Những kỳ tích của vùng đất lửa - Kỳ 23

Thứ năm, ngày 23/04/2015

(BDO) Kỳ 23: Phú Giáo - phát triển đồng bộ các ngành kinh tế

 Là địa bàn vùng sâu, vùng xa, có đông đồng bào dân tộc sinh sống, những năm qua với sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện, kinh tế của Phú Giáo đã phát triển ổn định và đồng bộ.

 Phát triển đồng bộ các ngành kinh tế, Phú Giáo đã có bộ mặt khang trang. Trong ảnh: Một góc thị trấn Phước Vĩnh hôm nay. Ảnh: H.PHƯƠNG

 Phát huy thế mạnh địa phương

Hiện nay, toàn huyện Phú Giáo có 341 trang trại trồng cây lâu năm và 151 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm với đàn heo ước đạt trên 138.300 con, đàn gia cầm gần 1,39 triệu con, đàn trâu 248 con... Tổng diện tích đất sử dụng của trang trại là 3.457,57 ha, với số lao động gần 2.570 người; bình quân doanh thu mỗi trang trại là 2,9 tỷ đồng/năm. Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện còn có 5 hợp tác xã kiểu mới gồm 3 hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, 1 hợp tác xã chế biến đồ mộc mỹ nghệ và Quỹ tín dụng Phước Hòa. Nhìn chung, các hợp tác xã đều hoạt động ổn định, hiệu quả.

Để hỗ trợ nông dân quản lý tốt đồng ruộng, trang trại và nâng cao hiệu quả sản xuất, thời gian qua, ngành nông nghiệp huyện Phú Giáo đã tổ chức xây dựng nhiều điểm trình diễn mô hình thâm canh tăng năng suất cây tiêu, thâm canh tăng năng suất cao su khai thác, nuôi bò sinh sản... Đến nay, các mô hình này đều mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần đưa thu nhập bình quân của người dân trong huyện đạt 34,5 triệu đồng/năm.

Nhằm tạo lực cho phát triển kinh tế, năm 2014 huyện Phú Giáo đã tập trung thi công hoàn thành và đưa vào sử dụng 20 công trình giao thông nông thôn - chỉnh trang đô thị với tổng chiều dài 21.773m, tổng vốn đầu tư 23,774 tỷ đồng. Hầu hết công trình hạ tầng kỹ thuật, phúc lợi xã hội được huyện tổ chức triển khai đúng tiến độ, khi hoàn thành đều được tổ chức nghiệm thu bàn giao đưa vào hoạt động. Từ đó, đã góp phần thúc đẩy ngành sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của huyện khởi sắc, với giá trị sản xuất đạt 2.196 tỷ đồng trong năm 2014, tăng 12,25% so với năm 2013.

Chia sẻ với chúng tôi về những đổi thay của quê hương mình, bà Dương Kim Thao, người dân ở thị trấn Phước Vĩnh, phấn khởi cho biết sau ngày giải phóng, Phú Giáo là vùng kinh tế mới, đi lại rất khó khăn. Được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, người dân đã an tâm lao động sản xuất, kinh doanh trên quê hương mình. Giờ đây, đường phố đã khang trang sạch đẹp, chất lượng cuộc sống được nâng cao, con cái được học hành, tiến bộ… nên ai cũng phấn khởi.

Nâng cao thu nhập cho người dân

Hiện nay, lĩnh vực nông nghiệp vẫn giữ vai trò lớn của kinh tế huyện Phú Giáo với tổng diện tích cây hàng năm 2.920,56 ha, cây lâu năm 36.067,37 ha. Những năm gần đây, giá cao su giảm sâu đã ảnh hưởng đến thu nhập của nhiều gia đình. Tuy vậy, nhờ được trang bị thông tin thị trường, kiến thức khoa học - kỹ thuật, nông dân trong huyện đã chuyển đổi nuôi trồng thêm những cây, con khác phù hợp như cây tiêu, chăn nuôi bò sữa ứng dụng công nghệ cao…, bảo đảm nguồn thu nhập ổn định.

Bên cạnh đó, công tác tập huấn các mô hình sản xuất, quản lý đồng ruộng, vật nuôi cho nông dân cũng được ngành chức năng của huyện thực hiện thường xuyên. Riêng trong năm 2014, huyện đã thực hiện được 26 điểm quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), 46 lớp tập huấn kỹ thuật trồng và cách phòng, trừ sâu bệnh trên cây trồng chính cho gần 1.400 nông dân. Qua các buổi tập huấn đã giúp nông dân biết cách nhận diện, phòng trừ hiệu quả nhất các bệnh thường gặp để kịp thời áp dụng trên vườn cây của mình và phổ biến cho các vườn xung quanh thực hiện đồng loạt để đạt hiệu quả cao.

Theo lãnh đạo huyện Phú Giáo, trong năm 2015, huyện đề ra mục tiêu đưa thu nhập bình quân của người dân đạt 36,9 triệu đồng; tốc độ tăng trưởng kinh tế từ 13 - 13,5%; cơ cấu kinh tế: nông - lâm nghiệp 40%, công nghiệp - xây dựng 31,9%, thương mại - dịch vụ 28,1%. Huyện phấn đấu có thêm 2 trường đạt chuẩn quốc gia và 4 trường đạt chuẩn chất lượng giáo dục; tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí của tỉnh giảm còn 1,2%. Đặc biệt, phấn đấu các xã Tam Lập, An Bình, An Long, Phước Sang, An Linh và An Thái hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới vào cuối năm 2015.

Kỳ 24: Dầu Tiếng - hoàn thành sớm kế hoạch nông thôn mới

 DUY CHÍ