Những điểm sáng phát triển đô thị ở Bình Dương - Kỳ 1
(BDO) Kỳ 1: Quy hoạch mang tính chiến lược
Trong quá trình xây dựng và phát triển đô thị, công tác quy hoạch của tỉnh thể hiện tầm nhìn mang tính chiến lược. Kế hoạch phát triển và nâng cấp đô thị Bình Dương theo các giai đoạn được lãnh đạo tỉnh đề ra cụ thể và thực hiện đúng lộ trình, tạo nền tảng phát triển đô thị, hiệu quả phát triển kinh tế, góp phần đưa Bình Dương trở thành một trung tâm kinh tế trong Vùng kinh tế
Đô thị Dĩ An ngày càng xanh-sạch - đẹp và văn minh, hiện đại. Ảnh: MINH DUY
Tầm nhìn chiến lược
Trong quá trình đô thị hóa, Bình Dương đã triển khai nhiều kế hoạch quyết định cho con đường phát triển của tỉnh. Quyết định số 81/2007/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ “Phê duyệt quy hoạch kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương đến năm 2020 ngày 5-6- 2007, trong đó định hướng quy hoạch phát triển đô thị gắn với các hoạt động kinh tế - xã hội. Khu vực đô thị, tập trung phát triển điểm đô thị ở thị xã, thị trấn có sức lan tỏa.
Chủ trương phát triển đô thị của Bình Dương trong quyết định này nhấn mạnh đến việc phát triển các tiểu vùng như không gian đô thị phát triển vùng theo hướng đô thị hóa nông thôn, chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang các ngành phi nông nghiệp. Trong đó vùng I (nam Bình Dương) là vùng phát triển đô thị công nghiệp và dịch vụ gắn với đô thị hóa. Ranh giới vùng I bao gồm đô thị Thủ Dầu Một; đô thị Thuận An, Dĩ An và khu đô thị Bến Cát, Tân Uyên.
Quyết định số 1701/QĐ- UBND tỉnh ngày 26-6-2012 về phê duyệt đề án quy hoạch chung xây dựng đô thị Bình Dương đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, định hướng tổ chức không gian đô thị theo hình thái đô thị phân theo khu vực. Khu vực I, khu vực đô thị phía nam Bình Dương xây dựng theo mô hình đô thị nén, mật độ cao, trong đó khu đô thị Thuận An giữ chức năng dịch vụ - công nghiệp; đô thị Dĩ An giữ chức năng dịch vụ - công nghiệp - đầu mối giao thông.
Giai đoạn 2012-2020, tỉnh đã quan tâm chỉ đạo, huy động, thu hút nhiều nguồn lực xã hội với nhiều phương thức đầu tư khác nhau để phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị. Tỉnh đã hoàn thiện quy hoạch chung và quy hoạch phân khu các đô thị, các xã. Chương trình phát triển đô thị được tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt, huy động hiệu quả nguồn vốn từ nhiều thành phần kinh tế tham gia đầu tư hạ tầng đô thị. Đến nay, tỷ lệ quy hoạch chung thành phố, thị xã được phê duyệt là 5/5, đạt 100% và 4/4 đô thị dự kiến, đạt 100% tỷ lệ quy hoạch chung thị trấn được phê duyệt; tỷ lệ quy hoạch phân khu được phê duyệt là 41/41 phường, đạt 100%. Bên cạnh đó, Bình Dương đã tập trung đầu tư các công trình phục vụ nâng cấp đô thị, không gian đô thị được phát triển theo phía nam, phía bắc và trung tâm, liên kết chặt chẽ với nhau; hạ tầng kỹ thuật - xã hội được đầu tư đồng bộ, hiện đại với nhiều dự án đô thị, khu dân cư, nhà ở cao tầng hiện đại được hoàn thiện.
Kế hoạch phát triển và nâng cấp đô thị Bình Dương theo các giai đoạn được đề ra cụ thể và được thực hiện đúng lộ trình theo chương trình phát triển đô thị quốc gia, chương trình phát triển đô thị của tỉnh. TX.Thủ Dầu Một giai đoạn 2011-2015 thuộc đô thị loại 2. Giai đoạn 2016-2020, cấp quản lý hành chính thành phố trực thuộc tỉnh, đạt đô thị loại I, tách và thành lập TP.Thủ Dầu Một và 1 thị xã mới. TP.Thuận An được công nhận là đô thị loại 2 trong giai đoạn 2016-2020, chuyển xã ngoại ô thành phường. TP.Dĩ An được công nhận đô thị loại 2 giai đoạn 2016-2020.
