Những dịch vụ dễ “hốt bạc” trong ngày mưa bão

Chủ nhật, ngày 19/08/2012

Kéo xe qua đoạn đường ngập sâu, lau bugi… là những công việc “hốt bạc” trong những ngày ngập lụt. Bên cạnh đó, các mặt hàng thực phẩm cũng đã “ăn theo mưa bão,” tăng giá vùn vụt.

Kéo xe “kiếm bẫm”

Sáng sớm, chị Nguyễn Thị Thành (Cầu Bươu, Thanh Trì, Hà Nội) lục đục tỉnh dậy. Sau khi dọn cơm, chị huy động cả nhà kéo xe cải tiến ra đoạn đường ngập lụt cạnh nhà để tranh thủ kiếm tiền.

  Đánh liều đi qua vùng ngập nước, nhiều chiếc xe đã bị chết máy. Mới 6 giờ, mưa còn đang trút nước trên đầu nhưng khi kéo xe đến nơi, chị Thành đã thấy nhiều người túc trực để chở khách.

Thở hổn hển khi vừa kéo xong 2 vị “Thượng đế” và xe máy bên trên qua đoạn đường ngập hơn 500m tính từ đoạn rẽ vào Trại tạm giam số 3 tới đường vào làng Yên Xá, chị Thành bảo vé “một lượt” cho 2 người và 1 xe trung bình là 60.000 đồng.

Công việc này được chị Thành và người dân tiến hành từ hôm qua (18-8) khi mà đoạn đường này “ngập bủm” do mưa lũ. Tnh trạng ngập này chắc chắn sẽ kéo dài vài ngày tới và đây sẽ là cơ hội để chị tăng thu nhập.

“Đoạn đường này hay ngập, nhưng kể từ trận lũ cuối năm 2008 đến giờ mới ngập sâu đến thế. Năm ấy, chúng tôi kiếm được nhiều tiền bởi ít người chở, chứ năm nay thì nhiều người ‘chớp thời cơ’ lắm chú ạ,” chị kể.

Theo cái chỉ tay của chị Thành, phóng viên thấy có nhiều chiếc xe cải tiến, xe ba bánh và thậm chí cả… ôtô tải đứng đợi chờ khách. Cạnh đó, “đội quân” lau bugi xe cũng đã túc trực với tuốc-nơ-vít và dụng cụ vặn bugi trên tay.

Tính trung bình, giá của một lượt (xe máy+người) lên ôtô là 30.000 đồng/lượt, lau bugi-làm xe máy nổ trong khoảng 25.000 đồng-30.000 đồng/lần (tùy mặc cả). Tuy nhiên việc dùng ôtô băng qua chỗ lội sẽ phải đợi cho… đủ chuyến. Do đó, nhiều người đã chọn các phương tiện thô sơ như của chị Thành cho nhanh.

Nhưng việc lựa chọn xe thô sơ để kéo xe máy nhiều khi cũng “không ổn,” bởi nhiều trường hợp khi đang ở “giữa biển nước” mà gặp một chiếc ôtô phi qua rất dễ bị nước bắn làm ướt.

Một “hành khách” cho hay, định bụng sẽ về số và đi đều ga để vượt qua quãng đường này, nhưng thấy nó… dài quá nên anh đành bấm bụng móc ví ra 50.000 đồng để qua đường. Bởi nếu xe chết máy giữa vũng nước thì ngoài việc bị ướt giày, anh còn phải thuê người lau bugi để nổ máy, rồi sau đó buộc phải thay dầu xe thì cũng quá tội.

“Lúc đầu những người kéo xe đòi 100.000 đồng, mặc cả mãi mới về mức 50.000 đồng,” anh chia sẻ.

Thực phẩm tăng vọt

Bên cạnh việc các loại dịch vụ “bất chợt” ăn theo thì thực phẩm trong những ngày mưa bão cũng đã tăng vọt. Tại chợ Văn Quán (Hà Đông), cải bắp đã có giá 14.000 đồng-15.000 đồng/kg, tăng 3.000 đồng; cải xanh 5.000 đồng, tăng 1.500 đồng; rau muống từ 3.000 đồng lên 5.000 đồng/mớ.

Tương tự, tại chợ Ngã Tư Sở, Khương Đình…, mức tăng này cũng được áp dụng, thậm chí có quầy rau muống còn tăng lên 6.000 đồng/mớ. Giá thịt lợn tăng 5.000-10.000 đồng/kg. Các loại thịt bò, gà cũng tăng khoảng từ 2.000-5.000 đồng/kg.

Bà Trần Thị Vân, một người nội trợ càu nhàu: “Vừa rồi giá thực phẩm tăng theo giá xăng, giờ lại tăng tiếp khiến bữa ăn tốn kém quá.”

Còn chị Hoa, người bán hàng tại khu vực Hoàng Ngân (Trung Hòa, Thanh Xuân) cho biết, giá tăng cũng bởi do mưa bão khâu vận chuyển khó khăn, mưa bão cũng khiến lượng rau suy giảm bởi bị dập nát.

Bên cạnh đó, bởi trong khi nhiều người dân đổ xô đi mua thức ăn dự trữ bởi lo lắng trời sẽ còn mưa kéo dài trong những ngày tới, thì nhiều tiểu thương lại “nghỉ ngơi,” không đi chợ.

“Chúng tôi mua vào giá cao thì bán ra cũng phải giá cao thì mới có lãi. Trong những ngày tới, giá rau chắc chắn sẽ tăng lên khi nguồn cung khan hiếm chứ không chỉ dừng lại ở mức này,” chị Hoa nói.

Theo TTXVN