Những điểm mới trong đánh giá học sinh tiểu học
(BDO)
Thực hiện đổi mới phương pháp dạy học và đánh giá học sinh (HS) tiểu học, 2 năm học vừa qua ngành giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) đã triển khai thực hiện Thông tư (TT) 30 của Bộ GD-ĐT về thay đổi cách đánh giá HS tiểu học từ chấm điểm sang nhận xét. Từ tính tích cực của phương pháp đánh giá này, trong năm học 2016-2017, bộ đã điều chỉnh, khắc phục những bất cập của TT 30 bằng TT số 22/2016/TT-BGDĐT cho phù hợp với tình hình thực tế.
HS trường Tiểu học Hiệp Thành (TP.TDM) tự tin tham gia học tập ở trường
Bà Nguyễn Phương Dung, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT nhận xét, thực hiện theo tinh thần TT 30, Ban giám hiệu các trường tiểu học đã chỉ đạo giáo viên (GV) thực hiện việc nhận xét, đánh giá bằng nhiều hình thức trong quá trình dạy học. GV theo dõi sự tiến bộ của HS để động viên, khích lệ; đồng thời hướng dẫn, giúp đỡ để các em tiến bộ hơn qua học tập, trải nghiệm, giao tiếp để trưởng thành; giúp các em có đủ khả năng tự học tập và sinh hoạt ở nhà, ở trường mà không lệ thuộc vào điểm số.
Thực tế, thực hiện nhận xét đánh giá HS thay bằng điểm số, các em không còn áp lực về số điểm nên HS học tập với tinh thần thoải mới hơn. Những em học yếu không còn tâm lý nặng nề về điểm kém và không còn đánh giá xếp loại HS theo các bậc: giỏi, khá, trung bình hay yếu. Việc thay đổi cách đánh giá HS tiểu học giúp GV điều chỉnh, đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức hoạt động dạy học, hoạt động trải nghiệm ngay trong quá trình và kết thúc mỗi giai đoạn dạy học, giáo dục; kịp thời phát hiện những cố gắng, tiến bộ của HS để động viên, khích lệ và phát hiện những khó khăn chưa thể tự vượt qua của HS để hướng dẫn, giúp đỡ; đưa ra nhận định đúng những ưu điểm nổi bật và những hạn chế của mỗi em để có giải pháp kịp thời nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, học tập, rèn luyện của HS; góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục tiểu học.
Dù TT 30 có tính tích cực như nêu trên, nhưng qua 2 năm thực hiện đã bộc lộ những bất cập, tạo áp lực cho GV trong việc nhận xét, đánh giá. Do đó, năm học này, bộ đã ban hành TT 22 nhằm sửa đổi, bổ sung những hạn chế của TT 30. Có 13 điều được bổ sung, sửa đổi trong tổng số 20 điều của TT 30. TT 22 được ban hành giúp cho việc thực hiện các quy định về đánh giá HS tiểu học trong TT 30 được cụ thể hơn; giúp cho GV dễ dàng hơn trong việc đánh giá HS; phụ huynh có cơ hội nắm bắt được rõ ràng hơn mức độ đạt được của con em mình, từ đó kịp thời phối hợp với nhà trường trong quá trình giáo dục HS. Theo TT 22, hồ sơ sổ sách tinh gọn hơn; việc đánh giá năng lực học tập của HS ở 3 mức: hoàn thành tốt, hoàn thành, chưa hoàn thành đối với từng môn học; phẩm chất đạo đức cũng được đánh giá ở 3 mức: tốt, đạt, cần cố gắng; việc đánh giá định kỳ về năng lực, phẩm chất được thực hiện vào giữa học kỳ I, cuối học kỳ I, giữa học kỳ II và cuối năm học.
Bà Nguyễn Thị Kim Tuyết, Phó Trưởng phòng GD tiểu học, Sở GD-ĐT, cho biết ngành bắt đầu triển khai thực hiện TT này từ đầu tháng 11. Để các trường thuận lợi trong việc thực hiện, sở đã tập huấn TT 22 cho tổ mạng lưới chuyên môn. Bước tiếp theo là các phòng GD-ĐT tập huấn cho Ban giám hiệu các trường tiểu học. Hiện tại các trường đã và đang tổ chức tập huấn cho tất cả GV trong nhà trường. Trong quá trình thực hiện nếu các GV có những thắc mắc, ban hướng dẫn nghiệp vụ chuyên môn tỉnh sẽ hỗ trợ giải đáp kịp thời. Sở cũng nhắc các trường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý, GV, cha mẹ HS về đánh giá HS tiểu học theo quy định tại TT 22.
A.SÁNG