Những biện pháp an toàn về PCCC cho nhà ống, nhà kín

Thứ bảy, ngày 12/07/2014

Do tốc độ phát triển dân cư đô thị, dịch vụ thương mại tăng nhanh trong khi cơ sở hạ tầng không kịp đáp ứng; một số người dân, doanh nghiệp đã linh hoạt chuyển đổi công năng các công trình nhà ở để mở tiệm tạp hóa, cơ sở sản xuất nhỏ, trung tâm đào tạo ngoại ngữ, trường mầm non, mẫu giáo… nên thường không bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy (PCCC). Bám sát tình hình thực tế này, Sở Cảnh sát PCCC đã triển khai nhiều chuyên đề về an toàn PCCC nhằm trang bị kiến thức PCCC cũng như kỹ năng ứng phó, tồn tại trong đám cháy, chờ lực lượng chuyên nghiệp đến cứu trong trường hợp lối thoát nạn bị bế tắc!

Những bài học đau lòng”!

Vụ cháy tiệm giày MT làm chết 3 người vừa mới xảy ra tại TP.Cần Thơ đã gây xôn xao dư luận, không phải do năng lực chữa cháy yếu kém, mà vì các nạn nhân lâm vào đường cùng, không có lối thoát trong ngôi nhà của chính mình. Thông tin cho biết, khi phát hiện có cháy từ dưới tầng trệt, cả 3 người đang ngủ ở tầng trên đã chạy xuống dưới tìm cách thoát ra bằng cửa chính; bởi ngôi nhà này chỉ có một lối thoát ra duy nhất, không có cửa hậu và không cửa thoát hiểm! Trong khi đám cháy phát sinh giữa nhà, là nơi trưng bày, chứa nhiều giày dép. Bị chặn mất lối ra, các nạn nhân phải chạy ngược lên tầng một để tìm nơi “an toàn nhất”, chờ lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp đến tiếp cứu! Có lẽ, theo họ thì nơi “an toàn nhất” được lựa chọn là nhà tắm; bởi trong phút chốc hoảng loạn thì “nhà tắm có nước, sẽ an toàn hơn khi lửa ập đến”! Và điều rất đau lòng đã xảy ra; khi lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp có mặt để cứu người bị nạn, người ta đã chứng kiến cảnh tượng cả 3 thành viên trong gia đình đã ôm nhau chết ngay tại nơi được cho là “an toàn nhất” này! Trong khi đó, 5 nhân viên ngủ lại trong tiệm giày, khi phát hiện có cháy đã liều mình đu lan can nhảy sang nhà kế bên tìm đường thoát, có người đã bám vào thân cây cao phía trước chờ cảnh sát đến giải cứu… thì được sống.

Hội thao phối hợp công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Ảnh: D.CHÍ

Một bài học giá trị khác đã xảy ra tại một phường đông dân cư ở TX.Thuận An cách đây vài năm, khi cả gia đình đang ngon giấc trong ngôi nhà cũng là xưởng sản xuất nệm mút thì người giúp việc phát hiện cháy! Trong khi cửa chính đã bị khóa chặt! Họ dồn xuống đây chờ chủ nhà tìm mở khóa thoát ra nhưng đêm tối, tình huống lại khẩn cấp, chìa thì nhiều mà ổ khóa chỉ có một, khói lửa đang ngùn ngụt bốc lên. Tất cả họ đã thiệt mạng vì ngạt khói! Lúc mọi người xông vào cứu chữa đã rất đau lòng khi nhìn thấy cảnh chủ nhà nằm chết mà vẫn còn nắm chặt trong tay cả chùm… chìa khóa!

Đề cao ý thức, trách nhiệm

Tại các buổi tuyên truyền về biện pháp an toàn do Sở Cảnh sát PCCC phối hợp cùng với các địa phương, đơn vị; ngoài việc giới thiệu các quy định pháp luật về bảo đảm an toàn PCCC, các báo cáo viên chuyên trách đưa ra nhiều tình huống cụ thể, kỹ năng thoát hiểm… giúp người dân dễ dàng nhận biết, nâng cao tinh thần trách nhiệm đối với việc bảo đảm an toàn cho gia đình, cộng đồng. Nếu chỉ có một số gia đình làm tốt công tác PCCC nhưng họ lại sống cạnh một hộ chủ quan, lơ là thiếu trách nhiệm thì nguy cơ mất an toàn cháy vẫn rất cao.

