Những ký ức không thể nào quên
(BDO)
Sáng nay (22-4), nhân dịp kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2015), Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương tổ chức buổi họp mặt truyền thống những người kháng chiến chống Mỹ tại tỉnh Thủ Dầu Một. Nhân dịp này, phóng viên Báo Bình Dương đã có buổi trò chuyện với một số cựu chiến binh (CCB) tham gia tại buổi họp mặt này. Những câu chuyện kể từ các CCB đã phần nào toát lên được không khí hào hùng của quân và dân tỉnh Thủ Dầu Một trong thời khắc lịch sử cách đây 40 năm.
Niềm vui như vỡ oà!
CCB Nguyễn Văn Hùng, khu phố 2, phường Mỹ Phước, TX.Bến Cát, tham gia vào Tiểu đoàn Phú Lợi năm 1961 khi ông còn rất trẻ, mới ngoài 22 tuổi. Nhiệm vụ của ông cùng các đồng đội là kết hợp với C61 huyện Bến Cát chiến đấu. Trong những năm tháng cùng đồng đội hành quân kháng chiến, điều còn in dấu sâu đậm nhất trong ông mà mỗi khi có dịp nhắc lại, ông lại rưng rưng cảm động, tự hào, đó là khí thế hành quân sục sôi gặp giặc là đánh và tiêu diệt chứ không chút sợ hãi.
Trong cuộc Tổng tiến công mùa xuân năm 1975, với vai trò là Huyện đội phó, ông được cử đi cùng với Trung đoàn 3, Sư đoàn 1 tham gia nhiều trận đánh ác liệt để giải phóng Bến Cát. Sáng ngày 29-4-1975, đơn vị của ông hành quân theo hướng đông chọc thẳng ra cầu An Tây, Thới Hòa và chặn đánh địch ở ngã tư An Hòa, An Lợi (nay thuộc phường Hòa Lợi). Đến trưa 29- 4, Trung đoàn 3 làm chủ hoàn toàn đường 3, lô số 2 (An Hòa, An Lợi) bắt gọn Sư đoàn 5 của ngụy với quân số 8.000 tên. Đến chiều 29-4, trung đoàn di chuyển lên Lai Khê (vị trí của Sư đoàn 5 ngụy đóng quân) thì phát hiện tên chỉ huy Lê Quang Vĩ, Sư đoàn 5 của ngụy tự sát tại chỗ ở dưới hầm chỉ huy của y. Đến lúc này, Trung đoàn 3 của ông đã hoàn thành nhiệm vụ, cắm lá cờ giải phóng trên hầm chỉ huy. Ông Hùng tâm sự: “Anh em chúng tôi đã đi qua trận đánh Mậu Thân (1968) nên càng thấy sự vĩ đại, sự chỉ huy tài tình của Đảng ta trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử 1975. Cuối cùng, những chiến sĩ bộ đội địa phương đã làm tròn tâm nguyện nối liền một dải non sông…”.
Lễ mừng miền Nam giải phóng tại Thủ Dầu Một năm 1975 (ảnh tư liệu)
Còn CCB Đặng Văn Ru, ấp Dòng Sỏi, xã An Tây là người tham gia vận chuyển tài chính cho các đơn vị chiến trường miền Nam. Mặc dù công việc vận chuyển tiền gặp nhiều khó khăn, gian khổ, nhưng ông cùng các đồng đội của mình với lòng yêu nước cao độ đã vượt qua tất cả để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. “Có lần, mang trên vai ba lô tiền khá lớn, băng rừng, lội suối ngày đêm để mang đến kịp cho anh em ở các đơn vị nhưng không may bị lọt vào ổ địch. Khi đó, anh em xác định, dù có hy sinh mà đồng đội không lấy được xác thì cũng phải bằng mọi giá giữ được ba lô, chứ không thể để mất một xu nào…”, ông Ru nhớ lại.
Sau khi được lệnh tiến quân vào giải phóng Sài Gòn, đơn vị ông bắt tay vào làm nhiệm vụ quân quản. Nói về phút giây lịch sử khi nghe thông báo miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông Ru không giấu nổi xúc động: “Khi làm nhiệm vụ, tôi và nhiều anh em xác định tư tưởng, có thể sẽ phải hy sinh. Trưa 30-4, khi quân ta vào đến dinh Độc Lập, nghe tin phát ra mà mừng vui khôn tả. Thế là miền Nam đã giải phóng, đất nước đã hòa bình, mình sẽ trở về với gia đình, quê hương. Niềm vui như vỡ òa!”. Tháng 8-1975, ông trở về địa phương xây dựng cuộc sống gia đình. Ông bảo, những nơi đã từng ghi dấu chiến tranh xưa giờ đã thay da đổi thịt. Cuộc sống mới ở những khu, ấp sôi động ngày nay khiến ông cảm nhận rõ hơn giá trị của cuộc chiến đấu giành độc lập dân tộc. Sự đổi thay to lớn cũng là sự chuyển mình của đất nước đi lên khiến lớp người khi xưa cầm súng chiến đấu như ông càng thêm tự hào.
