Những câu chuyện nơi chốt kiểm dịch vùng giáp ranh

Thứ bảy, ngày 14/08/2021

(BDO) Bình Dương hiện có gần 3.500 chốt kiểm soát dịch bệnh, trong đó những chốt kiểm soát dịch bệnh vùng giáp giữa Bình Dương với các tỉnh, thành lân cận có lẽ là những chốt kiểm dịch phức tạp bởi lưu lượng người đi qua lại giữa các tỉnh, thành hàng ngày khá cao. Tại chốt kiểm soát dịch bệnh cầu Phú Cường, địa bàn giáp ranh giữa TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương và huyện Củ Chi (TP.Hồ Chí Minh) là một trong những chốt như thế, ở nơi này chúng tôi đã được nghe những câu chuyện kể thú vị từ các tình nguyện viên (TNV) ngày đêm hỗ trợ công tác phòng, chống dịch bệnh.

 Tình nguyện viên tại chốt kiểm soát dịch bệnh cầu Phú Cường kiểm tra giấy tờ của người đi đường khi qua chốt

 Nhng câu chuyn nơi vùng giáp ranh

Mặc dù làm trong môi trường không mấy dễ chịu, nói cách khác còn khá vất vả thế nhưng các TNV ở chốt kiểm soát dịch bệnh cầu Phú Cường vẫn luôn vui vẻ, lạc quan. Trần Văn Chiến, TNV tại chốt nói: “Tham gia vào đội cũng đã hơn 2 tháng nay, ở đây em cũng chứng kiến nhiều trường hợp lắm, vui cũng có, buồn cũng có, sợ cũng có… Đặc biệt, điều để lại trong em là những hoàn cảnh khó khăn, cơ nhỡ, không có phương tiện về quê, họ đi bộ nhiều ngày liền để về quê, đến chốt Phú Cường, họ dừng chân ở lại chân cầu mấy ngày liền, khi đó cả đội hàng ngày đều chia sẻ thức ăn, nước uống giúp họ cầm cự qua ngày. Hay có trường hợp trên đường từ TP.Hồ Chí Minh qua Bình Dương nhưng giữa đường bị cướp tài sản, giấy tờ, không có giấy tờ chứng minh để quay về TP.Hồ Chí Minh, cũng không thể tiếp tục qua địa phận Bình Dương, họ cũng nương náu nơi chân cầu. Thế là chúng tôi đã liên hệ địa phương các trường hợp này để tìm cách đưa họ trở về với gia đình; cũng có trường hợp người qua chốt là công nhân thất nghiệp, người bán ve chai, vé số không có tiền để xét nghiệm nhanh Covid-19, cả đội lại trích tiền túi giúp họ test nhanh, có kết quả âm tính thì tiếp tục hành trình…”.

Anh Nguyễn Đức Cường, Trưởng nhóm TNV chốt kiểm soát dịch bệnh cầu Phú Cường, nói thêm: “Tính đến nay, chốt tụi mình chắc cũng đã trích tiền túi hỗ trợ cho khoảng gần 20 trường hợp có hoàn cảnh khó khăn để họ được về nhà. Cũng có trường hợp đáng trách như họ khai báo y tế không trung thực, giấu kết quả xét nghiệm dương tính để mong được qua chốt, khiến nhiều người trong đội thành F1 nhưng khi biết lý do hoàn cảnh đáng thương của họ thì chúng tôi cũng chẳng thể trách móc gì nữa, chỉ mong mọi người cứ thành thật khai báo y tế trước đã, mọi việc có thể giải quyết sau. Như có trường hợp một chú bị nhiễm Covid-19 lại thêm căn bệnh ung thư thời kỳ cuối, nguyện vọng của chú là được mong muốn trở về nhà, cách ly tại gia đình để có thể sống những ngày cuối cùng bên gia đình; hay có người về chịu tang người thân…”.

