Những điểm mới trong bộ tiêu chí OCOP giai đoạn 2021-2025

Thứ năm, ngày 04/05/2023

(BDO) Sau gần 5 năm triển khai thực hiện, chương trình OCOP đã lan tỏa sâu rộng và đạt được những kết quả nhất định. Tính đến hết năm 2022, cả nước có gần 8.689 sản phẩm OCOP của 4.479 chủ thể là hợp tác xã, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh và tổ hợp tác. Tại Bình Dương, chương trình OCOP đã phát huy tốt vai trò là chương trình chuyên đề hỗ trợ thực hiện xây dựng nông thôn mới, góp phần đẩy mạnh phát triển sản xuất, quảng bá sản vật, văn hóa của địa phương và nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân. Đến nay, toàn tỉnh có 47 sản phẩm OCOP được chứng nhận từ 3 sao trở lên; có nhiều sản phẩm sau khi công nhận đạt chuẩn OCOP thị trường tiêu thụ ngày càng được mở rộng và doanh số ngày càng tăng, góp phần nâng cao lợi nhuận cho các chủ thể.

Để bảo đảm thực hiện thành công các mục tiêu của chương trình trong giai đoạn 2021-2025, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 148/QĐ- TTg về việc ban hành Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. So với bộ tiêu chí giai đoạn 2018-2020, bộ tiêu chí OCOP giai đoạn 2021-2025 có một số điểm mới. Cụ thể, trong danh mục phân loại sản phẩm tham gia, bổ sung thêm bộ sản phẩm về sinh vật cảnh (hoa, cây cảnh, động vật cảnh); các bộ sản phẩm thủ công mỹ nghệ và vải, may mặc được gộp thành bộ sản phẩm chung; trong bộ sản phẩm dược liệu và sản phẩm từ dược liệu, loại bỏ nhóm trang thiết bị, dụng cụ y tế và bổ sung sản phẩm mới “tinh dầu” cho nhóm thảo dược khác.

Về tiêu chí đánh giá sản phẩm OCOP có sự điều chỉnh về thang điểm. Điểm tối đa của phần A - sản phẩm và sức mạnh của cộng đồng được nâng từ 35 điểm lên 40 điểm. Điểm tối đa của phần C - chất lượng sản phẩm giảm từ 40 điểm xuống 35 điểm. Ngoài ra, nội dung của các tiêu chí đánh giá sản phẩm OCOP đã được sửa đổi, bổ sung cụ thể hơn nhằm giúp các thành viên hội đồng OCOP các cấp đánh giá, chấm điểm một cách khách quan nhất về chất lượng, giá trị và quy mô của sản phẩm.

Về trình tự, quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, các sản phẩm sẽ bắt đầu được đánh giá từ UBND cấp xã, thay vì từ UBND cấp huyện như trước đây. Đối với sản phẩm OCOP đạt 3 sao, sẽ do UBND cấp huyện công nhận và cấp giấy chứng nhận, sản phẩm OCOP đạt 4 sao, sẽ do UBND cấp tỉnh công nhận và cấp giấy chứng nhận (trước đây, UBND cấp tỉnh công nhận và cấp giấy chứng nhận cho sản phẩm OCOP đạt 3 sao và 4 sao). Đối với sản phẩm OCOP đạt 5 sao vẫn sẽ do Trung ương đánh giá và công nhận.

Đối với hồ sơ đăng ký tham gia đánh giá sản phẩm OCOP dành cho các chủ thể đã sửa đổi theo hướng giảm nội dung và hướng dẫn chi tiết việc thực hiện phiếu đăng ký đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP và báo cáo tự đánh giá về sản phẩm. Bộ tiêu chí chương trình OCOP giai đoạn mới cũng bổ sung quy định về đánh giá, nâng hạng sản phẩm OCOP và quy định về đánh giá, phân hạng lại sản phẩm sau khi giấy chứng nhận sản phẩm OCOP hết thời hạn 36 tháng.

PHƯƠNG ANH