Những điều cần biết về bệnh lý võng mạc trẻ sinh non

Thứ sáu, ngày 04/12/2015

Có khoảng 80% trẻ sinh non dưới 1,2kg có nguy cơ mắc bệnh lý võng mạc (bệnh lý mạch máu ở đáy mắt, viết tắt là ROP).

Bệnh võng mạc trẻ sinh non là gì?

Bệnh võng mạc trẻ sinh non (retinopathy of prematurity, viết tắt là ROP) là bệnh mắt do sự phát triển bất thường của mạch máu võng mạc ở trẻ sinh non (thiếu tháng) và trẻ nhẹ cân. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời thì sẽ có nguy cơ bị mù vĩnh viễn cả hai mắt. Trên thực tế khoảng 80% các em bé sinh non dưới 26 tuần mắc bệnh ROP, nhưng chỉ có khoảng 15% trẻ sinh non trên 30 tuần mắc bệnh này. Trẻ sinh quá sớm hay quá nhẹ cân (dưới 1,5kg) là những em bé có nguy cơ mắc bệnh ROP rất cao.

Trẻ nào cần khám ROP và đi khám khi nào?

Những trẻ sau cần khám mắt tầm soát để phát hiện ROP:

- Trẻ sinh non ≤2000g hoặc ≤34 tuần

- Trẻ sinh non >2000g nhưng có các yếu tố nguy cơ cao như thở oxy nồng độ cao, kéo dài, thở máy, truyền máu, suy hô hấp, trẻ hay tím tái, viêm ruột hoại tử… 

Thời điểm đưa trẻ đi khám: Khi trẻ được 3 - 4 tuần tuổi

Điều trị, theo dõi và phòng ngừa bệnh ROP như thế nào?

ROP được điều trị bằng phẫu thuật với phương pháp dùng Laser quang đông trên các điểm tăng sinh mạch máu võng mạc để dừng sự phát triển mạch máu quá mức. Việc điều trị chỉ đem lại hiệu quả khi bệnh được phát hiện sớm và theo dõi tốt trong khoảng từ tuần thứ 4 đến tuần thứ 8 sau sinh. Vì bệnh tiến triển rất nhanh nên sau khi điều trị, trẻ cần được khám định kỳ thường xuyên để theo dõi khi bé khoảng 1 tuổi.

Để phòng ngừa bệnh ROP trẻ sơ sinh, các bà mẹ mang thai ngoài việc chăm sóc thai định kỳ cần được chăm sóc sức khỏe toàn thân, thường xuyên theo dõi và điều trị các bệnh lý mạn tính để hạn chế nguy cơ sinh non. Thầy thuốc cần tư vấn kỹ lưỡng cho các bà mẹ và gia đình có trẻ sinh non để theo dõi dấu hiệu bệnh. Trẻ sinh non trong tiêu chuẩn cần khám tầm soát phải đi khám đúng thời gian và theo dõi đúng theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

B.S HOÀNG THỊ KIỀU HẬU (Khoa Mắt BVĐK tỉnh)