Những dấu son của thể thao Bình Dương - Bài cuối

Thứ tư, ngày 28/10/2015

 Bài cuối: Xã hội hóa - Đòn bẩy chiến lược của thể thao Bình Dương

Trong lần đến Bình Dương làm việc, ông Hoàng Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã biểu dương Bình Dương là một trong những điểm sáng, điển hình của cả nước trong việc thực hiện chủ trương xã hội hóa các hoạt động thể dục thể thao (gọi tắt là xã hội hóa thể thao- XHHTT). Với Bình Dương, XHHTT là đòn bẩy chiến lược giúp ngành thể thao tỉnh nhà phát triển mạnh thể thao thành tích cao lẫn thể thao phong trào…

(BDO)

 Ông Nguyễn Minh Giao (bìa trái), Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và ông Đỗ Văn Trung (bìa phải), Tỉnh ủy viên, Giám đốc Đài PT-TH Bình Dương, Trưởng BTC trao cúp vô địch và các danh hiệu cho các VĐV đoạt thứ hạng cao nhất giải Billiards Carom 3 băng quốc tế Bình Dương lần IV năm 2015. Ảnh: LONG VĨNH

Chia sẻ với báo Bình Dương, ông Nguyễn Phú Yên, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, việc Bình Dương được Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch biểu dương với nội dung như trên là sự khích lệ, động viên to lớn, ghi nhận những đột phá mà những người làm thể thao tỉnh nhà đã thực hiện suốt thời gian dài, đặc biệt là trong 5 năm gần đây. Theo ông Nguyễn Phú Yên, Bình Dương đã làm rất tốt 4 lĩnh vực trong công tác XHHTT:

Thứ nhất, Bình Dương đã tổ chức các giải đấu thể thao có thương hiệu mang tầm quốc tế, bên cạnh đó là các giải thể thao mang tầm quốc gia, cấp vùng nhưng được thực hiện hoàn toàn bằng nguồn lực xã hội hóa. Đó là giải bóng đá quốc tế Truyền hình Bình Dương tổ chức đã bước sang lần thứ 16 với sự tham gia của 4 đội bóng hàng đầu trong nước và 4 đội khách mời quốc tế có chất lượng. Giải đấu này đã được FIFA, AFC công nhận và đưa vào hệ thống lịch thi đấu hàng năm. Bên cạnh đó là giải Billiards Carom 3 băng quốc tế do BTV và Becamex IJC đồng hành tổ chức đã bước sang mùa thứ 4, thu hút các tay cơ mạnh của Việt Nam và châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines dự tranh, được Liên đoàn Billiards châu Á công nhận và giám sát chất lượng. Không thể không nhắc đến giải xe đạp nữ quốc tế Bình Dương mở rộng do Công ty TNHH MTV Cấp Thoát nước - Môi trường Bình Dương (Biwase) sáng lập và chủ trì tổ chức suốt 5 năm qua, được các đội xe đạp mạnh của Đông Nam Á (Thái Lan, Malaysia) và châu Á (Hàn Quốc…) quan tâm, cử thành phần mạnh tham gia.

Ở khía cạnh xã hội hóa các giải đấu thể thao phong trào mang tầm quốc gia, cụm khu vực, người hâm mộ sẽ nhớ đến Giải việt dã Chào năm mới với quy mô toàn quốc, được tổ chức vào ngày 1-1 hàng năm do BTV tổ chức; hay giải bóng đá Doanh nhân mở rộng - Báo Bình Dương, tranh cúp Đại Thiên Lộc do Báo Bình Dương sáng lập và điều hành suốt 3 mùa giải qua, thu hút các đội bóng mạnh trong tỉnh và Đông Nam bộ, Tây Nam bộ tham dự với giá trị giải thưởng và chất lượng chuyên môn cao, hấp dẫn, mang tính chuyên nghiệp…

Thứ hai, Bình Dương đã thực hiện XHHTT có hiệu quả các môn thể thao chuyên nghiệp, không chỉ vươn lên nằm trong tốp 3 của cả nước mà còn đóng góp nhiều tài năng cho các ĐTQG. Đó là các môn bóng đá (4 lần VĐQG V-League, 1 cúp Quốc gia, 3 siêu Cúp Quốc gia…), quần vợt (vô địch đôi nam trẻ thế giới Wimbledon 2015, 4 cúp vô địch U14 châu Á, VĐQG 2 năm liên tiếp…), xe đạp (vô địch Tour Thailand 2013 theo chuẩn nhà nghề 2.0 của UCI, 2HCV Đại hội TDTT toàn quốc, hàng chục HCV cá nhân và đồng đội VĐQG…).

Thứ ba, Bình Dương thành công rực rỡ các tổ chức liên đoàn, hội thể thao, đưa các tổ chức này tham gia quản lý và điều hành có hiệu quả phong trào, tạo nguồn lực, cơ sở vật chất tốt cho từng môn thể thao. Đó là Liên đoàn Vovinam, Liên đoàn xe đạp - mô tô thể thao, Liên đoàn quần vợt... Theo đánh giá của lãnh đạo Tổng cục TDTT, điểm đáng biểu dương là khi thành lập các liên đoàn, hội thể thao mang tính chất xã hội nghề nghiệp tự nguyện này, ngành thể thao Bình Dương đã không đưa cán bộ của mình tham gia vào bộ máy quản lý mà giao cho những người trong xã hội có năng lực chuyên môn, uy tín, tiềm lực kinh tế và nhiệt huyết để lãnh đạo và điều hành. Ngành thể thao chỉ đóng vai trò định hướng, kết nối, dìu dắt các tổ chức xã hội nghề nghiệp này phát triển lớn mạnh, không chệch hướng, đưa phong trào cơ sở và đỉnh cao đi lên.

Cuối cùng là Bình Dương đã thành công trong việc khuyến khích người dân, doanh nghiệp tham gia xã hội hóa có hiệu quả trong việc đầu tư sân bãi, cơ sở vật chất phục vụ thể thao. Đó là hệ thống sân bóng đá mini cỏ nhân tạo với hơn 500 sân trên khắp cả tỉnh, hệ thống CLB Billiards, CLB thể hình, CLB bơi lội…

Từ 4 lĩnh vực trên, đã tạo thành đòn bẫy chiến lược, giúp thể thao Bình Dương liên tục phát triển mạnh cả về lượng lẫn chất ở cấp độ thể thao phong trào lẫn thể thao thành tích cao, từng bước rút ngắn khoảng cách so với các trung tâm TDTT mạnh nhất nước. Một trong những minh chứng cụ thể, thành tích của Bình Dương tại 2 kỳ Đại hội TDTT toàn quốc gần nhất (2010 và 2014) đều có sự phát triển nhảy vọt, tăng về số lượng huy chương đến thứ hạng bảng tổng sắp chung cuộc, từ tốp 25 đã vươn lên tốp 20/65 tỉnh, thành, ngành cả nước. Có thể nói XHHTT là khu vườn ngập tràn hương sắc, ngát hương của thể thao Bình Dương.

 CHÍ THANH