Những câu chuyện về một thời hào hùng của Tiểu đoàn Phú Lợi
(BDO) Ấm tình đồng đội
Mới sáng sớm, tại Khu di tích lịch sử Tượng đài chiến thắng Bông Trang - Nhà Đỏ thuộc xã Tân Bình, huyện Bắc Tân Uyên đã có đông đảo những cựu binh từng tham gia TĐPL tề tựu về. Những cái bắt tay, ôm nhau thắm thiết, những câu chuyện một thời lửa đạn được kể nhau nghe không ngớt...
Ông Nguyễn Ngọc Dưỡng, Trưởng ban Liên lạc TĐPL, chia sẻ: “Mấy năm nay do điều kiện khó khăn về tuổi tác, lại dịch bệnh Covid-19 nên sau mấy năm gián đoạn nay Ban Liên lạc TĐPL mới họp mặt trở lại. Đây là dịp để cán bộ, chiến sĩ TĐPL cùng nhau ôn lại lịch sử vẻ vang, những mốc son chói lọi để tự hào về chặng đường đã đi qua và thăm hỏi, động viên nhau lúc tuổi xế chiều”.
Gặp nhau, bao câu chuyện về những năm tháng ác liệt lại được các cựu binh Tiểu đoàn Phú Lợi cùng nhau ôn lại
Chia sẻ về lần gặp mặt này, ông Lê Song Hưng bùi ngùi, xúc động, nói: “Qua bao nhiêu khó khăn của trận chiến, rồi dịch bệnh mà giờ còn được đứng đây để gặp đồng chí, đồng đội thì không có niềm vui nào kể xiết”. Cùng chung tâm trạng đó, bà Hoàng Thị Kim Xuân chia sẻ: “Vui lắm! Giờ tuổi cao sức yếu, cuộc sống tính bằng tháng, bằng ngày, nên họp mặt được gặp anh em đồng chí, đồng đội mừng lắm”...
“Ra quân là chiến thắng...”
Trong không khí ấm tình đồng chí, đồng đội, ông Nguyễn Ngọc Dưỡng, Trưởng ban Liên lạc TĐPL đã ôn lại lịch sử hào hùng của TĐPL. Cách đây 57 năm, ngày 5-6-1965, tại xóm Vườn Trầu, ấp Hố Mên (vùng giải phóng xã Long Nguyên, huyện Bến Cát, tỉnh Thủ Dầu Một) chính thức ra mắt thành lập TĐPL, đơn vị chủ lực cơ động đầu tiên của lực lượng vũ trang tỉnh. Với quân số hơn 500 cán bộ, chiến sĩ, tiểu đoàn được tổ chức biên chế 4 đại đội (3 đại đội bộ binh, 1 đại đội hỏa lực) và tiểu đoàn bộ. Đảng bộ tiểu đoàn có hơn 150 đảng viên, Ban Chấp hành gồm 7 đồng chí, do đồng chí Trần Văn Châu làm Bí thư Đảng ủy. Tiểu đoàn mang tên “Phú Lợi” như nhắc nhở mỗi cán bộ, chiến sĩ nêu cao tinh thần “quyết chiến, quyết thắng” để trả thù cho những người yêu nước bị Mỹ - ngụy giam cầm, giết hại trong nhà tù Phú Lợi.
Suốt những năm tháng xây dựng và chiến đấu, TĐPL đã lập nhiều chiến công vang dội, nhiều trận đánh đã trở thành những bản hùng ca được ghi vào sử sách như trận Đồng Sổ, Đồng Chèo, trận Nhà Tây... Những bản hùng ca đó mãi mãi là niềm tự hào của cán bộ, chiến sĩ TĐPL và của lực lượng vũ trang tỉnh Bình Dương hôm nay.
