Những bức ảnh sống mãi với thời gian
Nhân vật trong bức ảnh này nhiều khả năng là tác giả của cuốn nhật ký
Bài 1:Thanh niên thế hệ Hồ Chí MinhBài 2: Sống như anh
Bài 3: Những bức ảnh sống mãi với thời gian
Dù bị vùi lấp dưới lòng đất gần 50 năm nhưng các kỷ vật của người lính này vẫn còn nguyên vẹn đến lạ kỳ. Hình ảnh người con gái đội mũ tai bèo đứng giữa rừng chiến khu Đ, nở nụ cười rạng rỡ... “18 tuổi xuân đang bừng bừng dậy/ sức sống phồng căng sau áo vải mong manh”... Trong cơn binh lửa vẫn sáng lên vẻ đẹp của tâm hồn tuổi trẻ, những nụ cười tin vào chiến thắng và tình yêu đôi lứa, của tình đồng chí đồng đội một thời hoa lửa hào hùng...
Câu chuyện tâm linh
Tôi trở lại xã Tân Mỹ (Tân Uyên) để tìm hiểu thêm về số phận kỳ lạ của kỷ vật mà chị để lại. Mảnh đất chiến khu Đ thời đánh Mỹ vô cùng ác liệt, điêu tàn ngày trước giờ đang thay đổi diện mạo từng ngày như khoác lên mình màu áo mới tinh tươm. Những vườn cây oằn trĩu quả, rợp bóng xanh mát dọc suốt những con đường trải nhựa nối dài. Sông Đồng Nai mùa này nước về đầy ắp, gió chiều lồng lộng, cảnh quan êm ả, thanh bình. Nhà của người cựu chiến binh Huỳnh Văn Sáng đây rồi! Ngôi nhà nhỏ đơn sơ nằm lọt thỏm giữa vườn bưởi da xanh đang mùa cho quả. “Bưởi nhiều thế sao không bán bớt đi chú”? - “Chú trồng để cho tặng và đãi khách chứ có tính mua bán gì đâu, cây nhà lá vườn mà cháu!”. Ông trả lời tôi và cười sang sảng. Đúng là phong cách của người Nam bộ, xem ra gần gũi quá.
Nhà ông Sáng vây quanh toàn bưởi; khách đến là uống trà, thưởng thức giống bưởi đặc sản ngọt lịm. Chúng tôi để ý thấy tài sản lớn và quý nhất trong căn nhà là hàng chục tấm huân, huy chương, bằng khen của các anh hùng liệt sĩ có máu mủ ruột rà với ông, được bày trí một cách trang trọng, tự hào. Nhấp một ngụm trà, ông Sáng bùi ngùi kể về câu chuyện khi ông tìm thấy số kỷ vật của đồng chí, đồng đội. Đó là vào một ngày trong năm 2009, có người đến báo với ông là: mồ mả của gia tộc ông đã bị người ta cho cày xới tan hoang!? Ông giật mình vội chạy đến thì thấy ở hiện trường toàn bộ 45 ngôi mộ của gia tộc và 6 ngôi mộ của liệt sĩ bỗng dưng biến mất, bia mộ vứt chỏng chơ, bừa bãi! Người ta đã san bằng khu thổ mộ và đổ phủ lên một lớp đất cao, dày hơn 1m. Rất căm giận trước hành vi mất lương tâm này nhưng lúc đó ông chỉ nghĩ đến: làm thế nào để tìm lại hài cốt của gia tộc và đồng đội? Ông ra công đào bới nhiều ngày liền nhưng không kết quả.
