Những cách hòa hợp với mẹ chồng
(BDO) Không kể xấu, than thở về mẹ chồng khắp nơi, tìm hiểu nguyên nhân của những khác biệt, thẳng thắn thể hiện quan điểm của mình... có thể giúp bạn tránh xung đột trong mối quan hệ rất nhạy cảm này.
Chuyện mẹ chồng - nàng dâu xưa nay vốn đã là mối quan tâm hàng đầu với những cô gái trẻ sắp kết hôn và cũng là nỗi đau đầu với những bà mẹ chồng chuẩn bị đón dâu mới. Làm sao để hòa hợp được mối quan hệ này và làm thế nào để tháo gỡ bớt những mâu thuẫn để sống chung với mẹ chồng hoàn thuận? Mời bạn tham khảo một số gợi ý dưới đây:
Hãy tìm hiểu những khác biệt
Khoảng cách giữa hai thế hệ mẹ chồng - nàng dâu thường rất lớn, do vậy có nhiều lúc, bạn sẽ không hiểu vì sao cùng một vấn đề nhưng mẹ chồng lại có cách suy nghĩ và giải quyết hoàn toàn khác bạn. Chẳng hạn, gia đình có tiền nhưng không hiểu sao mẹ chồng lại tiết kiệm một cách thái quá trong khi bạn không muốn mọi người cứ phải kham khổ mãi. Hãy thử tìm hiểu lại, có thể trước đây mẹ chồng bạn từng có cuộc sống lam lũ hoặc bà được dạy là phải sống tiết kiệm như vậy cho nên điều đó tồn tại đến bây giờ. Vì thế, đừng vội tỏ thái độ khó chịu mà hãy tìm hiểu vấn đề cho thật kỹ để tránh những hiểu lầm đáng tiếc.
Ảnh minh họa: Idiva
Không kể xấu, than thở
Sẽ có lúc bạn cảm thấy vô cùng ức chế vì cách cư xử của mẹ chồng. Nhưng nếu vì thế mà gặp bất cứ ai, bạn cũng kể để giải tỏa cảm xúc thì chưa chắc đã tốt, nhất là khi chẳng may chuyện đó lại lọt đến tai mẹ chồng. Vì thế, hãy tìm đến những người bạn tin tưởng hoặc một ai đó bạn có thể nhận được những lời khuyên đúng đắn để chia sẻ.
Tránh việc than thở hay kể xấu về mẹ chồng bởi trong mắt mỗi người, chẳng có ai là thấy mình sai, vì biết đâu chính mẹ chồng cũng đang cảm thấy tức giận vì cách cư xử của bạn thì sao. Cùng một vấn đề nhưng có người nhìn thành hình tròn, có người thành hình vuông nên đừng cố để nghĩ về nhau tiêu cực. Bạn là người phụ nữ hiện đại, bạn hoàn toàn có thể có nhiều cách hòa giải tích cực đúng không?
Tìm kiếm “đồng minh”
Đồng minh ở đây có thể là chồng, em dâu, chị chồng hay bất cứ ai bạn có thể tin tưởng và họ sẽ giúp đỡ bạn. Những người nào có thể gần gũi hay hiểu mẹ chồng bạn nhất chính là người bạn nên tìm đến và nhờ sự giúp đỡ từ họ. Đừng nghĩ rằng vì họ là người thân với mẹ chồng nên sẽ không thể tốt với bạn. Cần phải có niềm tin và tích cực tạo dựng niềm tin từ đó.
Tham khảo ý kiến mẹ chồng
Trong bất cứ trường hợp nào thì bạn cũng nên tham khảo ý kiến mẹ chồng trước khi làm một việc gì đó. Điều đó có hai lợi ích, thứ nhất là mẹ chồng sẽ cảm thấy được tôn trọng, thứ hai là bạn cũng có cơ hội bày tỏ suy nghĩ của mình mà không bị gắn mác ích kỷ, độc đoán. Nếu mẹ chồng có chọn ý kiến khác bạn thì bạn nên dành thời gian thuyết phục bà.
Chẳng hạn bạn hỏi ý kiến mẹ chồng mua một bộ ghế trong nhà, bà muốn mua bộ ghế gỗ nhưng bạn lại muốn mua bộ salon hiện đại. Vậy việc của bạn là thuyết phục bà vì sao bạn lại muốn có bộ salon đó như màu sắc, kiểu dáng, độ tiện dụng, giá tiền hoặc phong thủy, thậm chí bạn hãy dẫn bà đến những nơi bày bán các loại salon hiện đại để mẹ chồng thấy được vẻ đẹp và sự tiện dụng phù hợp của nó khi đặt trong nhà. Chắc hẳn bà sẽ dễ bị thuyết phục hơn là việc bạn chỉ nhất định mua bộ salon mà không giải thích gì.
Thẳng thắn thể hiện quan điểm
Trước mặt mẹ chồng, có thể bạn nghĩ rằng chắc bà coi mình là đứa ngông cuồng và thiếu hiểu biết. Nhưng đừng quên bạn đã là người trưởng thành với khả năng tự quyết định. Có những tình huống cần thiết, bạn hãy tin vào khả năng phán đoán của mình và bày tỏ quan điểm đó. Không hẳn là bà mẹ chồng nào cũng không muốn lắng nghe ý kiến của con dâu nhưng bạn cần thể hiện những điều đó với sự tự tin, điềm tĩnh.
Học cách biết ơn
Mẹ chồng là người đã sinh ra người bạn đời của bạn và đã nuôi nấng anh ấy trưởng thành. Sau này, nếu bạn có may mắn được làm mẹ chồng, hẳn bạn cũng muốn có một cô con dâu biết thể hiện sự tôn trọng, biết ơn đối với mình. Tất nhiên, mẹ chồng - nàng dâu không thể tránh khỏi những lúc khó chịu với nhau, nhưng biết đâu mẹ chồng bạn cũng đang gặp khó khăn tương tự khi học cách sống chung với bạn. Biết ơn không hẳn là đồng ý với bà nhưng chúng ta hoàn toàn có thể có mối quan hệ tốt cho dù không hẳn lúc nào cũng hòa thuận với nhau.
Nhà tâm lý Hà Linh (Vnexpress)