Những điểm mới về kỳ thi THPT quốc gia 2015

Thứ tư, ngày 17/12/2014

(BDO)

Hiện nay, học sinh lớp 12 đang tích cực học tập để có kiến thức vững chắc cho kỳ thi THPT quốc gia 2015. Trước những đổi mới trong kỳ thi năm nay, hầu hết các em đang trong tâm trạng lo lắng, không biết đề thi ra theo hướng nào, mỗi thí sinh (TS) sẽ được đăng ký bao nhiêu nguyện vọng để dự tuyển vào đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) và xét tuyển như thế nào… Mới đây, Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) đã công bố những thông tin mới nhất về kỳ thi này.

HS lớp 12 trường THPT chuyên Hùng Vương đang ráo riết chuẩn bị cho kỳ thi chung sắp tới. Ảnh: N.THANH

Đề thi mang tính định hướng đánh giá năng lực

Theo Bộ GD-ĐT, đề thi trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 sẽ có định dạng tương tự đề thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014. Nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu ở lớp 12.

Đề thi bảo đảm phân hóa trình độ TS và phải đạt được 2 mục đích là xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ tuyển sinh vào ĐH, CĐ. Vì vậy, đề thi gồm các câu hỏi từ dễ đến khó, vừa đáp ứng yêu cầu cơ bản (TS chỉ cần trả lời được các câu hỏi này là đã đủ điều kiện để tốt nghiệp THPT) và yêu cầu nâng cao (để phân hóa TS, phục vụ công tác tuyển sinh ĐH, CĐ). Ví dụ TS thi khối A thì môn ngữ văn và ngoại ngữ chỉ cần trả lời được các câu hỏi ở mức độ cơ bản cũng đã đủ điều kiện để có thể tốt nghiệp THPT.

Học ở đâu nộp hồ dự thi ở đó

Về nộp hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT), Bộ GD-ĐT khẳng định, tương tự như năm 2014, các em học sinh phổ thông ĐKDT tại trường THPT đang học. TS tự do ĐKDT tại điểm thi do Sở GD-ĐT quy định.

Tuy nhiên, có một điểm khác là hồ sơ ĐKDT năm nay không ĐKDT vào trường mà chỉ đăng ký môn thi và ghi rõ dự thi ở cụm thi. Đặc biệt, phải ghi rõ mục đích dự thi của mình vì ở đây có 3 nhóm đối tượng ĐKDT khác nhau. Cụ thể:

Nhóm 1, TS sử dụng kết quả thi để xét tốt nghiệp THPT đăng ký 4 môn, trong đó có 3 môn bắt buộc gồm toán, văn, ngoại ngữ và 1 môn tự chọn còn lại trong số các môn lý, hóa, sinh, sử, địa. TS ở vùng khó khăn có thể đăng ký thay môn ngoại ngữ bằng một môn khác. Với những TS có chứng chỉ ngoại ngữ tương đương trình độ B1 trở lên hoặc chứng chỉ quốc tế (theo quy định của bộ), dự kiến sẽ được miễn thi và được điểm thi tối đa.

Nhóm 2, TS vừa thi để xét tốt nghiệp THPT vừa lấy kết quả tuyển sinh ĐH, ngoài việc đăng ký 4 môn liên quan còn phải đăng ký thêm từ 1 - 4 môn khác tùy nguyện vọng các khối thi. Ví dụ, TS thi khối A đăng ký các môn: Toán, văn, ngoại ngữ, lý và hóa.

Nhóm 3, TS dự thi chỉ xét vào ĐH, CĐ thì chỉ thi những môn liên quan đến xét tuyển trực tiếp theo khối, ngoài ra có thể thi thêm các môn để xét vào các khối thi khác.

Không phân biệt TS ở cụm thi

Có ý kiến cho rằng, việc tổ chức thi ở các cụm thi khác nhau có thể tạo ra sự không công bằng trong kết quả tốt nghiệp THPT giữa các cụm thi, khi mà nơi thì coi thi rất chặt chẽ, nghiêm túc, nơi thì coi thi có thể sẽ dễ dãi hơn. Bộ GD-ĐT cho biết, để bảo đảm kỳ thi khách quan, công bằng cho tất cả TS, kỳ thi THPT quốc gia dù được tổ chức ở các cụm thi khác nhau nhưng đều được thực hiện theo đúng quy định của quy chế thi, với kỹ thuật và quy trình tổ chức thi thống nhất trong cả nước.

Bộ GD-ĐT sẽ tích cực chủ động xây dựng các giải pháp đồng bộ để bảo đảm tính nghiêm túc của kỳ thi tại các tỉnh. Bộ không phân biệt TS thi tại cụm thi nào, các TS đều cùng làm một đề thi theo định hướng đánh giá năng lực, tăng mức yêu cầu vận dụng, các câu hỏi mở, giảm yêu cầu thuộc lòng, ghi nhớ máy móc hay trả lời theo khuôn mẫu có sẵn, nên sẽ hạn chế việc quay cóp, trao đổi bài và hiện tượng dùng “phao thi”.

Xét tuyển từ 2 đến 3 đợt

Trước đây, khi chưa có kết quả thi các TS đã phải đăng ký nguyện vọng nên dẫn đến tình trạng TS ảo nhiều. Từ năm 2015, căn cứ vào kết quả thi của TS và yêu cầu xét tuyển của các trường TS mới đăng ký xét tuyển. Các trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả kỳ thi để tuyển sinh sẽ tiến hành xét tuyển trong 2 đến 3 đợt. Trong từng đợt, mỗi TS sẽ được đăng ký một số nguyện vọng (được quy định cụ thể trong quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy).

Sử dụng kết quả 4 môn thi tối thiểu để xét tuyển ĐH, CĐ

Phương thức xét tốt nghiệp THPT vẫn giữ ổn định như năm trước kết hợp kết quả học tập các môn ở lớp 12 của học sinh và kết quả 4 môn thi tối thiểu. Điều này sẽ khắc phục việc học lệch, phù hợp với tinh thần đổi mới thi cử. Điểm mới nữa là sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT, TS mới được đăng ký vào các ngành của trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả 4 môn thi tối thiểu và 3 môn thi tự chọn khác theo nguyện vọng. Việc này giúp TS được tuyển vào những trường phù hợp với kết quả thi của mình và các trường tuyển sinh cũng chọn được TS phù hợp với yêu cầu đào tạo. Điều này cũng tránh tình trạng rủi ro như trước đây thi đậu điểm cao nhưng vẫn rớt ĐH.

Như vậy, để tham gia tuyển sinh ĐH, CĐ, ngoài các môn đã trùng với các môn tối thiểu để xét tốt nghiệp THPT, thì các em sẽ lựa chọn ĐKDT thêm môn thi phù hợp để có thêm cơ hội trúng tuyển vào các trường ĐH, CĐ.

Các chế độ ưu tiên được thực hiện như năm 2014

Các chế độ ưu tiên, tuyển thẳng đã quy định trong quy chế thi tốt nghiệp THPT và Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy hiện hành (như chế độ ưu tiên theo khu vực, theo đối tượng, TS đoạt giải quốc gia, quốc tế...) sẽ được tiếp tục áp dụng đối với kỳ thi THPT quốc gia từ năm 2015. Bộ GD-ĐT sẽ cập nhật, bổ sung những chính sách mới của Đảng, Nhà nước về các chế độ ưu tiên để bảo đảm quyền lợi của TS.

NGỌC THANH