Các hình ảnh có trong kỷ vật rất có thể là người thân của tác giả
Nhớ lại ngày trước, hồi ông cùng với cán bộ Phòng Thương binh - Xã hội huyện Tân Uyên đi tìm mộ liệt sĩ ở rừng chiến khu Đ này đều phải nhờ đến sự chỉ dẫn của các nhà ngoại cảm nên ông liền gọi điện đến họ trình bày sự việc và nhờ giúp đỡ. Và rồi các nhà ngoại cảm cho thông tin: “Hiện các hài cốt này chưa thể tìm được nhưng ở đó có một gói chứa kỷ vật của liệt sĩ, ông ráng mà tìm cho bằng được”. Nghe là có kỷ vật của bộ đội, ông càng thêm day dứt nhưng đào bới mãi mà tìm hoài chẳng thấy. Ông nói: Bốn ngày liên tiếp, tôi đào tìm mướt cả mồ hôi vẫn không thấy! Thất vọng, e rằng nhà ngoại cảm này “hết linh” nên tôi điện hỏi thì nghe câu “chắc chắn có mà, ông ráng tìm đi”! Tin lời, ngày thứ 5 trong lúc đang đào tìm, lật từng thửa đất thì trời bỗng mưa to nên tôi vào bụi cây trú tạm. Sau cơn mưa tôi quay ra tiếp tục tìm và thật bất ngờ nhìn thấy một bọc nylon nhô lên mặt đất; mở ra xem thì quả đúng là kỷ vật của đồng đội đây rồi. Tôi mừng rỡ và xúc động bùi ngùi! Kỷ vật còn nguyên nhưng hơi ướt vì nước mưa mà nếu trời không mưa thì tôi đã không tìm thấy! Nhờ mưa to nên lớp đất phía trên trôi dần mới lộ ra kỷ vật...
Kể đến đây, ông Sáng đứng dậy thắp mấy nén nhang lên bàn thờ các liệt sĩ mà ông lập ra, kể từ khi mồ mả của họ bị san ủi. Đôi mắt ông đượm buồn, trĩu nặng, lòng đang trỗi dậy ý niệm tâm linh trong việc tìm ra kỷ vật. Mang kỷ vật về nhà, ông cẩn thận phơi cho khô ráo, gồm: cuốn nhật ký của chị, hai ảnh bé gái, hai cô gái đã trưởng thành - trong đó có ảnh một nữ chiến sĩ; một ảnh em gái tuổi học trò và ảnh người thanh niên duy nhất là anh hùng Nguyễn Văn Trỗi. Riêng tấm ảnh nữ chiến sĩ tươi cười lạc quan rất có thể là chị - tác giả của cuốn nhật ký này.
Khát vọng tuổi 20
Trở lại nội dung cuốn nhật ký. Đọc qua nhật ký của chị, chúng tôi có cảm nghĩ: thế hệ của chị đã rất đỗi tự hào và vinh dự khi được làm người lính ra tuyến đầu đánh Mỹ, bất chấp bom đạn của kẻ thù ngày đêm trút xuống. Và đúng vậy, bom đạn quân thù không làm sờn lòng người lính anh hùng, không thể dập tắt khát vọng tự do, độc lập của cả thế hệ thanh niên ưu tú đại diện cho đất nước sẵn sàng ra trận. Chị là sinh viên, xếp bút nghiên lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Chị và hàng vạn thanh niên đã trùng trùng xông trận, với tinh thần dũng cảm, kiên cường, chẳng chút đắn đo suy tính thiệt hơn. Máu của các anh, chị đã đổ xuống góp phần tô thắm cho trang sử vẻ vang, hào hùng của dân tộc, để thêm sáng ngời đất nước hôm nay. Thật đáng khâm phục đối với người nữ chiến sĩ này, dưới làn mưa bom bão đạn vẫn không ngừng nỗ lực trui rèn lòng tự dặn lòng miệt mài học tập; với mục đích thiêng liêng: tất cả là cống hiến cho Tổ quốc. Ngày 20-11-1964 chị viết: “Lời nói của Lê-nin: học, học nữa, học mãi. Cuộc đời là một kho sách không có trang cuối. Phải thực hiện cho được, học để hiểu tri thức..., nâng cao chất lượng công tác. Học để xứng đáng là những con người mới. Muốn đạt được kết quả tốt trong học tập, mình cần tập trung tư tưởng cao độ, đào sâu suy nghĩ, lật ngược lật xuôi vấn đề. Vì mọi người - vô tư mà học tập... Thanh niên là lực lượng đóng góp cho sự nghiệp cách mạng nhiều nhất và cũng là thế hệ xây dựng đất nước mai sau, mình phải suy nghĩ và thực hiện cho được như vậy. Mọi ý nghĩ riêng tư, vì cá nhân, phải gạt bỏ...”. Cùng với tinh thần hăng hái, khát vọng học tập đó, ngày 1-1-1965 chị viết: “Đêm nay được nghe chú Năm nói chuyện tình hình miền Nam rất phấn khởi, từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, ngày một nhiều và vẻ vang hơn. Mình phải nỗ lực trau dồi để tiến kịp bè bạn, những người đi trước giàu lòng yêu nước, căm thù địch sâu sắc và dám hy sinh tính mạng khi cần đến. Qua lời của chú, mình soi rọi bản thân, mình cần học tập thêm, tư tưởng luôn hướng đến lý tưởng cộng sản - chân lý của cuộc đời...”. Qua những trang nhật ký, chúng tôi bước đầu nhận định: chị vừa là người lính trực tiếp tham gia chiến đấu, vừa là người giáo viên trên trận tuyến văn hóa, chính trị. Nhiều trang viết, chị cũng thể hiện rõ “chiến sĩ đã giết giặc, người giáo viên trên trận tuyến văn hóa cần nỗ lực nhiều hơn với vai trò nhiệm vụ của mình mà Đảng và nhân dân giao cho”.
