Những kỷ niệm khó quên của sinh viên Bình Dương với GS. TS Trần Văn Khê

Thứ hai, ngày 29/06/2015

Trường Đại học Bình Dương (ĐHBD) có một may mắn lớn, được GS.TS Trần Văn Khê chọn làm nơi dừng chân vào ngay những ngày đầu tiên về nước.

(BDO)

SG.TS Trần Văn Khê ký tặng sách cho sinh viên Đại học Bình Dương.

Từ năm 2006 GS.TS Trần Văn Khê là cố vấn cấp cao, thành viên hội đồng khoa học nhà trường. Ngoài ra GS.TS Trần Văn Khê còn lên giảng đường chia sẻ những nét hay, những nét đẹp trong nền âm nhạc truyền thống dân tộc với sinh viên của trường.  

Năm 2005, sau khi ĐHBD thành lập Trung tâm Bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc, nhà trường đã mời GS.TS Trần Văn Khê về truyền đạt văn hóa, âm nhạc dân tộc cho các thế hệ sinh viên (SV). Sau khi tìm hiểu về ĐHBD, GS.TS Trần Văn Khê đã đã nhận lời. Và, từ sự “truyền lửa” của GS.TS Trần Văn Khê, tình yêu văn hóa dân tộc đã được nhân lên trong các thế hệ SV của ĐHBD.

GS.TS Trần Văn Khê cùng con trai GS. TS Trần Quang Hải trong chương trình giao lưu với sinh viên “Chuyện kể từ trái tim lần I”.

Mặc dù tuổi đã cao, nhưng với tâm huyết truyền thụ lại cái hay cái đẹp của âm nhạc truyền thống cho thế hệ trẻ, GS. Trần Văn Khê không quản ngại đường xa đến với giảng đường ĐHBD tổ chức nhiều chương trình giao lưu và thuyết giảng về âm nhạc truyền thống cho sinh viên ĐHBD.

Lần thứ 2, ngày 5-11-2011, GS.TS Trần Văn Khê cùng con trai cả – GS.TS Trần Quang Hải và con dâu – Ca sĩ Bạch Yến đã có buổi giao lưu “Chuyện kể từ trái tim” với SV ĐHBD. Buổi nói chuyện được bắt đầu bằng những câu chuyện về cuộc đời của giáo sư. Đặc biệt, trong chương trình, GS.TS Trần Văn Khê cùng con trai là GS.TS Trần Quang Hải đã biểu diễn kỹ thuật "Đồng song thanh". Qua đó, các bạn sinh viên được thưởng thức buổi biểu diễn hiếm hoi của hai đại thụ âm nhạc dân tộc tại Việt Nam.

Thầy Lê Ái Phú – Phó Phòng Công tác sinh viên ĐHBD, người đã sắp xếp các buổi giảng dạy của GS. TS Trần Văn Khê cho biết: “Vào đầu năm học 2006, GS.TS Trần Văn Khê đã có 4 buổi với 20 tiết giảng dạy cho tân SV về giá trị của nền âm nhạc Việt Nam trên trường quốc tế; giới thiệu các loại nhạc cụ, nhạc khí Việt Nam, giảng dạy cho SV thấy cái hay cái đẹp của âm nhạc truyền thống Việt Nam. Giáo sư nói, muốn đưa âm nhạc truyền thống Việt Nam vào giảng đường đại học, không phải để đào tạo ra nhạc sĩ, nghệ sĩ mà chí ít để trí thức trẻ Việt Nam phải biết và hiểu được cái hay cái đẹp của âm nhạc truyền thống”.

Tiếp đó, ngày 21-12-2012 Trường ĐHBD tổ chức buổi giao lưu “Những nét hay trong nghệ thuật hát Bội” do GS.TS Trần Văn Khê thuyết giảng. Cứ sau mỗi tiết mục của gánh hát, GS.TS Trần Văn Khê lại giới thiệu khái quát nguồn gốc, lịch sử hình thành và phát triển của nghệ thuật hát Bội, những đặc trưng riêng của loại hình nghệ thuật này… Mỗi đặc điểm đều được GS.TS Trần Văn Khê giản giải bằng ngôn ngữ và lối diễn rất dung dị, sinh động, cuốn hút. Hội trường vang lên những tràng pháo tay giòn giã.

Anh Đoàn Văn Tịnh - cựu sinh viên Khoa Ngữ văn xúc động nhớ lại: “Mỗi buổi học của Thầy, chúng tôi cử ra 4 bạn nam xuống sân trường đỡ Thầy đang ngồi trên chiếc xe lăn lên giảng đường và khi về cũng vậy. Trong suốt buổi học, dù tuổi đã cao nhưng chưa một lần sinh viên nhìn thấy những cử chỉ mệt mỏi trên gương mặt, mà chỉ thấy sự say mê giảng bài của Thầy. Ngoài việc giảng về âm nhạc, Thầy còn dạy cách sống và làm người, nên sinh viên chúng tôi rất quý mến Thầy”.

Bạn Đào Minh Thành – Lớp 13VN01 Khoa Việt Nam học, khóa 2010-2014 chia sẻ: Ngày đó em vui mừng, sung sướng khi được Thầy ký tên tặng trên quyển sách "Những câu chuyện từ trái tim" của Thầy viết . Em sẽ gìn giữ cuốn sách như một kỷ vật để rồi cố gắng  nhiều hơn nữa góp phần nhỏ bé của mình vào gìn giữ và phát huy truyền thống văn hóa âm nhạc dân tộc Việt Nam”.

Khi nghe tin GS.TS Trần Văn Khê qua đời, nhiều thế hệ sinh viên Trường Đại học Bình Dương chia sẻ những bức hình, những kỷ niệm với GS.TS Trần Văn Khê trên giảng đường, khi giáo sư miệt mài say mê truyền lửa tình yêu âm nhạc truyền thống.

GS.TS Trần Văn Khê ra đi khi Thầy còn rất nhiều ý định giảng dạy cho SV ĐHBD như giảng dạy về thú chơi tao nhã của người Việt Nam xưa đó là “Xướng họa trong thơ đường”. Theo kế hoạch của Trường ĐHBD, trung tuần tháng 11-2015, Thầy giới thiệu về Nhã nhạc cung đình Huế và Ban Tứ Tuyệt của Nhạc sư Vĩnh Tuấn cho sinh viên. Nhưng tiếc rằng chưa thực hiện được thì thầy đã ra đi.

TRỌNG VĂN