Những điều kỳ thú về chùa Long Sơn

Thứ tư, ngày 17/09/2014

(BDO) Chùa Long Sơn tọa lạc tại ấp Xóm Đèn, xã Tân Mỹ, huyện Bắc Tân Uyên, được thiền sư Linh Đức khai sơn vào năm 1865 là ngôi chùa có bề dày lịch sử. Tuy có tên gọi chính thức của chùa là Long Sơn cổ tự nhưng chùa lại quen thuộc và nổi tiếng với cái tên mộc mạc, giản dị: chùa Ông Mõ. Lịch sử cái tên chùa Ông Mõ lại rất kỳ thú và gắn liền với câu chuyện mang tính cổ tích lưu truyền trong dân gian đến câu chuyện về sự hy sinh anh dũng của những người con đất Tân Uyên.

Chùa Long Sơn (chùa Ông Mõ), xã Tân Mỹ, Bắc Tân Uyên. Ảnh: Đ.THANH

Từ câu chuyện kể trong dân gian

Theo nhiều cụ cao niên trong làng kể lại thì vùng đất này xưa là vùng “rừng thiêng nước độc” với sơn lam chướng khí và nhiều loài thú dữ. Tuy vậy, với bản lĩnh của dân “nhất phá sơn lâm” con người cũng dần tới khai hoang vùng đất mới. Họ đi từng đoàn, mang theo lương thực để ăn trong ngày nhưng do mải lao động nên nhiều hôm thức ăn bị thú rừng ăn hết. Trong khu rừng này có nhiều cây cổ thụ to nhưng đặc biệt nhất có một cây khô to, trên cây có một khối u lớn chìa ra ngoài hình dạng như một cái mõ. Thấy hình dạng cây kỳ dị người dân cũng phát sinh một sự kính ngưỡng và tin tưởng mơ hồ. Một lần tình cờ có người treo thức ăn lên cây rồi chắp tay xin mõ cây giữ giùm lương thực thì kỳ lạ thay đến chiều về, thức ăn còn nguyên vẹn. Người đó thử thêm hai ba lần nữa thì đều có kết quả tương tự. Tin đó nhanh chóng lan truyền trong cộng đồng những người đi khai hoang, mọi người đều đến gửi mõ cây giữ thức ăn giùm. Ngược lại, nếu ngày nào có người quên không nói lời xin gửi thì lương thực đều bị thú rừng ăn hết. Sau này, dân làng dùng cây khô này chạm thành hình ông Mõ và đem về chùa Long Sơn để phụng thờ. Kể từ đó người dân hầu như quên cái tên chính thức của chùa là chùa Long Sơn mà thường gọi là chùa Ông Mõ.

Đền thờ Ông Mõ trong khuôn viên chùa. Ảnh: Đ.THANH

Đến câu chuyện về một người anh hùng

Đó là câu chuyện cổ tích được các cụ bô lão trong làng lưu truyền kể về sự tích cái tên chùa Ông Mõ. Tên chùa Ông Mõ còn gắn với câu chuyện bi tráng diễn ra trong thời nhân dân ta kháng Pháp và đã được nhà cách mạng Huỳnh Văn Nghệ ghi lại trong cuốn Dòng sông xanh. Tình tiết này cũng được các nhà làm phim đặc tả trong bộ phim nói về cuộc đời của thi tướng Huỳnh Văn Nghệ: “Vó ngựa trời Nam”.

Năm 1867 khi giặc Pháp chiếm được phủ Đồn Sứ của nghĩa quân ta thì đồng bào ở đây (Tân Uyên) và nghĩa quân rút về các làng Tân Tịch, Tân Hòa, Mỹ Lộc để dựng căn cứ, tiếp tục kháng chiến. Ở gần phủ Đồn Sứ có trạm xóm Đèn, cách đồn giặc chừng 3km. Xóm Đèn là nơi đồng bào và nghĩa quân lấy dầu chai làm “đèn chai” kết với nứa thành bè dùng để thả theo dòng sông đón đốt tàu chiến của địch. Chòi gác được cất trên một ngọn cây sấu to, trên quả đồi cao nhất của làng Tân Hòa. Người gác có thể nhìn thấy tất cả tàu chiến của giặc một cách rõ ràng để có thể báo động cho nghĩa quân bằng tiếng gõ mõ. Người phụ trách trạm gác này là hai vợ chồng ông Sáu. Trước kia ông làm nghề chài lưới trên sông Đồng Nai. Từ ngày chiếc thuyền chài của ông bị giặc Pháp bắn chìm thì ông không muốn làm nghề khác mà xin vào đồn Mỹ Lộc gia nhập nghĩa quân. Từ ngày nhận nhiệm vụ, ông không một phút lơ là, ngày đêm đứng gác không quản mưa nắng. Chỉ với chiếc mõ làm vũ khí trong tay ông đã lập được bao chiến công thầm lặng. Người dân trong vùng quen nghe ngóng tiếng mõ báo an của ông để làm việc, nghĩa quân nghe tiếng mõ báo động để tránh giặc và nghe tiếng mõ để biết vị trí giặc để tập kích chúng. Nhiều lần càn quét không thành công, nhiều lần bị thất bại, quân giặc quyết phải tìm cách hạ trạm gác này cùng người đứng gác khôn lanh, mưu trí.

