Những chiến binh trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh

Thứ hai, ngày 08/02/2021

(BDO) Những ngày cuối năm, đường phố nhộn nhịp, sắc hương xuân vẫn không ngừng len lỏi, gõ cửa trong từng nhà và trong lòng mỗi người. Khúc nhạc mừng xuân rộn rã vang lên như khép lại những ngày cuối cùng của năm Canh Tý. Có lẽ đây là một năm đáng nhớ nhất đối với đội ngũ cán bộ, nhân viên y, bác sĩ (BS) đang công tác trong ngành y tế Bình Dương. Để khi tết đến xuân về, họ lại bồi hồi nhớ về nhiệm vụ đặc biệt… “chống dịch như chống giặc”.

 Cán bộ, y, BS trong khu cách ly tập trung nhà ở xã hội Becamex - Mỹ Phước, TX.Bến Cát lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho các công dân từ nước ngoài trở về

 Vững vàng ý chí

Các đợt dịch bệnh đã cho thấy rõ sức mạnh, tinh thần đoàn kết nêu cao quyết tâm “chống dịch như chống giặc” của xã hội để chiến thắng dịch bệnh. Tiến sĩ - BS Văn Quang Tân, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh nhớ lại, vào thời điểm cuối tháng 8-2020, ca nhiễm Covid-19 đầu tiên được ghi nhận trong khu cách ly (KCL) tập trung nhà ở xã hội Becamex - Mỹ Phước, TX.Bến Cát. Ngay sau đó, toàn thể cán bộ, nhân viên Bệnh viện Đa khoa tỉnh thực hiện nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp. KCL điều trị bệnh nhân Covid-19 cũng sẵn sàng khởi động với đầy đủ các phương tiện, bộ phận phục vụ đi kèm như: Phòng xét nghiệm, chụp X-quang, siêu âm, máy thở, máy lọc máu, phòng mổ và các phương tiện, trang thiết bị bảo hộ cá nhân. Toàn bộ cán bộ, nhân viên Khoa Truyền nhiễm - Lao bước vào những ngày trực căng thẳng, chia ca làm việc và trực luân phiên nhau.

 Công việc lúc này của bệnh viện là vừa phải căng mình, khám sàng lọc kỹ lưỡng các đối tượng nghi ngờ vừa phải thực hiện nhiệm vụ cấp cứu, điều trị hồi sức tích cực cho những bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm tại Khoa Truyền nhiễm - Lao. Trong khi đó, nguy cơ lây nhiễm chéo thì… luôn rình rập. Còn đối với BS CKII Nguyễn Văn Tính, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh thì cảm xúc trong những nhiệm vụ đặc biệt ấy là sự trăn trở khi tham gia điều trị 12 bệnh nhân nhiễm Covid-19 từ nước ngoài trở về. BS Tính cho biết: “Khi nghe thông tin tiếp nhận bệnh nhân nhiễm Covid-19, mọi người trong khoa bất an bởi phác đồ điều trị hiệu quả còn chưa nắm rõ trong khi một số nhân viên mới vào nghề ít có kinh nghiệm điều trị những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Vì vậy, ngoài trăn trở tìm phương án điều trị tích cực cho người bệnh, các BS cũng hướng dẫn, động viên để các nhân viên y tế khác hiểu rõ, yên tâm làm việc và hỗ trợ bệnh nhân”.

Nói về sự vất vả, nguy hiểm khi điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19, BS Nguyễn Văn Tính chỉ tay xuống KCL điều trị, lạc quan cho hay, điều trị bệnh nhân là nhiệm vụ của đội ngũ y, BS. Tuy nhiên, điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19 thì nhiệm vụ này càng trở nên cao cả và khẩn cấp hơn. Trong khu vực trực tiếp điều trị, nguy cơ lây nhiễm cao nên tất cả mọi người phải mặc đồ bảo hộ kín như bưng từ đầu đến chân. Một số y, BS thể lực yếu, có thể bị kiệt sức vì mất nước, mất muối khi mặc bộ đồ bảo hộ này. Đó là chưa kể đến những bữa cơm vội vã, không giờ giấc của các y, BS trong KCL.

Là người trực tiếp điều trị, theo dõi các chỉ số sức khỏe của 12 bệnh nhân, BS Phạm Anh Tuấn, Trưởng khoa Truyền nhiễm - Lao chứng kiến những giây phút hoang mang, lo lắng, sợ hãi của người bệnh nên mỗi khi xong việc, BS Tuấn đều nán lại để trò chuyện. Không chỉ riêng BS Tuấn, tập thể y, BS Khoa Truyền nhiễm - Lao đều quý mến các bệnh nhân bởi họ hiểu rằng, trong hoàn cảnh bệnh tật nguy hiểm, không người thân, những bệnh nhân nhiễm Covid-19 cần mạnh mẽ vượt qua sợ hãi để chiến đấu và chiến thắng bệnh tật.

 Niềm tin và hành động

Thấu hiểu những vất vả khó khăn và nỗi lòng của những người sẵn sàng lao vào điểm nóng phòng, chống dịch bệnh, ông Huỳnh Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế đã truyền lửa cho các cán bộ, y, BS, nhân viên trong ngành: “Chúng ta là những chiến binh trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh. Chúng ta có thể thiếu vật chất, nhưng tình thương đồng bào của người Bình Dương thì không bao giờ nguôi. Muốn chiến thắng dịch bệnh chúng ta phải “chống dịch như chống giặc”.

Để tinh thần “chống dịch như chống giặc” lan tỏa rộng rãi, chuyển hóa thành hành động trong cộng đồng, mỗi cán bộ, đảng viên, đội ngũ cán bộ chủ chốt và người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể các cấp đã nêu cao tính tiên phong, gương mẫu đi đầu trong quán triệt và triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách, giải pháp của Đảng và Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Y tế về phòng, chống dịch bệnh. Sự gương mẫu bắt đầu từ những việc làm rất nhỏ như: Thường xuyên đeo khẩu trang; rửa tay bằng dung dịch kháng khuẩn; không tụ tập nơi đông người; không ra đường nếu không có việc cần thiết, thực hiện cách ly toàn xã hội.

Thực tế trong những ngày cả nước chung tay phòng, chống dịch bệnh, nhiều cán bộ, đảng viên không ngại khó khăn, nguy hiểm tham gia tích cực, hiệu quả vào công tác phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Đặc biệt là những cán bộ, đảng viên công tác trong ngành y tế, làm nhiệm vụ trong các KCL tập trung hàng tháng không về gia đình để tập trung sức, lăn xả vào việc điều tra, xác minh các trường hợp nghi ngờ. Nhiều cán bộ, đảng viên trong quân đội, công an phục vụ tận tình trong khu cách ly, bảo đảm trang thiết bị, nhu yếu phẩm và giúp bà con trải qua 14 ngày cách ly thoải mái, ý nghĩa.

 Chính sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của từng cán bộ, đảng viên mà công tác phòng, chống dịch bệnh ở Bình Dương thực hiện đạt kết quả tốt. Tích lũy từ đầu mùa dịch bệnh đến ngày 1-2-2021, Bình Dương hoàn thành cách ly y tế tập trung cho 6.436 trường hợp và hoàn thành cách ly y tế tại nhà, nơi cư trú cho hơn 7.580 trường hợp.

KIM HÀ