Trong những ngày trực chốt, các TNV có khi còn kiêm luôn việc vá xe cho người dân, khi các trường hợp thủng lốp xe đi qua chốt. Bên cạnh những trường hợp đáng thương, cũng có những trường hợp đáng trách như chống đối lực lượng, quanh co không xuất trình giấy tờ hợp lệ, khai báo y tế không trung thực. Và có khi, chốt trực còn phát hiện bắt giữ các đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy, trộm cướp xe…

Những chiến sĩ không ngại gian khó

Chốt kiểm soát dịch bệnh cầu Phú Cường hiện có tổng cộng 60 cán bộ, chiến sĩ, TNV trực chốt. Trong đó, tính riêng lực lượng TNV của Đoàn là 11. Các bạn được chia làm 3 ca trực, buổi sáng từ 6 - 14 giờ, ca chiều từ 14 - 21 giờ, và ca đêm từ 21 - 6 giờ sáng hôm sau. Hàng ngày, các bạn làm nhiệm vụ: Hỗ trợ khai báo y tế cho người dân; kiểm tra giấy tờ tùy thân hợp lệ; điều tiết giao thông; nhận hàng, kiểm tra hàng, phun khử khuẩn…

Có thể nói, tham gia chống dịch thì mỗi TNV đều là một chiến sĩ kiên cường trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh. Với vai trò là một cán bộ Đoàn, Bí thư Chi đoàn Công ty Cổ phần Xây dựng và Giao thông Becamex (Becamex BCE) vì thế anh Nguyễn Đức Cường luôn ý thức vai trò, trách nhiệm của tuổi trẻ trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Từ đợt dịch bệnh trước, Cường đã tham gia trực chốt ở đường Trần Văn Ơn, phường Phú Hòa (TP.Thủ Dầu Một), đợt dịch bệnh này anh đã đăng ký tham gia ngay vào chốt trực cầu Phú Cường.

Biết được đợt dịch bệnh này nguy hiểm hơn, lại tham gia ở chốt trực khá phức tạp nên mẹ Cường lo lắng nhiều, ba và em trai Cường lại đi làm xa, nhà chỉ còn một mình mẹ. Cường rất thương và lo lắng cho mẹ nhưng nhiệm vụ của tuổi trẻ đối với đất nước là không thể do dự, chần chờ. Với sự quyết tâm của con trai mẹ chỉ biết động viên Cường cố gắng giữ gìn sức khỏe thật tốt để đóng góp sức trẻ phục vụ quê hương.

Còn đối với Chiến, gia đình có 2 anh em trai thì cả 2 cùng tham gia công tác chống dịch, em của Chiến hiện đang tham gia lực lượng dân quân phường Hòa Phú (TP.Thủ Dầu Một), Chiến trực chốt tại cầu Phú Cường. Đối với Chiến: “Tuổi trẻ có bao lâu, phải sống những ngày tháng tích cực, ý nghĩa, đóng góp chút sức trẻ cho quê hương, đất nước mới xứng đáng một thời tuổi trẻ”. Chiến là thành viên của Câu lạc bộ Truyền thông Hội Sinh viên tỉnh, với niềm đam mê nhiếp ảnh của mình, trong những ngày tham gia chống dịch anh đã cùng chiếc máy ảnh của mình ghi lại nhiều khoảnh khắc đẹp của đồng đội khi thực hiện nhiệm vụ.

Trong chốt trực không chỉ có nam giới mà còn có 4 bóng hồng tham gia chống dịch. Trần Thị Giang, sinh viên năm 3, Khoa Ngoại ngữ, trường Đại học Thủ Dầu Một là một nữ chiến binh kiên cường trong số đó, những ngày này dù phải bận thi cử nhưng Giang không muốn bỏ trực ngày nào, có khi Giang cùng các bạn mang sách vở, tài liệu ra học bài tại chốt trực. “Những năm ngồi ghế giảng đường em đã mê tham gia các phong trào tình nguyện, hè đến em lại tham gia chiến dịch mùa hè xanh. Năm nay em đăng ký đi tham gia chống dịch, với chuyên môn học Khoa Ngoại ngữ nên em được nhận nhiệm vụ tại chốt trực để có thể giao tiếp, hướng dẫn một số người nước ngoài làm thủ tục khai báo y tế khi qua chốt. Đối với em công việc tuy có lúc cũng vất vả, nhưng cả đội luôn giữ tinh thần lạc quan, nhiệt huyết, rất vui vẻ và đoàn kết. Chắc chắn đây nơi này sẽ lưu lại nhiều kỷ niệm đáng nhớ nhất trong quãng đời sinh viên của em”.

Mỗi thành viên ở chốt trực đều có những câu chuyện của riêng mình, nhưng hiện nay câu chuyện chung, mục đích chung của họ hướng đến đó là gắng sức cùng cả hệ thống chính trị nỗ lực chung tay dập tắt dịch bệnh, trả lại cuộc sống bình yên vốn có của Bình Dương.

 NGỌC NHƯ