Những giáo viên dạy nghề tâm huyết

Thứ hai, ngày 19/11/2012

Đam mê, tận tụy với nghề, họ luôn tìm tòi, đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy và gần gũi thân thiện với học sinh (HS), sinh viên (SV) giúp các em đạt kết quả cao trong học tập và đào tạo ra những người thợ nắm vững khoa học kỹ thuật để phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nhân kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11), chúng tôi xin giới thiệu một số gương nhà giáo điển hình vì sự nghiệp giáo dục trong lĩnh vực dạy nghề ở Bình Dương.

- Thầy NGUYỄN THÀNH VINH: Phấn đấu cống hiến cho sự nghiệp đào tạo

Cầm trong tay tấm bằng kỹ sư Điện - Điện tử, năm 2006, thầy Vinh tham gia giảng dạy tại trường Cao đẳng Nghề Việt Nam - Singapore. Thầy được giao nhiệm vụ giảng dạy các môn chuyên ngành về điện, quản lý xưởng thực hành, điều chỉnh chương trình giảng dạy, biên soạn giáo trình và hướng dẫn SV luyện thi tay nghề giỏi cấp tỉnh. Để tiết giảng của mình thêm sinh động, thầy chuẩn bị giáo án, giáo trình và thường xuyên cập nhật thông tin kiến thức mới đưa vào giảng dạy, viết sáng kiến kinh nghiệm. Trong khâu quản lý HS - SV, thầy luôn theo dõi, thông báo kịp thời đến giáo viên chủ nhiệm các trường hợp HS - SV nghỉ nhiều, bỏ học... Kết quả được đền đáp, riêng trong năm học 2011-2012, thầy được phân công hướng dẫn 2 SV luyện thi tay nghề giỏi, kết quả dự thi có 1 SV được công nhận tay nghề giỏi cấp tỉnh.

“Bình Dương là một trong những địa phương dẫn đầu trong quá trình hiện đại hóa, công nghiệp hóa đất nước. Hàng năm, các doanh nghiệp trong và ngoài nước cần một số lượng lớn công nhân có tay nghề cao (đã qua đào tạo từ các trường dạy nghề). Nhưng hiện tại các trường dạy nghề nói chung và người giáo viên dạy nghề nói riêng đang gặp phải những khó khăn: Trình độ đầu vào HS không đều và thấp. Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học còn lạc hậu. Lương giáo viên dạy nghề còn quá thấp”, thầy Vinh trăn trở. Mặc dù vậy, nhưng bản thân thầy luôn cố gắng, phấn đấu đem hết sức mình cống hiến cho sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh để cho ra trường những SV có kiến thức đáp ứng được nhu cầu của các nhà tuyển dụng.

- Thầy HOÀNG VĂN THẮNG: Mong học sinh có nghề vững chắc

 Được giao nhiệm vụ quản lý khoa tin học, giảng dạy một số môn học chuyên ngành quản trị mạng máy tính tại trường Trung cấp Nghề Bình Dương, thầy Hoàng Văn Thắng luôn lên kế hoạch, tiến độ đào tạo, sắp xếp thời khóa biểu, phân công giáo viên theo tiến độ hợp lý. Riêng bản thân của mình, trước khi lên lớp trình giảng thầy chuẩn bị giáo án, giáo trình đầy đủ, các slide trình chiếu, các đoạn video clip để giờ học thêm sinh động, kèm cặp những HS yếu để các em nắm bài kịp theo tiến độ chung của lớp. Phương pháp giảng dạy của thầy đơn giản, dễ hiểu, sát thực tế. Thầy luôn vận dụng các phương pháp dạy học mới vào tiết giảng, xem xét các phương pháp giảng dạy nhằm tìm ra phương án tối ưu sao cho HS tiếp thu tốt nhất. Phương án thường sử dụng là giảng giải kết hợp với đối thoại, vận dụng những tình huống thực tế vào bài học hỏi - đáp nhằm phát huy tính tích cực, chủ động của HS. “Mặc dù đồng lương của giáo viên dạy nghề còn khiêm tốn so với những người bạn tốt nghiệp cùng lớp đại học đang làm ở các công ty nhưng tôi quyết định chọn nghề dạy học vì tôi muốn vận dụng những kiến thức, sự hiểu biết mà mình học được trên ghế nhà trường, cũng như những kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình làm việc truyền đạt cho HS với tất cả khả năng, lòng nhiệt huyết mà mình có được để giúp các em có một cái nghề vững chắc sau khi ra trường”, thầy Thắng bộc bạch.

VĂN SƠN