Những hy sinh thầm lặng: Nghề của sự cẩn trọng!

Thứ bảy, ngày 05/04/2014

Bài 2: Nghề của sự cẩn trọng!

> Bài 1: Điều dưỡng – nghề làm dâu trăm họ

Đó là cảnh làm việc của các anh chị mà tôi gặp tại Khoa Giải phẫu bệnh lý Bệnh viện Đa khoa tỉnh. “Em đến đó có nhiều cái hay để viết lắm”, bác sĩ (BS) Dương Tấn Tài, Phó Giám đốc bệnh viện giới thiệu ngắn gọn kèm theo sự trân trọng dành cho những con người thầm lặng ngày đêm làm việc tại khoa này…

Những chiếc blouse trắng miệt mài, lặng lẽ

Không có cảnh bệnh nhân chờ đợi vì quá tải, không có cảnh ồn ào, khóc la của bệnh nhân bởi những cơn đau, họ làm việc trong im lặng. Những chiếc áo trắng miệt mài trong 4 bức tường trắng cùng bệnh phẩm, máy móc. Chị Trần Phương Mai, cử nhân xét nghiệm có 23 năm trong nghề giới thiệu cho tôi những bệnh phẩm là khối u, vòi trứng, u xơ tử cung, u nang buồng trứng… được ngâm trong từng chiếc lọ formol.

Nhiều người khác lại đang “nói chuyện” với những mô tế bào lấy từ người bệnh, người đã chết để tìm câu trả lời về bệnh lý. “Ở đây có sinh thiết và tử thiết. Sinh thiết là lấy mẫu xét nghiệm từ người sống. Tử thiết là xét nghiệm mẫu của người chết theo yêu cầu giám định y khoa, pháp y. Thiếu cẩn trọng một chút cũng không được bởi kết quả là quyết định quan trọng trong quá trình điều trị cho người bệnh hay thi hành án cho các đương sự liên quan”, chị Mai giải thích.

Chị Mai đang đọc kết quả Pap smear. Ảnh: Q.NHƯ

Khoa Giải phẫu bệnh lý có 7 cán bộ trong đó có một trưởng khoa phụ trách chung là BS Nguyễn Văn Giáp cùng 6 anh chị em của 2 bộ phận vi thể và đại thể. Ở đây có các phòng làm xét nghiệm về Pap smear, Anapath, dịch tế bào, FDA... Các xét nghiệm đều qua nhiều khâu, nhiều người thực hiện. Xét nghiệm về Anapath (sinh thiết) thường do BS Giáp đọc kết quả. Riêng Pap smear hầu như chị Mai đảm nhiệm. Để chúng tôi hiểu hơn về quá trình xét nghiệm, chị Mai giải thích: “Các bệnh phẩm được lấy từ các khoa của bệnh viện đưa xuống yêu cầu xét nghiệm. Xét nghiệp Pap smear (tầm soát ung thư cổ tử cung) thường là lấy mẫu từ khoa sản rồi nhuộm, đọc kết quả xem thử có ung thư hay bệnh lý gì không. Với xét nghiệm Anapath, chúng tôi tiếp nhận bệnh phẩm rồi tiến hành cắt lọc - khử nước - vùi mô - trữ lạnh - cắt mỏng - nhuộm và đọc kết quả”. Anh Ngô Hoài Nhân, điều dưỡng trưởng khoa cho biết thêm: “Để có kết quả in ra giấy với phim màu rõ nét như thế này chúng tôi phải tỉ mẩn từng chút một từ nhuộm, cắt mỏng mô đã trữ đông. Thường thì sau 2 ngày cho kết quả. Việc xét nghiệm qua nhiều khâu nên nhất thiết khâu nào cũng quan trọng. Ví dụ, nếu khâu khử nước không tốt sẽ không cắt được và kết quả không đạt yêu cầu...”. Để chứng minh cho điều mình nói, anh Nhân cho chúng tôi xem những kết luận của bác sĩ như: polype nội mạc viêm, xuất huyết lòng thành, carcinome... Với xét nghiệm Pap smear mà chị Mai thực hiện sau khi nhuộm, đọc kết quả bằng kính hiển vi và in kết quả sẽ có kết luận: tế bào bình thường, thay đổi do viêm, Ascus, LIL, HIL… Tất cả là một kỳ công của những người làm công tác thầm lặng này.