Tự hào được chiến đấu trong thời khắc lịch sử
CCB Đỗ Hữu Châu, phường Thuận Giao (TX.Thuận An) thì tâm sự: “Được trực tiếp chiến đấu trong thời khắc lịch sử của đất nước trong mùa xuân năm 1975 là niềm hạnh phúc lớn lao của tôi”. Năm 1961, khi vừa 20 tuổi, ông lên đường chiến đấu, tham gia nhiều trận đánh ác liệt với địch. Trong một lần chống càn ở Vĩnh Phú, ông bị địch bắt rồi bị đày ra nhà tù Phú Quốc. Dù phải hứng chịu những đòn tra tấn dã man của địch nhưng ông không khai nửa lời. Năm 1969, sau khi vượt ngục thành công, ông tham gia hoạt động cách mạng tại Phú Quốc, sau đó về đất liền hoạt động, đến năm 1972, ông làm Phó ban Chỉ huy Quân sự huyện Lái Thiêu. Năm 1975, ông nhận lệnh về Tỉnh đội, chuẩn bị tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Ông cùng Trung đoàn Triệu Hải, Quân đoàn 1 nhận nhiệm vụ cùng với đơn vị bộ đội chủ lực về căn cứ Chiến khu Đ chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công nổi dậy mùa xuân 1975.
Kể về những thời khắc lịch sử của ngày giải phóng, ông nói: “Tôi nhớ như in ngày 28-4- 1975, chúng tôi hành quân suốt đêm, đến khoảng 7 giờ sáng ngày 29, chúng tôi đánh và giải phóng Tân Uyên, sau đó trung đoàn dừng chân ở ngã tư Hòa Lân. Đến rạng sáng ngày 30- 4, trung đoàn tấn công vào Lái Thiêu rồi thẳng tiến lên trung tâm binh chủng Gò Vấp và Bộ Tổng tham mưu địch. Trước khí thế hùng mạnh của quân ta, quân địch khiếp vía bỏ chạy tán loạn, chúng ta làm chủ thế trận, giải phóng toàn bộ miền Nam. Lúc đó, chúng tôi và người dân vui mừng khôn xiết. Chúng tôi đi đến đâu đều được bà con chào đón nồng nhiệt, cờ hoa rực rỡ phố phường”. Hòa bình lập lại, ông Châu trở về cuộc sống đời thường mang theo dấu tích chiến tranh là thương binh 1/4. “Trải qua cuộc chiến ác liệt trường kỳ của dân tộc, được tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt được trực tiếp tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, chiến đấu trong thời khắc lịch sử của đất nước là niềm hạnh phúc lớn lao đối với tôi”.
Năm 1956, lúc vừa tròn 19 tuổi, ông Trần Ngọc Khưu, một CCB ở phường Đông Hòa, TX.Dĩ An đã bắt đầu tham gia hoạt động phong trào thanh niên ở quê nhà (Quảng Nam - Đà Nẵng) rồi vào Sài Gòn - Gia Định tiếp tục tham gia các hoạt động cách mạng. Năm 1973 ông làm Huyện đội trưởng Dĩ An, trực tiếp chỉ đạo lực lượng vũ trang của huyện chiến đấu. Vào thời khắc chuẩn bị giải phóng, Dĩ An là vùng yếu bởi lúc này ta chỉ còn 1 trung đội và 6 du kích mật, trong khi địch có cả 1 đại đội và 3 trung đội dân vệ đứng ở các chốt, còn có cả 1 đoàn bình định nông thôn ra sức kìm kẹp nhân dân. “Đầu tháng 4- 1975, khi thời cơ đã đến, tỉnh đã cử 1 đại đội xuống hỗ trợ cho Dĩ An. Lúc đó, tôi nghe tin mà vui mừng khôn xiết, như nắng hạn gặp mưa. Lực lượng của ta đã mạnh hơn trước, anh em trong đơn vị ráo riết chuẩn bị đào công sự, trang bị súng, ống cho ngày ra trận. Sáng ngày 30-4, tin tức khắp nơi báo về, quân ta làm chủ tình hình, địch nghe tin khiếp vía bỏ chạy, ta tiến hành thu gom súng ống, tiến ra chi khu Dĩ An giành lấy trụ sở”.
Ông Khưu bảo, ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước 30-4-1975 đã giúp nhân dân ta đổi đời lần thứ 2 sau ngày Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Vì thế, ngày này có ý nghĩa vô cùng to lớn trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Nó khẳng định quyền làm chủ đất nước của nhân dân ta. Ngày nay, nhìn quê hương ngày càng thay da đổi thịt từng ngày, những người lính từng cầm súng chiến đấu như ông càng tự hào và thêm yêu quý quê hương, nơi có những con người gan dạ, kiên cường.
TÂM BÌNH - NGỌC NHƯ