Những chiến sĩ cách mạng được treo giá hàng chục cây vàng

Thứ năm, ngày 18/04/2013

Trong không khí rộn ràng chào đón sự kiện trọng đại của đất nước, kỷ niệm 38 năm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2013), báo Bình Dương xin trân trọng giới thiệu loạt bài “Những chiến sĩ cách mạng được treo giá hàng chục cây vàng”. Nội dung phản ảnh về sự mưu trí, dũng cảm, gan dạ của các chiến sĩ cách mạng đã lập được nhiều chiến công hiển hách làm cho kẻ thù “thất điên bát đảo” phải dùng nhiều thủ đoạn bỉ ổi để mua chuộc nhưng tất cả đều thất bại. Chiến thắng 30-4-1975 là chiến thắng vĩ đại của dân tộc Việt Nam, đưa đất nước ta sang trang mới, một thời kỳ lịch sử mới của dân tộc đã bắt đầu.

Bài 1: Người nữ du kích có giá 9 cây vàng

Chúng tôi có dịp tìm gặp cô Đinh Thị Thảo (Út Ẻn), người đã từng được bọn Mỹ - Ngụy treo giá 9 cây vàng cho những ai bắt được cô nhưng tất cả đều thất bại và đến ngày 30-4-1975 lại chứng kiến một Đinh Thị Thảo oai phong làm Chủ tịch Ủy ban quân quản xã Đông Hòa (Dĩ An).

Ký ức oai hùng

Từ UBND phường Đông Hòa chạy xe theo hướng quốc lộ 1K là đến ấp Đông Tác, phường Đông Hòa. Con đường ngoằn ngoèo đưa chúng tôi đến ngôi nhà nhỏ nhưng đầy ấm cúng của cô Đinh Thị Thảo - người nữ du kích năm xưa được bọn Mỹ - Ngụy treo giá 9 cây vàng.

Hồi tưởng lại một thời tuổi trẻ oai hùng mà cô và đồng đội của mình đã chiến đấu quên mình vì độc lập, tự do của dân tộc, cô kể: Năm tôi học lớp nhất (lớp 5 bây giờ), các anh bộ đội thấy tôi nhanh nhẹn nên đề xuất với chi bộ cho tôi làm giao liên, hoạt động công khai trong vùng. Tôi quyết tâm nghỉ học với lý do đất nước chìm trong mưa bom bão đạn và “Chừng nào giải phóng sẽ đi học lại”. Nhiệm vụ của tôi là hàng ngày giấu thư vào trong gấu áo, quai nón, trà trộn trong thôn, ấp để đưa tin cho cán bộ, chiến sĩ. Nhiều lần chạm mặt với những tên mật vụ, phản cách mạng giả dạng dân thường truy tìm, lùng bắt cán bộ, đảng viên nằm vùng nhưng tôi đã khéo léo quyết không để lộ tin tức. Bằng sự nhanh nhẹn, gan dạ tôi nhanh chóng thông báo cho các cơ sởcách mạng đề phòng cảnh giác, thoát khỏi nanh vuốt của địch, bảo tồn lực lượng cách mạng.  

Cô Đinh Thị Thảo (Út Ẻn) ôn lại kỷ niệm một thời tuổi trẻ hào hùng với những tấm huân, huy chương được Đảng và Nhà nước ta ghi nhận những công lao đóng góp của mình

Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống cách mạng, mẹ cô là bà Đinh Thị Tân bất chấp sự đàn áp, khủng bố của địch vẫn bí mật đào hầm nuôi giấu cán bộ. Vì vậy, cô Thảo quá quen thuộc với việc khôn khéo đánh lừa địch. Cuối năm 1957, Mỹ- Diệm tiến hành chiến dịch “tố cộng, diệt cộng”, ráo riết truy lùng, bắt bớ cán bộ, đảng viên và khủng bố cơ sở cách mạng của ta. Tình thếkhó khăn, cô Thảo khéo léo qua mặt địch, dựa vào quần chúng tạo thế ăn ở hợp pháp vàbímật hoạt động. Mỗi ngày, cô đi chợ mua rau, quả trong xóm ấp để liên lạc, nhận nhiệm vụ của các đồng chí cán bộ Huyện ủy đang hoạt động bí mật nhằm xây dựng cơ sở, giữ gìn lực lượng, củng cố niềm tin cho nhân dân.

