Những dòng kênh bị “bức tử”

Thứ sáu, ngày 11/12/2015

Địa bàn TX.Thuận An có hàng trăm con kênh, rạch, suối cung cấp nước cho hàng ngàn ha ruộng vườn. Từ nhiều năm nay, những con rạch này đang bị “đầu độc” bởi nguồn nước thải từ sản xuất công nghiệp, chăn nuôi và nước thải sinh hoạt của người dân. Giờ đây, nhiều con kênh, rạch bị ô nhiễm nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân.


Con kênh 135 hiện nay ô nhiễm nghiêm trọng, người dân gọi là dòng “kênh chết”

Ô nhiễm

Phóng viên quay trở lại KP.Hưng Lộc, P.Hưng Định, TX.Thuận An, nơi mà cách đây hơn một năm Báo Bình Dương từng có bài phản ánh về tình trạng ô nhiễm ở rạch Chòm Sao - Vàm Búng để ghi nhận sự đổi thay. Tuy nhiên, người dân ở khu phố lắc đầu ngao ngán vì hơn một năm nay tình trạng ô nhiễm vẫn không được cải thiện. Chị Lê Thị Xuân than thở: “Chúng tôi hàng ngày phải đóng cửa kín mít vì không chịu nổi mùi “trứng thối” xuất phát từ dòng nước đục như nước“vo gạo” dưới rạch!”. Cũng theo người dân ở đây, khoảng 6 giờ sáng hàng ngày, nước con rạch Chòm Sao đang trong thì đột nhiên chuyển sang màu trắng đục, cùng với đó là mùi hăng hắc bốc lên làm mắt cay xè.

Trở lại rạch Vàm Búng, P.V nhận thấy tình hình không khả quan hơn trước, đặc biệt tại khu vực phía sau UBND P.An Thạnh, nước con rạch đen kịt và bốc mùi hôi thối nồng nặc. Bà Nguyễn Thị Thu Cúc (ngụ KP.Hưng Thọ, P.Hưng Định), bức xúc: “Có sống ở đây mới thấu hiểu được nỗi khổ của người dân. Hôi thối chịu không nổi! Nhà tôi ở gần con rạch này nên sáng mở cửa ra là bị mùi hôi từ phía dưới rạch xộc thẳng lên!”.

Gia đình chị Lê Thị Hằng (ngụ KP.Phú Hội, P.An Phú) sống gần Kênh 135, chảy qua 3 phường An Phú, Bình Hòa và Lái Thiêu. Hàng ngày, chị Hằng phải đi chở từng lít nước từ nơi khác về để ăn, uống. Chị Hằng than thở: “Thời gian gần đây, cứ tối đến là cả gia đình tôi khổ sở vì bị muỗi tấn công. Có lẽ do nước dưới rạch bị đọng lại nên muỗi sinh sôi ngày càng nhiều”.

Ruộng vườn “kêu cứu”

Một số họ dân sống dọc theo rạch Vàm Búng cũng tỏ ra ngán ngẩm khi nói về sự ô nhiễm của con rạch này. Bà Trần Thanh Thảo (ngụ KP.Hưng Thọ, P.Hưng Định), lên tiếng: “Gia đình tôi có 3.000m2 cây ăn trái, lúc trước còn nhờ vào nước của rạch Vàm Búng để tưới vườn cây, nhưng bây giờ nước “chết” như vậy vườn cây tôi cũng chết mòn theo! Cả gia đình chỉ trông chờ vào nguồn thu từ vườn cây nhưng giờ đây tiền bán trái cây không bằng tiền công hái”. Ông Đỗ Hữu Trí cũng ngán ngẩm: “Nhà tôi có 6.000m2 vườn cây ăn trái, trong đó có gần 100 gốc cây măng cụt hơn 50 năm tuổi, nhưng giờ tôi phải cắn răng chặt làm củi vì những cây này đang chết dần. Trước đây, các con mương tưới trong vườn cây còn có cả tôm cá nhưng từ ngày rạch Vàm Búng ô nhiễm, ngay cả rễ cây cũng chết thối”.

Chị Nguyễn Thị Hoa (ngụ KP.Bình Hòa, P.Bình Nhâm), đưa P.V ra một mương nước lớn sát nhà, bên dưới nước đen nghịt và bốc mùi thối đến khó thở; lăng quăng, phân heo đóng thành lớp. Chị Hoa lắc đầu ngao ngán: “Đây là kênh mương Chín Chưa. Nguồn nước ô nhiễm này thoát ra sông Cầu Lớn, rồi chảy thẳng ra sông Sài Gòn. Hàng ngày, phân heo từ các trại chăn nuôi được tuồn hết ra con mương này”. Do vườn trái cây nhà chị Hoa có nhiều mương thoát nước nhỏ thông với kênh mương Chín Chưa, vậy là phân heo cứ thế chảy vào khiến cả khu vườn rộng hơn 4.000m2 bị ô nhiễm nặng. Các loại cây trồng lâu năm cho thu nhập kinh tế cao như bòn bon, mít, măng cụt… bị thối rễ chết dần. Đất từ các bờ bao, mương nước sạt lở dần làm cây trơ gốc. Chị Hoa lý giải: “Nếu bít kín các mương trong vườn không cho nước chảy ra kênh mương Chín Chưa cũng không được, bởi chỉ cần một cơn mưa nhỏ là cả khu vườn ngập úng. Chỉ cần vài tháng, phân heo trôi vào bít kín các mương nước trong vườn, tôi phải thuê người vớt mất vài triệu đồng”.

