Những điểm giống nhau kỳ lạ giữa Chu Ân Lai và Tưởng Giới Thạch

Thứ ba, ngày 02/07/2013
Tưởng Giới Thạch và Chu Ân Lai, hai nhân vật ấy tuy đi hai con đường khác nhau, nhưng giữa họ có không ít những điểm giống nhau đến kỳ lạ. Đó không chỉ là việc Tưởng Giới Thạch và Chu Ân Lai đều sớm trở thành những đứa trẻ mồ côi, thích vận đồ Tôn Trung Sơn, mà còn là việc họ cùng tôn sùng Nho học và coi trọng vấn đề phát triển quan hệ với Nhật Bản...

1. Mồ côi khi còn nhỏ

Chu Ân Lai và Tưởng Giới Thạch đều có quê gốc ở Chiết Giang, chỉ khác là một người ở huyện Thiệu Hưng, còn người kia ở huyện Phụng Hóa. Tưởng Giới Thạch sớm mồ côi cha, được mẹ nuôi dưỡng trưởng thành. Chu Ân Lai mồ côi mẹ khi mới 10 tuổi, sau khi được một người chú ruột nhận làm con thừa tự, việc dưỡng dục chủ yếu nhờ tay mẹ nuôi.

2. Cùng kinh qua trường quân sự Hoàng Phố

Tuy không cùng phục vụ cho một đảng, nhưng Chu Ân Lai và Tưởng Giới Thạch đều có một thời kinh qua trường quân sự Hoàng Phố. Khi đó, Tưởng Giới Thạch có ấn tượng rất tốt đối với Chu Ân Lai, ngược lại Chu Ân Lai cũng rất tôn trọng Tưởng Giới Thạch. Chỉ có điều, số phận đã đẩy đưa hai người vào hai chiến tuyến đối lập nhau hay nói chính xác là mỗi người đã chọn cho mình một con đường đi riêng. Tưởng Giới Thạch làm hiệu trưởng trường quân sự Hoàng Phố và sau đó là Tổng tư lệnh quân cách mạng quốc dân. Chu Ân Lai đi theo tiếng gọi của chủ nghĩa cộng sản, trở thành người sáng lập quân đội Trung Quốc.

  Chu Ân Lai và Tưởng Giới Thạch đều học ở trường quân sự Hoàng Phố.

3. Thích viết nhật ký

Sau khi bước vào tuổi trung niên, giữ chức vụ quan trọng, cả Chu Ân Lai và Tưởng Giới Thạch đều thích viết nhật ký và họ đã duy trì nó như một thói quen thường nhật liên tục trong nhiều năm. Đối với Tưởng Giới Thạch là khoảng 50 năm không một ngày ngưng nghỉ. Từ khi làm Thủ tướng nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (1949), Chu Ân Lai thường xuyên ghi lại những việc làm hàng ngày vào lịch để bàn và đã để lại cho hậu thế mấy chục cuốn lịch như vậy. Theo giới nghiên cứu, đây thực sự là những sử liệu có giá trị cao.

4. Coi trọng quan hệ với Nhật Bản

Thời trẻ, cả Chu Ân Lai và Tưởng Giới Thạch đều có những năm tháng sinh sống tại Nhật Bản. Khi phát xít Nhật xâm lược Trung Quốc, tuy thuộc hai chiến tuyến khác nhau, nhưng cả Chu Ân Lai và Tưởng Giới Thạch đều là những nhân vật chủ chốt lãnh đạo kháng chiến chống Nhật. Nhưng khi kháng chiến chống Nhật thắng lợi, không chỉ Tưởng Giới Thạch, mà Chu Ân Lai cũng rất coi trọng việc xây dựng quan hệ hữu hảo với Nhật Bản. Chu Ân Lai đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn, trở lực để xây dựng quan hệ ngoại giao với Nhật Bản. Người Nhật Bản thì nói: "Điều cảm kích nhất là Tưởng Công (Tưởng Giới Thạch) đã lấy đức báo oán".

5. Thích vận đồ Tôn Trung Sơn

Đã có rất nhiều bức ảnh cho thấy cả Chu Ân Lai lẫn Tưởng Giới Thạch đều rất thích mặc những bộ quần áo may theo kiểu Tôn Trung Sơn và họ đã góp phần quan trọng làm cho bộ đồ Tôn Trung Sơn trở nên nổi tiếng. Đối với Chu Ân Lai, quả thực ông rất thích mặc đồ Tôn Trung Sơn. Có tác gia đã từng nói bộ đồ Tôn Trung Sơn chỉ là chính nó khi được Chu Ân Lai khoác lên mình. Đối với Tưởng Giới Thạch, có thể việc mặc đồ Tôn Trung Sơn xuất phát từ tình cảm kính phục đối với nhân vật này.

 Chu Ân Lai và Tưởng Giới Thạch đều thích vận đồ kiểu Tôn Trung Sơn.

6. Sống giản dị, ăn mặc chỉn chu

Chu Ân Lai và Tưởng Giới Thạch đều tôn sùng lối sống giản dị, thanh khiết và tiết chế. Hai người đã giữ cho mình nhiều thói quen tốt khi còn trong quân ngũ như không hút thuốc, ăn mặc chỉnh tề… Sẽ là không tưởng nếu như bạn muốn nhìn thấy một bức ảnh chụp Chu Ân Lai hay Tưởng Giới Thạch trong bộ đồ lôi thôi, nhăn nhúm.

7. Đều có một lượng "fan" hâm mộ lớn

Sau khi bước sang tuổi trung niên, cả Chu Ân Lai và Tưởng Giới Thạch đều được mọi người gọi bằng những cái tên riêng đầy kính trọng theo kiểu Trung Quốc: đối với Tưởng Giới Thạch là Tưởng Công, Giới Công; đối với Chu Ân Lai là Chu Công, Hồ Công. Đặc biệt, khi Chu Ân Lai và Tưởng Giới Thạch từ trần, rất nhiều người dân đã tự phát đổ ra hai bên đường khóc than tiễn đưa.

Theo TTXVN