Những điều cần biết về lý lịch tư pháp
Quy định tại Điều 44, Luật Lý lịch tư pháp thì có hai cơ quan có thẩm quyền cấp phiếu Lý lịch tư pháp là: Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia (thuộc Bộ Tư pháp) và Sở Tư pháp. Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia cấp phiếu Lý lịch tư pháp cho công dân Việt Nam mà không xác định được nơi thường trú hoặc nơi tạm trú, người nước ngoài đã cư trú tại Việt Nam. Sở Tư pháp thực hiện việc cấp phiếu Lý lịch tư pháp cho công dân Việt Nam thường trú hoặc tạm trú trong nước, công dân Việt Nam đang cư trú ở nước ngoài, người nước ngoài đang cư trú tại Việt Nam.
Mục đích của việc cấp phiếu Lý lịch tư pháp là để chứng minh cá nhân có hay không có án tích, bị cấm hay không bị cấm đảm nhiệm chức vụ… Người dân có thể sử dụng phiếu Lý lịch tư pháp vào nhiều mục đích, như: Bổ túc hồ sơ xuất cảnh ra nước ngoài, hồ sơ xin việc làm, cấp chứng chỉ hành nghề luật sư, đi du học nước ngoài… Thực tế, khi người dân tham gia vào các quan hệ pháp lý và theo quy định của pháp luật thì phiếu Lý lịch tư pháp là một trong những giấy tờ bắt buộc phải có trong hồ sơ, như: Tuyển dụng và quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, hành nghề y dược tư nhân hay kinh doanh dịch vụ bảo vệ.
Theo quy định, phiếu Lý lịch tư pháp có hai loại, gồm: Phiếu Lý lịch tư pháp số 1 và Phiếu Lý lịch tư pháp số 2. Phiếu Lý lịch tư pháp số 1 được cấp cho công dân Việt Nam, người nước ngoài đã hoặc đang cư trú tại Việt Nam và cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội. Phiếu Lý lịch tư pháp số 2 được cấp cho cơ quan tiến hành tố tụng và cấp theo yêu cầu của cá nhân để người đó biết được nội dung về lý lịch tư pháp của mình.
P.V (Theo Sở Tư pháp)