Do ô nhiễm từ phân heo, 2 ao nuôi cá trong vườn nhà chị Hoa đành bỏ phế. Giếng nước ngấm mùi hôi nên không thể sử dụng, khiến sinh hoạt hàng ngày của gia đình chị gặp khó khăn.

Tương tự, tại rạch Cầu Đò, rạch Bà Giơn (P.Bình Nhâm) hàng trăm hộ dân cũng đang than trời vì hàng chục trang trại nuôi heo xả thẳng chất thải ra con rạch. Giờ con rạch được phủ một hỗn hợp chất lỏng sền sệt màu “cà phê” và bốc mùi hôi thối nồng nặc.

Nguyên nhân?

Theo tìm hiểu của P.V, rạch Vàm Búng có dòng chảy chính là rạch Búng và dòng chảy phụ là rạch Chòm Sao. Tổng chiều dài của hai con rạch này khoảng 17km và diện tích lưu vực chiếm hơn 18km2; bao gồm toàn bộ P.Hưng Định, một phần P.An Phú, P.Thuận Giao, P.An Thạnh; một phần thuộc các phường Bình Hòa, Bình Nhâm, Bình Chuẩn và xã An Sơn.

Rạch Búng nằm trong hệ thống tiêu thoát nước chính của TX.Thuận An. Hiện nay, rạch tiếp nhận một lượng lớn nước mưa chảy tràn trong lưu vực và từ nhiều nguồn nước thải khác nhau, bao gồm ở các khu công nghiệp, đô thị và nông nghiệp phía nam của tỉnh. Do đó, để bảo vệ chất lượng nguồn nước của rạch, UBND TX.Thuận An đã giao Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thực hiện đề tài “Nghiên cứu tác động do phát triển kinh tế - xã hội ảnh hưởng đến chất lượng nước rạch Vàm Búng và đề xuất các biện pháp quản lý tổng hợp bảo vệ nguồn nước” với thời gian thực hiện từ tháng 6-2012 đến tháng 9-2013, tổng kinh phí thực hiện gần 525 triệu đồng.

Kết quả thực hiện đề tài cho thấy, rạch Búng và rạch Chòm Sao đang chịu ô nhiễm từ 3 nguồn xả thải chủ yếu là nước thải công nghiệp, nông nghiệp và sinh hoạt. Rạch Búng đang tiếp nhận 75 nguồn thải công nghiệp trong lưu vực, bao gồm cả KCN Việt Hương và 74 cơ sở sản xuất phân tán trong các khu dân cư. Trong đó, 56/75 cơ sở sản xuất có nước thải đổ xuống rạch Búng có nồng độ COD (nồng nộ C02), SS (chất lơ lửng) không đạt QCVN 40:2011/BTNMT. Cũng theo kết luận của đề tài, hai con rạch trên không còn khả năng tiếp nhận nước thải.

Cũng theo tìm hiểu của P.V, dc theo con kênh 135, rạch Bưng Biệp, suối Cát, rạch Chòm Sao... trên địa bàn TX.Thuận An lhng lot cc ống nhựa PVC do cc hộdân tựlắp dẫn nước thi sinh hot trực tiếp ra con rạch. Thậm chí có hộ dân còn lấn rạch xây nhà vệ sinh, toàn bộ chất thải được xả thẳng ra rạch. Bên cnh đ, hàng chục hộnuôi heo ti khu vực rạch Cầu Đò, Bà Giơn đãđầu tư đầy đhệthống biogas đểtiếp nhận nước thi từcơ sởchăn nuôi ca mnh nhưng bị quá tải. Ngoài ra, vẫn cn một sốngười dân phn nh vềviệc nước thi ca cc tri heo ny được lén thi ra rạch! Từ thực trạng trên cthểthấy việc ô nhiễm kênh rạch sông suối trên địa bàn TX.Thuận An ldo rất nhiều nguồn khc nhau và ngày càng trầm trọng.

Trao đổi với P.V về tình trạng ô nhiễm của rạch Bà Giơn, Cầu Đò, Chín Chưa… ông Lê Văn Hiếu, Chủ tịch UBND P.Bình Nhâm cho rằng: “Hiện nay, địa phương có khoảng 100 cơ sở, hộ chăn nuôi heo. Mặc dù nhiều cơ sở có hệ thống xử lý chất thải nhưng lại không đáp ứng được nhu cầu. Bên cạnh đó, vẫn còn các hộ dân nuôi nhỏ lẻ không đầu tư hệ thống xử lý chất thải, vì vậy chất thải bị đưa trực tiếp ra kênh rạch, trong đó rạch Bà Giơn, Cầu Đò bị ô nhiễm nghiêm trọng nhất. Trước tình hình trên, UBND phường phối hợp với Phòng TN&MT xuống kiểm tra và vận động 14 trang trại chăn nuôi heo dọc rạch Cầu Đò di dời hoặc chuyển đổi ngành nghề. Qua đó, có 10 hộ chấp hành việc di dời, còn lại 4 hộ vẫn cố tình chây ỳ. Tiếp đó, UBND TX.Thuận An đã ra quyết định cưỡng chế buộc ngừng chăn nuôi heo đối với trại nuôi heo của các ông Phan Đình Hùng, Nguyễn Văn Nghiên, Nguyễn Văn Soái và Đồng Văn Chanh. Trong thời gian tới, UBND phường sẽ tiếp tục xử lý các trang trại nuôi heo gây ô nhiễm môi trường, đồng thời vận động người dân chấp hành tốt các quy định bảo vệ môi trường”.

 

NGUYỄN HẬU