Đại tá LÊ ANH VIỆT, Phó Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC: Phần lớn các cơ sở đào tạo, tiệm tạp hóa là nhà ống, nhà kín

Phần lớn các cơ sở đào tạo tin học, ngoại ngữ, trường mầm non, mẫu giáo là công trình nhà ở được hoán cải nên không bảo đảm an toàn PCCC. Do là công trình nhà ở nên thường thiếu lối thoát nạn, thoát hiểm, không bảo đảm thiết kế an toàn về PCCC, lại tập trung đông người vào sinh hoạt; bên trong có nhiều máy móc, thiết bị tiêu hao năng lượng lớn, tiềm ẩn nguy cơ cháy khá cao. Trong công tác tuyên truyền, kiểm tra cần phải tập trung hướng dẫn và xử lý đúng quy định các trường hợp: Không có thiết bị chữa cháy hoặc có mà không phát huy tác dụng; không lối thoát nạn, thoát hiểm hoặc có nhưng lại bị che lấp, lấn chiếm, không có đội PCCC tại chỗ…

Lý giải vì sao trong các đám cháy có người chết, lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp thường phát hiện phần lớn nạn nhân chết trong nhà tắm, cầu thang bộ đối với nhà cao tầng!? Theo các cán bộ tuyên truyền: “Đó là tâm lý, là suy nghĩ rất bình thường khi chúng ta chưa được trang bị kiến thức về PCCC cũng như kỹ năng tồn tại trong đám cháy để chờ được tiếp cứu”. Suy nghĩ đó là ở đâu có nước ở đó sẽ hạn chế được lửa vì “lửa sợ nước”! Suy nghĩ này có phần đúng nhưng trong tình huống này là sai; vì nhà tắm thường được thiết kế tận trong cùng, không đường tiếp cận, kể cả trong trường hợp được ứng cứu kịp thời cũng rất nhiều khó khăn cho công tác cứu nạn, cứu hộ. Còn tại các cửa thoát hiểm, cầu thang bộ, thang máy… khi có cháy thì nơi đây thường tập trung rất nhiều khói và khí độc! Vì vậy, trước các tình huống khẩn cấp, chúng ta cần phải hết sức bình tĩnh xử trí: Ép sát người vào chân tường để hạn chế khí độc, khói độc tấn công, tránh bị người khác chen nhau giẫm đạp. Khom người thấp xuống để di chuyển, vì khi cháy thì luồng khí độc bốc lên rất mạnh, nếu không làm thế “sẽ dễ chết ngạt trước khi chết cháy”! Tìm cách thoát ra khỏi đám cháy một khoảng cách nhất định để được tồn tại, trong khi chờ lực lượng chuyên nghiệp đến cứu. Tránh hoảng loạn, mất bình tĩnh, tìm đường thoát mà không xác định được lối thoát, bị lạc trong đám cháy…?!

Để không xảy ra tình huống đáng tiếc, những bài học đau xót nêu trên, lực lượng tuyên truyền của Sở Cảnh sát PCCC khi báo cáo chuyên đề về PCCC cho các cửa hàng kinh doanh xăng dầu, tiệm tạp hóa, cơ sở sản xuất, trung tâm đào tạo tin học ngoại ngữ, trường mầm non, mẫu giáo… đã khuyến cáo: Phải bảo đảm các điều kiện an toàn về PCCC như sắp xếp hàng hóa,vật dụng ngăn nắp, không che lấp các ổ cắm điện, lối đi. Phải quản lý chặt các nguồn phát nhiệt, chất dễ cháy; bảo đảm có đủ cửa thoát nạn, thoát hiểm, đèn hướng dẫn thoát hiểm theo quy định. Cần bảo đảm trang thiết bị, phương tiện chữa cháy có sẵn tại chỗ như bình chữa cháy xách tay, vòi nước chữa cháy; đồng thời phải thường xuyên tập huấn, kiểm tra kỹ thuật, nghiệp vụ cho đội chữa cháy tại chỗ theo quy định, kết hợp thực tập các phương án, sẵn sàng ứng phó trước tình huống khẩn cấp…

UBND phường Tân An, TP.TDM vừa phối hợp với Phòng Cảnh sát PCCC Thủ Dầu Một và Tạp chí PCCC - Trường Đại học PCCC tổ chức tập huấn PCCC năm 2014 cho các hộ buôn bán tạp hóa, xăng dầu, kinh doanh nhà trọ cùng lực lượng dân quân thường trực, dân phòng tại địa phương.

Tập huấn sử dụng thiết bị chữa cháy tại chỗ cho lực lượng PCCC ở cơ sở

Đại diện Tạp chí PCCC đã triển khai chuyên đề “Tồn tại và thoát hiểm trong đám cháy tại các nơi đông người, tòa nhà cao tầng” nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng phòng cháy, chữa cháy ban đầu, thoát hiểm và tồn tại trong các đám cháy lớn, chờ lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp đến ứng cứu. Để không phải đối mặt với những tình huống nguy hiểm, các chuyên gia về PCCC yêu cầu mọi người, mọi tổ chức, cá nhân cần nâng cao ý thức phòng cháy, kiểm soát tốt nguồn nhiệt, vật dụng dễ cháy bằng cách sắp xếp ngăn nắp, khoa học, chuẩn bị phương tiện tại chỗ sẵn sàng chữa cháy khi có tình huống xảy ra.

Kết thúc buổi tập huấn Phòng Cảnh sát PCCC Thủ Dầu Một đã tổ chức cho những người tham dự ký cam kết bảo đảm an toàn PCCC năm 2014.

 

DUY CHÍ