Vào một buổi sáng, từ trên trạm gác, ông Sáu phát hiện tàu địch mở chiến dịch truy quét, lùng sục. Ông ráng đợi cho tàu đến thật gần trạm gác mới chịu xuống đất băng rừng chạy đón đầu nó ở các trạm gác trên. Nhưng không hiểu tại sao, lần này tàu địch chạy quá chậm, ông đánh mỏi cả tay mà tàu địch vẫn chưa chạy đến. Cuối cùng, thấy tàu địch đến ngang trạm gác, ông dồn sức đánh mõ liên hồi. Không ngờ, đây lại là âm mưu của địch để lần ra dấu tích của ông. Một toán giặc đi đường bộ đã đến đứng quây quanh bên dưới gốc cây đang nhìn ông Sáu. Không run sợ, ông vẫn điềm tĩnh đánh mõ báo động. Tên quan Đu Bui, chỉ huy toán giặc chĩa súng lên đề nghị ông Sáu đánh mõ báo an. Ông Sáu bảo: “Giặc còn đầy đất nước sao lại báo an, già này thà chết làm thần nghĩa quân chớ không thèm sống làm Việt gian…”. Tên giặc nổ súng bắn vào cánh tay phải làm văng dùi mõ. Máu ông Sáu chảy ròng ròng đỏ cả quần áo và cành sấu. Ông Sáu không hề sợ hãi, trong đầu ông nảy ra ý định táo bạo liều chết với giặc. Tay trái ông siết chặt chiếc mõ tre, từ trên chòi cao lao thẳng người xuống nhắm vào đầu thằng Tây Đu Bui. Thằng Tây bị chiếc mõ đập trúng đầu, lại bị cả thân hình ông Sáu đè lên vỡ sọ, chết không kịp trối. Ông Sáu cũng ra đi mãi mãi, đồng bào và nghĩa quân thương tiếc người gác mõ anh hùng bèn cất chùa tại gốc cây sấu thờ ông Sáu và chiếc mõ của ông.

Nơi trú ngụ của bậc quyền quý

Năm 1862, trước sức ép của quân Pháp, triều đình Huế đã đồng ý ký Hiệp ước Nhâm Tuất (1862) với 12 khoản, cắt 3 tỉnh miền Đông Nam kỳ (Gia Định, Biên Hòa, Định Tường) và quần đảo Côn Lôn cho Pháp. Khi đất Biên Hòa - Đồng Nai lọt vào tay người Pháp thì quan đại thần nhà Nguyễn Binh bộ hữu Tham tri Thị viết hiển mục Lễ hầu họ Dư phò công chúa cùng người cháu ruột Dư Quốc Đống chạy lánh nạn tại chùa Long Sơn. Vị quan Binh bộ và người cháu Dư Quốc Đống cùng công chúa xuất gia tu học tại chùa cầu pháp với Hòa thượng Linh Đức. Sau khi Hòa thượng Linh Đức viên tịch, quan đại thần Binh bộ họ Dư kế thế trụ trì. Sau thời gian tu học tại đây, sư ngồi kiết già an nhiên thị tịch. Tăng chúng và môn đồ an táng, xây tháp thờ trong khuôn viên chùa. Kế thế chùa Long Sơn là sư Dư Quốc Đống, pháp danh Như Lương - Thiện Hạnh. Sư Như Lương sinh năm Kỷ Tỵ (1869). Vào năm 1927-1930 sư Như Lương cùng bà con phật tử dời ngôi chùa đến ngọn đồi xây dựng lại chùa và chùa ở vị trí đó cho đến ngày nay. Trong thời gian sư Như Lương trụ trì chùa được sung túc, dân làng nơi đây rất mến mộ và sùng kính ngài. Sư Như Lương- Thiện Hạnh viên tịch vào ngày 9-6 năm Tân Tỵ (1941). Đồ chúng an táng trong khuôn viên chùa. Cũng trong khoảng thời gian này công chúa nhà Nguyễn cũng an nhiên đi vào cõi vĩnh hằng.

Chùa Ông Mõ nằm trên một sườn đồi nhỏ nằm giữa hai con suối chảy ra sông Đồng Nai. Chính tại dưới chân dốc chùa một di chỉ khảo cổ học quan trọng đã được phát hiện và tiến hành khai quật là di chỉ khảo cổ học Dốc Chùa. Trong đợt khai quật thứ hai (từ ngày 12.4.1977 - 8.5.1977) đoàn khảo cổ đã khai quật được hai ngôi mộ trước sân chùa chính là của sư Như Lương - Thiện Hạnh và ngôi mộ của công chúa bên trong có tẩm liệm đồ triều đình và thanh kiếm có chạm rồng.

Năm 2001, di tích Dốc Chùa đã được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là di tích khảo cổ học cấp Quốc gia và chùa Long Sơn (chùa Ông Mõ) là một điểm nhấn để thu hút khách tham quan tới tìm hiểu về lịch sử văn hóa cổ xưa, tham quan chùa, nghe kể về sự tích ông Mõ và thưởng ngoạn cảnh sông nước hữu tình.

 ĐỖ THANH