Treo giá 9 cây vàng

Lời kể của cô đã đưa chúng tôi về miền ký ức của một người trẻ tuổi luôn sôi sục khí thế đấu tranh, sẵn sàng hy sinh tất cả để giành lại độc lập cho dân tộc. Nương theo dòng cảm xúc của một thời hào hùng, cô Thảo cho biết: Vào sinh ra tử đã nhiều nhưng tôi vẫn nhớ nhất là trận càn ở suối Sọ năm 1968 nay là khu phố Tân Phước, phường Tân Bình. Năm ấy được cận kề tác chiến với chị Năm Lan, Huyện đội phó và anh Bảy Phương, Huyện đội trưởng là vinh dự lớn. Từ sáng đến tối ở ấp Tân Phước chìm trong lửa đạn, quân địch và quân ta đều tổn thất nặng nề. Tôi vẫn nhớ mãi lời cuối cùng mà chị Năm Lan trăn trối: “Chắc chị không sống nổi nhưng em và đồng đội hãy chiến đấu bảo vệ quê hương”. Lời nói đó cứ thôi thúc tôi trên suốt chặng đường chiến đấu. Vì vậy, từ cô giao liên nhỏ bé dũng cảm kiên cường, Út Thảo xông pha chống phá địch ngày càng táo bạo. Có những lúc địch phát lệnh truy nã, dán hình cô ở ngã ba Đông Tác và khắp chiến trường Dĩ An. Chúng treo giá “Ai bắt được Đinh Thị Thảo (Út Ẻn) thì sẽ thưởng 9 cây vàng”. Mặc dù vậy, cô Thảo vẫn bí mật hoạt động giả dạng dân thường đội nón lá, mặc áo bà ba rải truyền đơn, tích cực diệt ác phá đồn; vận động thanh niên trong xã không cầm súng, không đóng thuế cho giặc; thành lập tổ trung kiên trong xóm, ấp; tổ chức nhiều anh em thoát ly gia đình đi chiến đấu, đào hầm che giấu cán bộ, giúp cán bộ, chiến sĩ thoát khỏi vòng vây nghiêm ngặt của quân địch.

Trên tinh thần mưu trí, dũng cảm kiên cường chỉ với 2 bàn tay không, cô Thảo đã nhiều lần làm cho bọn ác ôn chỉ điểm tại Đông Hòa không dám ra mặt chống phá cách mạng. Cô Thảo kể: Lúc bấy giờ nòng cốt tổ chức trực tiếp tiến hành những cuộc diệt ác phá kìm là tôi và đồng chí Ba Bon. Để chống phá lại bọn ác ôn chỉ điểm và trừng trị đích đáng những tên nhúng tay vào các vụ giết hại đồng bào ta, cô Thảo, anh Ba Bon cùng với đội du kích táo bạo đột nhập vào tận nhà riêng, theo dõi nắm bắt quy luật sinh hoạt của chúng và tiêu diệt. Điển hình trận năm 1969, được sự hỗtrợ của lực lượng huyện, cô Thảo và anh Ba Bon phục kích, tấn công đánh đại đội 874 tại ấp Tân Hòa 4 và gây cho quân địch nhiều thiệt hại. Đặc biệt, cô Thảo và anh Ba Bon đã trực tiếp tham gia nhiều vụ ám sát thành công, diệt tên ác ôn Kiếm và 2 tên chỉ điểm khác nổi tiếng lùng sục khui hầm bí mật giết hại bộ đội, du kích của ta. Kế đó là 2 tên ác ôn Dậm và Răn cũng đền tội ác.

Hoạt động của cô Thảo và đội du kích xã lúc bấy giờ góp phần làm cho tinh thần quân địch lung lay, lo sợ không dám hoạt động công khai chống phá ta. Nhận thấy Út Thảo là du kích nguy hiểm, Mỹ - Ngụy nhiều lần bắt mẹ cô Thảo là bà Đinh Thị Tân lên dụ dỗ, mua chuộc để bà kêu gọi con gái quay về với luận điệu mà chúng cho là “Chính nghĩa quốc gia”. Không dụ dỗ, mua chuộc được, chúng cho quân lính đốt nhà, bà Tân phải chạy lên Di Linh lánh nạn, bảo đảm an toàn cho Út Thảo hoạt động cách mạng.

Kỷ niệm mà cô Thảo nhớ nhất là ngày 29-4-1975 trước khí thế tiến công như vũ bão của quân ta, các căn cứ, công sở của địch đều bỏ ngõ. 6 giờ sáng ngày 30-4 trong không khí toàn thắng của cả nước, lá cờ Mặt trận đầu tiên được quân và dân ta treo ở ấp Tân Hòa. Khoảng 15 giờ cùng ngày tôi và các đồng chí Tư Tróng, Ba Tiến, Tám Quang, Hai Xình tiếp quản trụ sở xã Đông Hòa, quyết tâm khôi phục lại sau chiến tranh, xây dựng kinh tế giàu mạnh cho quê hương, làng xóm.

Bài 2: Anh hùng không danh hiệu!

KIM HÀ