Và, trong lịch sử chiến đấu của TĐPL thì trận Bông Trang - Lò Gạch ngày 25-8-1966 là trận đột kích oanh liệt nhất. Tiểu đoàn đã tiêu diệt và tiêu hao nặng 3 tiểu đoàn Mỹ với khoảng 700 tên; bắn cháy, bắn hỏng 16 xe tăng, xe bọc thép, 1 máy bay, thu 20 súng các loại và nhiều đồ dùng quân sự. Có thể nói, trận này mãi mãi là niềm tự hào của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ TĐPL và nhân dân trong tỉnh.
Theo lịch sử còn ghi lại, ngày 25-8-1966, lính Mỹ tổ chức cuộc hành quân đột kích kết hợp bao vây tiến công vào căn cứ của TĐPL ở Bông Trang - Lò Gạch. Do có kẻ chỉ điểm dẫn đường, từ 5 giờ sáng ngày 25-8- 1966 cánh quân tiền duyên của Lữ đoàn 1, Sư đoàn 1 Bộ binh Mỹ bất ngờ chiếm được công sự tiền tiêu của Đại đội 2. Nghe tiếng súng, Đại đội 2 triển khai nhanh chóng lực lượng ra các ô ụ chiến đấu và tập trung hỏa lực, lựu đạn, thủ pháo tổ chức 2 đợt xung phong chiếm lại công sự vừa bị quân Mỹ chiếm được, đánh thiệt hại nặng trung đội thuộc lực lượng tiền duyên của địch. Bị mất yếu tố bất ngờ, địch sử dụng pháo từ Chánh Lưu, Lai Khê, Phước Vĩnh và máy bay oanh tạc dữ dội vào khu vực căn cứ của tiểu đoàn trong một cụm rừng khoảng 2km2 tại Bông Trang - Lò Gạch, sau đó xe tăng bộ binh địch tiến vào đội hình trận địa Đại đội 1 và Đại đội 4. Thực hiện phương châm đánh gần, cán bộ, chiến sĩ Đại đội 1 bám chắc công sự, chờ cho xe tăng địch vào cách công sự khoảng 20m mới nổ súng. Các đợt tiến công của quân Mỹ luôn tuân thủ đội hình hàng dọc nên bị ta tập trung hỏa lực bẻ gãy.
Trong lịch sử oai hùng của TĐPL không thể không kể đến cái tình của người dân. Ông Dương Văn Liễu, nguyên Chính trị viên TĐPL từng chia sẻ: “Người chiến sĩ TĐPL hoạt động, công tác và chiến đấu bao giờ cũng ở bên cạnh nhân dân và trong lòng nhân dân, dựa chắc vào nhân dân. Nhân dân ngày ấy chăm lo cho cán bộ, chiến sĩ của tiểu đoàn từ cái ăn, cái mặc, từng viên thuốc, cuộn băng bông mỗi khi chiến sĩ bị ốm, bị thương, lo cho anh em từng chiếc hầm bí mật và nuôi dưỡng, che giấu khi về địa phương hoạt động. Xúc động nhất là những bà mẹ, những người chị đêm đêm xé rào “ấp chiến lược”, không ngại hiểm nguy đem đến cho từng thúng gạo, cân đường. Những khi tiểu đoàn bị địch bao vây với bom tạ, pháo bầy thì nhiều cụ ông, bà mẹ đứng ngồi không yên…”.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ cao cả trong kháng chiến chống Mỹ, tiểu đoàn tiếp tục cùng các lực lượng lên đường làm nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế cao cả giúp bạn Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng, góp phần thắt chặt thêm tình đoàn kết cao đẹp Việt Nam - Campuchia anh em.
Bước vào thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, do yêu cầu nhiệm vụ nên tiểu đoàn được tổ chức biên chế trong đội hình Trung đoàn Bộ binh 6 của tỉnh. Song, tên TĐPL không phai mờ, không mất đi, mà mãi mãi in đậm trong ký ức; được ghi trong sổ vàng truyền thống lực lượng vũ trang và nhân dân Bình Dương.
THU THẢO