Những bông hoa điển hình ở trường nghề
Giáo viên (GV) dạy nghề là những người trực tiếp giảng dạy cho người học kiến thức, quy trình làm việc thực tế. Chính vì vậy để giúp các em học sinh, sinh viên (HS,SV) thực hành, tự tin khi ra trường, những GV dạy nghề phải nghiên cứu dạy tích hợp, thậm chí “cầm tay chỉ việc”… Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, chúng tôi viết về họ, những GV dạy nghề như một lời tri ân đã đào tạo ra những lớp HS,SV có tay nghề đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh.
(BDO) Thầy NGUYỄN ANH TUẤN: Đào tạo nhiều SV xuất sắc
Vừa qua, trong lĩnh vực dạy - học nghề, UBND tỉnh đã tặng bằng khen cho em Vương Đình Phú, SV trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Singapore. Phú đã xuất sắc đoạt giải III tại Hội thi tay nghề Quốc gia lần thứ IX năm 2016. Thành tích đó của Phú, bên cạnh sự nỗ lực học tập của em còn có sự giúp sức của thầy Nguyễn Anh Tuấn, GV khoa Công nghệ thông tin (CNTT) của trường. Ngoài Phú, thầy Tuấn còn hướng dẫn nhiều HS,SV khác tham dự các hội thi và đạt thành tích cao.
Thầy Nguyễn Anh Tuấn nhận giấy khen của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội vì có thành tích hướng dẫn SV đạt thành tích cao
Nói về con đường trở thành GV, thầy Tuấn tâm sự, thầy sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Tân Định (Bắc Tân Uyên). Học xong lớp 12, thầy học nghề và làm kinh tế nhưng giấc mơ trở thành thầy giáo luôn thôi thúc thầy phải học đại học. Sau đó, thầy đã thi và học Đại học Công nghệ thông tin (Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh). Ra trường từ năm 2006, nhưng đến 2008 thầy mới chính thức là GV của trường Cao đẳng nghề Việt Nam- Singapore. Trong 3 năm đó thầy đi dạy hợp đồng ở nhiều nơi để tích lũy kinh nghiệm giảng dạy tại các trường, trung tâm dạy nghề.
Sau 8 năm gắn bó với trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Singapore, thầy đã đào tạo hàng ngàn SV chuyên ngành CNTT. Nhiều em ra trường đã có việc làm ổn định với mức lương cao tại các đơn vị, doanh nghiệp trong tỉnh. Cũng từ nỗ lực hướng dẫn của thầy, nhiều SV của thầy cũng đã gặt hái thành tích tại hội thi tay nghề cấp tỉnh và toàn quốc. Cụ thể, năm 2012, em Đỗ Văn Thọ đã đoạt giải nhất cấp tỉnh, giải khuyến khích toàn quốc; năm 2014, Nguyễn Văn Báo đoạt giải nhất cấp tỉnh, khuyến khích toàn quốc; năm 2016 có lẽ là năm vui nhất trong quãng thời gian dạy học của thầy khi em Vương Đình Phú xuất sắc đoạt giải nhất cấp tỉnh và giải ba toàn quốc.
Riêng thầy, trong quá trình giảng dạy cũng đã nghiên cứu để đưa những bài giảng tích hợp tham dự hội thi giáo viên dạy nghề cấp tỉnh, hội thi thiết bị đào tạo tự làm cấp tỉnh và toàn quốc để đem về những giải thưởng cao.
Thầy NGUYỄN VĂN HƯNG: Người thầy đam mê sáng tạo
Nhắc đến thầy giáo dạy nghề cơ khí Nguyễn Văn Hưng, HS,SV trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Đồng An đều tỏ ra quý mến. Bởi thầy là người sống nhiệt huyết với nghề và luôn hết lòng giúp đỡ học trò, đặc biệt thầy còn mê sáng tạo để cho ra những thiết bị đào tạo thu nhỏ, hiệu quả trong công tác giảng dạy.
Thầy Hưng là người con của đất miền Trung (Quảng Nam). Tìm cơ hội cho tương lai, thầy vào TP.Hồ Chí Minh xin làm công nhân để có tiền học đại học. Sau giờ tan ca, sau những bữa cơm vội, thầy lại cắp sách đi ôn luyện để tiếp tục được đến trường. Năm 2004, thầy đã đậu vào trường Đại học Sư phạm TP.Hồ Chí Minh.
Sau khi ra trường, thầy xin vào làm tại Công ty SPC (Khu chế xuất Linh Trung, quận Thủ Đức, TP.Hồ Chí Minh) để chờ trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Đồng An xét tuyển GV. Năm 2008, thầy chính thức trở thành GV của trường. Không dừng lại ở tấm bằng đại học, thầy tiếp tục “chinh phục” tấm bằng thạc sĩ chuyên ngành Công nghệ kỹ thuật cơ khí vào năm 2013. Thầy Hưng tâm sự, khi còn là HS thầy luôn mơ ước sẽ được đứng lớp truyền đạt kiến thức cho các em HS. Dạy nghề không chỉ hướng về lý thuyết mà còn phải thực hành nhằm giúp các em tự áp dụng sau khi ra trường. Chính vì phải “cầm tay chỉ việc”, thầy đã nghĩ ra nhiều bài giảng tích hợp vừa dạy lý thuyết vừa áp dụng trên máy để thực hành. Cũng từ những bài giảng của thầy, các em SV đã tiếp thu bài giảng một cách tốt nhất. Do đó, sau khi ra trường các em đã tự tin làm công việc đúng chuyên ngành, nhiều em còn mở cửa hàng kinh doanh riêng.
Song song với giảng dạy, thầy đam mê nghiên cứu, cùng các GV khác chế tạo ra những thiết bị dạy nghề giúp SV dễ hiểu. Những thiết bị đó khi được chọn dự thi đã đoạt giải cao như mô hình “Máy phay CNC 4 trục phục vụ giảng dạy” đoạt giải nhất Hội thi thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc năm 2016. Đây cũng là giải nhất đầu tiên của Bình Dương. Thầy cũng đã tham dự Hội thi giáo viên dạy nghề cấp tỉnh, cấp quốc gia đoạt các giải thưởng. “Mình đã gắn bó với công việc “truyền nghề” này gần 10 năm nên có nhiều niềm vui xen lẫn nỗi buồn. Vui nhất là khi nhận được thông tin của học trò tìm kiếm được việc làm, ổn định cuộc sống. Từ đó càng cho mình thêm động lực tiếp tục làm công tác trồng người”, thầy Hưng tâm sự.
THIÊN LÝ