Những điểm mới của Luật Đấu giá tài sản

Thứ bảy, ngày 20/01/2018

(BDO)  Ngày 17-11-2016, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Đấu giá tài sản gồm 8 chương, 81 điều, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-7- 2017 (trừ quy định tại Khoản 4, Điều 80). Sự ra đời của luật đã đánh dấu mốc quan trọng trong việc hoàn thiện, thống nhất khung pháp lý điều chỉnh hoạt động đấu giá tài sản và có nhiều điểm mới nổi bật so với Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 4-3-2010 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản như sau:

- Về tài sản bán đấu giá: Luật quy định tài sản bán đấu giá bao gồm tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá và tài sản thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân tự nguyện lựa chọn bán thông qua đấu giá. Đối với tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá, luật liệt kê cụ thể các loại tài sản này trên cơ sở rà soát quy định pháp luật chuyên ngành nhằm bảo đảm công khai, minh bạch, làm cơ sở cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân tuân thủ trình tự, thủ tục quy định tại Luật Đấu giá tài sản khi đấu giá các loại tài sản đó.

- Về đấu giá viên: Để nâng cao chất lượng đội ngũ đấu giá viên và tính chuyên nghiệp trong hoạt động hành nghề đáp ứng yêu cầu thực tiễn, luật đã quy định các tiêu chuẩn khắt khe hơn so với trước đây tại Nghị định số 17/2010/NĐ-CP. Thời gian đào tạo nghề được tăng từ 3 tháng lên 6 tháng, phải tập sự hành nghề đấu giá 6 tháng và đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề đấu giá. Ngoài ra, luật còn giới hạn đối tượng được miễn đào tạo nghề đấu giá, người đã là luật sư, công chứng viên, thừa phát lại, quản tài viên, trọng tài viên có thời gian hành nghề từ 2 năm trở lên và người đã là thẩm phán, kiểm sát viên, chấp hành viên được miễn đào tạo.

- Về tổ chức đấu giá tài sản: Luật Đấu giá tài sản quy định tổ chức đấu giá tài sản bao gồm doanh nghiệp đấu giá tài sản và trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản. Tuy nhiên, khác với quy định của Nghị định số 17/2010/NĐ-CP, Luật Đấu giá tài sản quy định doanh nghiệp đấu giá tài sản chỉ được thành lập dưới hình thức doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh và thực hiện đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp.

- Về Nguyên tắc đấu giá tài sản và các hành vi bị nghiêm cấm: Luật Đấu giá tài sản quy định các nguyên tắc đấu giá tài sản bao gồm bảo đảm tính độc lập, trung thực, công khai, minh bạch, khách quan, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá, người mua được tài sản đấu giá, tổ chức đấu giá tài sản, đấu giá viên. Để đề cao trách nhiệm pháp lý, trách nhiệm nghề nghiệp của đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản, người có tài sản, người tham gia đấu giá, qua đó góp phần nâng cao chất lượng của hoạt động đấu giá tài sản, Luật Đấu giá tài sản quy định các hành vi bị nghiêm cấm đối với đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản, người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá, cơ quan, tổ chức có liên quan.

- Về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản: Luật Đấu giá tài sản tách bạch quy trình đấu giá với quy trình trước và sau khi tổ chức đấu giá; quy định trình tự, thủ tục đấu giá tài sản chung và trình tự, thủ tục đấu giá các loại tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá theo hướng chặt chẽ, bảo đảm tính minh bạch, khách quan, hạn chế tối đa tình trạng móc nối, thông đồng, dìm giá (thể hiện qua các quy định về việc niêm yết thông tin đấu giá tài sản; việc tổ chức đăng ký tham gia đấu giá; tiền đặt trước; thủ tục đăng ký tham gia đấu giá; hình thức đấu giá; quyền và nghĩa vụ của người có tài sản đấu giá trong việc tổ chức thực hiện việc đấu giá; các trường hợp hủy kết quả đấu giá tài sản...).

Để triển khai thi hành luật kịp thời, thống nhất, đồng bộ và hiệu quả, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 2128/KH-UBND ngày 30-5-2017 về triển khai thi hành Luật Đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh Bình Dương, tổ chức hội nghị quán triệt, phổ biến các nội dung cơ bản của luật, đồng thời phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh tuyên truyền luật, từ đó góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trên địa bàn tỉnh về vai trò, ý nghĩa của hoạt động đấu giá tài sản trong đời sống kinh tế - xã hội hiện nay.

SỞ TƯ PHÁP