Anh Nhân với quy trình xét nghiệm, bắt đầu từ các mẫu bệnh phẩm. Ảnh: Q.NHƯ

Không đam mê, khó lòng theo nghề

“Nghề này không đam mê, dễ nản mà bỏ ngang lắm em”, chị Mai cho biết như thế về nghề nghiệp của mình. “Ngay cả trong bệnh viện, nhiều người mới vào còn không biết Khoa Giải phẫu bệnh lý nằm ở đâu”, anh Nhân tâm sự thêm. Trong khi đó, hoạt động của khoa Giải phẫu bệnh lý rất quan trọng. Bởi, từ kết quả xét nghiệm sẽ cho hướng điều trị đúng, giúp người bệnh rất nhiều trong quá trình điều trị bệnh chính xác, khỏi đi lòng vòng cũng như giúp cho quá trình điều tra của các ngành chức năng tốt hơn khi có yêu cầu.

Tâm sự về nghề nghiệp, chị Mai cho biết trước đây chị làm ở Khoa Huyết học - Truyền máu. Do yêu cầu công tác của bệnh viện, phòng tổ chức động viên chị đi học ở Bệnh viện Chợ Rẫy, sau đó là Bệnh viện Từ Dũ (TP. HCM). Từ năm 2000 đến nay, chị chuyển đến nhận công tác tại Khoa Giải phẫu bệnh lý này. Theo chị Mai, nhân sự của khoa như thế vẫn thiếu. Kết quả xét nghiệm chưa nhanh như những bệnh viện lớn bởi thiếu trang thiết bị y tế hiện đại để phục vụ công việc. Chị cũng bày tỏ sự “ngưỡng mộ” với những đồng nghiệp như chị nhưng được làm việc trong điều kiện tốt hơn ở các bệnh viện lớn. Khi có đầy đủ máy móc sẽ cho kết quả nhanh hơn, có khi trong vòng 10 phút để các BS kịp hội chẩn, phẫu thuật.

Anh Ngô Hoài Nhân có hơn 10 năm trong nghề cũng cho biết thêm về bản thân. Theo anh, chuyên ngành anh học là cử nhân điều dưỡng. Từ năm 2004, anh vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh công tác và làm điều dưỡng ở Khoa Cấp cứu hồi sức. Sau đó anh chuyển sang các Khoa Nội 1, Nhi, Nhiễm mỗi nơi từ 1 - 8 tháng. Từ năm 2006 thì chuyển hẳn về Khoa Giải phẫu bệnh lý. Công việc thầm lặng, ít được ai biết tới. Thu nhập ngoài lương có thêm 40% phụ cấp. Thế nhưng, chúng tôi ghi nhận ở các anh chị là sự say mê công việc. Họ cẩn trọng từ việc tiếp nhận bệnh phẩm, lưu danh tính bệnh nhân, đánh số thứ tự để không bị thiếu sót, nhầm lẫn khi trả kết quả. Các anh chị cũng bày tỏ mong muốn được quan tâm hơn về trang bị máy móc y tế hiện đại nhằm giúp cho công việc được tốt hơn nữa, kết quả xét nghiệm chính xác và nhanh hơn nữa để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người bệnh.

Nơi cuối cùng của khuôn viên bệnh viện, Khoa Giải phẫu bệnh lý nhìn yên ắng, khiêm tốn với những con người thầm lặng như thế mà nếu không có đam mê, chắc rằng họ khó có thể đi hết chặng đường nghề nghiệp của mình. Thân thiện và gần gũi cũng là tình cảm mà tôi ghi nhận được từ các anh chị ở đây. “Hiếm có khách đến khoa này, hiếm được nhà báo đến trò chuyện lâu vậy nên chúng tôi quý và vui lắm!”. Các anh chị nhắn gửi thế khi chúng tôi chia tay nhau. Không có công việc nào là nhỏ bé, ít quan trọng mà tất cả đều rất đáng được trân trọng, đáng tự hào khi chúng ta hết lòng hết sức với công việc để giúp đời, giúp người. Chúng tôi đã nghĩ như thế sau khi có dịp gặp gỡ những người mặc áo trắng ở đây!

Bài cuối: Trọn một đời nghề

QUỲNH NHƯ