó có nhà số 9 ngõ Compoint.
Tổng biên tập tạp chí Perspectives France-Vietnam bày tỏ tinh thần yêu tự do, hòa bình của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lan tỏa và gắn kết con người của hai đất nước. Những kỷ vật và ký ức về Người tại Pháp vẫn đang tiếp tục thực hiện sứ mệnh lịch sử, thắt chặt hơn nữa tình hữu nghị và hợp tác giữa hai dân tộc./.
Theo TTXVN