Phát triển
theo quy hoạch
Trên cơ sở Đồ án quy hoạch chung xây dựng đô thị Thuận An đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt, TP.Thuận An đã tổ chức quản lý và phát triển các khu chức năng đô thị với nhiều dự án đầu tư xây dựng về nhà ở, công trình dịch vụ công cộng, hạ tầng kỹ thuật đô thị… Hiện nay, quy hoạch chung TP.Thuận An đang được triển khai điều chỉnh tổng thểnhằm phùhợp với điều kiện phát triển kinh tế- xãhội của địa phương, quy hoạch phát triển kinh tế- xãhội của tỉnh, quy hoạch vùng vàcác quy hoạch ngành khác cóliên quan. Đối với quy hoạch phân khu, TP.Thuận An đã phê duyệt xong quy hoạch phân khu của 9 phường. Từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn TP.Thuận An đã phê duyệt thêm 56 quy hoạch chi tiết khu nhà ở, với tổng diện tích khoảng 143,761 ha. Nâng tổng sốquy hoạch chi tiết khu nhàởtrên địa bàn là110 khu với diện tích 1.114,6ha. Tháng 1-2020, Thuận An chính thức trở thành thành phố trực thuộc tỉnh.
Ông Nguyễn Thanh Tâm, Chủ tịch UBND TP.Thuận An, cho biết: “Các lãnh đạo tiền nhiệm nhận thấy, Bình Dương quy hoạch định hướng cho Thuận An phát triển, đây là thời cơ để Thuận An triển khai các quy hoạch, tạo động lực phát triển kinh tế và đô thị theo đúng chủ trương. Trong đó, đẩy mạnh huy động các nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng, đáp ứng các yêu cầu của các nhà đầu tư ”.
Thực hiện mục tiêu xây dựng và phát triển Dĩ An sớm trở thành một đô thị văn minh và hiện đại, ngay từ những năm 2000, UBND huyện Dĩ An đã thuê tư vấn lập Đồ án quy hoạch chung đô thị tỷ lệ 1/10.000 đến năm 2020, tầm nhìn 2030 và quy hoạch phân khu các phường tỷ lệ 1/2000. Đến năm 2018, UBND thị xã lập Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung đô thị Dĩ An đến năm 2040 và Đồ án điều chỉnh quy hoạch phân khu phường Dĩ An, phường Đông Hòa. Hiện nay, TP.Dĩ An chuẩn bị phê duyệt Đồ án điều chỉnh quy hoạch phân khu các phường còn lại (Tân Bình, Tân Đông Hiệp, An Bình, Bình An và Bình Thắng). Ông Võ Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP.Dĩ An, cho biết: “Trên cơ sở các quy hoạch được phê duyệt, cấp ủy - chính quyền Dĩ An đã rất chú trọng triển khai quy hoạch ra thực địa, bằng nhiều nguồn vốn đã đầu tư nâng cấp, mở rộng và xây dựng mới rất nhiều tuyến đường giao thông, mạng lưới cấp, thoát nước và xử lý nước thải, xây dựng các dự án nhà ở, các khu đô thị mới… cơ bản đáp ứng nhu cầu và bảo đảm định hướng phát triển”. (Còn tiếp)
Ông Nguyễn Đình Toàn, Thứ trưởng Bộ Xây dựng: Công tác quy hoạch của Bình Dương đã được triển khai rất tốt, tạo nền tảng phát triển đô thị, tạo hiệu quả phát triển kinh tế, góp phần quan trọng trong sự phát triển của tỉnh đồng thời đưa Bình Dương trở thành một trung tâm kinh tế trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Ông Trần Thanh Liêm, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Thời gian qua, hệ thống quy hoạch của Bình Dương tương đối tốt. Chủ trương của Bình Dương trong quy hoạch phát triển đô thị là tập trung phát triển đô thị mới và chỉnh trang đô thị cũ theo thứ tự ưu tiên. Ông Võ Hoàng Ngân, Giám đốc Sở Xây dựng: Nhằm thực hiện Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ X về phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn 2015-2020, Tỉnh ủy Bình Dương đã ban hành các chương trình đột phá khác nhằm định hướng việc phát triển đô thị, đô thị hóa gắn với tăng trường kinh tế, tạo động lực tăng trưởng quốc gia, vùng và địa phương. UBND tỉnh ban hành các kế hoạch thực hiện nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ trong chương trình đề ra. Việc thực hiện các nội dung quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch đều được quan tâm, đánh giá về đáp ứng các nhu cầu về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật của cư dân. Đến nay, các đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch xây dựng nông thôn mới của tỉnh được phủ kín, đạt tỷ lệ 100%. Ths Lê Trung Tuyến, Khoa Kinh tế, Trường Đại học Kinh tế - Luật TP.Hồ Chí Minh: Việc quy hoạch và xây dựng đô thị của Bình Dương là nhiệm vụ quan trọng để phát triển công nghiệp và đóng góp quan sự phát triển chung của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Nhiều đô thị xung quanh các khu công nghiệp ở Bình Dương ra đời, đáp ứng nhu cầu về chỗ ở và cung cấp dịch vụ phục vụ quá trình phát triển công nghiệp của nhiều địa phương. |
PHƯƠNG LÊ