Lạc quan cách mạng cũng chính là tinh thần xuyên suốt đã được chị ghi vào nhật ký, thể hiện qua từng giai đoạn của cuộc chiến. Ngày 1-1-1966 chị viết: “Một năm chiến đấu lịch sử đã trôi qua. Tiễn năm 65 ở thế kỷ 20, đón năm 66 với nhiều nỗ lực trong công tác, với nhiệt tình của tuổi thanh niên. Kiên định lập trường giai cấp, chiến đấu anh dũng bằng lòng tin và sự tất thắng của cách mạng. Hãy đón lấy sự mới mẻ mà tiến lên. Làm thế nào ở đỉnh cao nhất của cách mạng”. Với tinh thần lạc quan đó chị cũng đã làm thơ “lòng rộn ràng thêu vội chiếc khăn/ tặng anh dũng sĩ ngoan cường/ món quà kỷ niệm kính thương anh nhiều/ ngày đêm chiến đấu quên mệt mỏi/ vượt mọi gian nguy tiến lên đường/ anh đi giải phóng quê hương/ anh đi bảo vệ tình thương dân mình/ tên anh “dũng sĩ” chói ngời/ người người lớp lớp đời đời theo anh/ này bè lũ cướp nước hôi tanh/ đừng có hống hách đừng mong ngày về/ vui sao vui quá mà nghe/ người anh yêu nước tâm tình đi anh...”. Bài thơ này chị viết tặng đại hội D.82.T. Đây cũng là bài thơ ở gần trang cuối của quyển nhật ký.
Vào những năm tháng vô cùng ác liệt, các chiến sĩ khó tin rằng họ có thể sống để được trở về với gia đình. Trước lúc hy sinh, dường như họ đều có những dự cảm về sự ra đi của mình. Chị cũng vậy, trước đó chị đã có vài dòng viết về việc này “một tuần mất thời gian bị chết (tức nằm dưới hầm), rất mong tình hình trở lại bình thường để tiếp tục công tác”. Nhưng sự cố đã xảy ra, chiến tranh bạo tàn ngày đó đã cướp đi mạng sống của người nữ chiến sĩ này, chôn theo khát vọng tuổi 20 của chị nằm sâu dưới lòng đất lạnh!(*)
Nhật ký Thế hệ Hồ Chí Minh (tiếp theo)
- Ngày 12-3-1965: Về tới gia đình và chuẩn bị đi công tác. Bước đầu với trách nhiệm nặng nề mà bản thân chưa từng làm.
Phải hết sức cố gắng và tự tin ở bản thân mình.
Mạnh dạn làm việc, nếu không sẽ hỏng, con người ai ai cũng như nhau, không lý gì mà tự ti, phải nghĩ đến cách mạng, vì cách mạng, thế thôi!
- Ngày 28-3-1965: Ngày đầu tiên bắt tay vào công tác. Lần đầu nói chuyện còn kém. Cần trau dồi thêm cách nói và nhất là cần bình tĩnh mạnh dạn hơn, khắc phục được sẽ thành công trong công tác.
- Ngày 29-3-1965: Đại hội Thanh niên, làm lễ kỷ niệm ngày thành lập Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
Đợt thi đua kỷ niệm ngày sinh nhật Đoàn (26-3 đến 24-4) M. hạ quyết tâm làm tốt với nội dung thi đua:
“5 TỐT + 3 SẴN SÀNG”.
Đây là dịp thuận lợi để tự bản thân trau dồi thêm lòng yêu nước, yêu giai cấp và căm thù giặc.
- Ngày 24-4-1965: Học tập Bản tuyên bố của Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.
Qua đó, tăng thêm lòng yêu nước, căm thù giặc sâu sắc, ý chí sắt đá. Lập trường giai cấp vững chắc, tinh thần chiến đấu đến cùng.
LẠC QUAN + PHẤN KHỞI + TIN TƯỞNG
- Ngày 8-5-1965: Về phụ làm nhà, tình hình động, nằm dưới hầm kiểm điểm lại thời gian M. công tác.
Cần tích cực + cố gắng nhiều hơn trong công tác
- Ngày 24-5-1965: Hãy nỗ lực nhiều hơn trong công tác để đem lại kết quả nhiều.
- Ngày 9-6-1965: Ngày vui sum họp, cũng là ngày M. suy nghĩ nhiều, phải làm cách nào để có kết quả ổn thỏa.
Phải vận dụng lý luận Mác-Lênin sẽ giải quyết được phần nào vấn đề người chị của M.
- Ngày 11-6-1965: Ngày nhận tài liệu công tác, có nhiều thơ, tâm trạng hơi buồn vì tình cảm bạn bè...
Cần phải có thái độ cương quyết trong công tác cũng như trong tình cảm.
- Ngày 22-8-1965: Phụ trách lớp học cần cố gắng nỗ lực nhiều.
- Ngày 14-9-1965: Có người đến tìm hiểu và hỏi ý kiến muốn xây dựng cùng M., nhưng ý nghĩ, tư tưởng chưa nghĩ tới. Cho nên M. không thể nhận lời, không thể vừa lòng người được.
- Ngày 20-10-1965: Về họp chi đoàn cơ quan
QUYẾT TÂM
SỐNG - CHIẾN ĐẤU
Như anh hùng liệt sĩ
NGUYỄN VĂN TRỖI.
- Ngày 25-10-1965: Về phục vụ cho lớp bồi dưỡng cán bộ TB giáo dục. Qua 5 ngày, M. làm việc rất tốt, rất đáng tự hào.
- Ngày 16-11-1965: Lo điểm tập kết cho Đại hội Giáo viên quận, kết quả tốt.
- Ngày 20-11-1965: Viết thư cho người thân ở Cần Thơ. Mong hồi thư...
- Ngày 22-11-1965: Về xã công tác, phát động học tập bức thư của Đảng gửi cho nông dân. Làm việc lo lắng, tích cực nhiều.
- Ngày 19-12-1965: Ngày kỷ niệm toàn quốc kháng chiến, cần rèn luyện cho mình tinh thần chiến đấu cao hơn nữa.
- Ngày 20-12-1965: Kỷ niệm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam lần thứ 5. Trong 5 năm qua, Mặt trận đã lớn mạnh nhiều. M. cũng từ đó, qua sự giáo dục của cách mạng, của Đảng, với nhiệm vụ công tác của mình, M. đã lớn lên về tư tưởng, về công tác. Phải trui rèn nhiều hơn nữa để trở thành con người ở thế hệ Hồ Chí Minh.
Chiến sĩ đã giết nhiều giặc, người giáo viên trên trận tuyến văn hóa cần nỗ lực nhiều hơn với vai trò, nhiệm vụ của mình mà Đảng, nhân dân đã giao cho. (còn tiếp)
Q.H (ghi)
Bài 4: Nỗi lòng người lính già
(*) Quý bạn đọc có thông tin gì thêm về nhân vật trong bài viết, xin vui lòng liên hệ với Báo Bình Dương theo các số ĐT: 0913.950191, 0908.033344, 0919.101167.
KIẾN GIANG