Những bệnh thường gặp mùa nắng nóng

Thứ năm, ngày 27/03/2014
Thời tiết nắng nóng làm bùng phát một số bệnh, đặc biệt là đối với trẻ em. Nhằm giúp bạn đọc có những hiểu biết để chăm sóc tốt sức khỏe cho trẻ trong những ngày nắng nóng, chúng tôi xin giới thiệu ý kiến tư vấn của bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Thị Minh Nguyệt, khoa Nhi, BVĐK tỉnh.

Thời tiết nắng nóng và ẩm ướt tạo điều kiện cho vi trùng, virus, ký sinh trùng phát triển, làm bùng phát một số bệnh. Trẻ em là đối tượng dễ mắc bệnh bởi chưa có ý thức phòng tránh bệnh, mặt khác sức đề kháng của trẻ không cao như lứa tuổi khác.

Các bệnh thường gặp trong mùa nắng nóng gồm các bệnh lý về đường hô hấp như: viêm đường hô hấp trên (viêm mũi, viêm họng, viêm amydan, viêm tai giữa, viêm xoang…), viêm đường hô hấp dưới (viêm phế quản, viêm tiểu phế quản, viêm phổi, hen phế quản…), bệnh về đường tiêu hóa (tiêu chảy cấp, hội chứng lỵ…) và các bệnh truyền nhiễm khác (thủy đậu, rôm sảy, bệnh chốc, nhọt da…).

Viêm đường hô hấp: Do thời tiết quá nóng nực nên các bà mẹ sử dụng quạt hoặc máy lạnh quá nhiều dẫn đến khô chất nhầy đường hô hấp, trẻ nhỏ chơi quá lâu ngoài nắng, trẻ đi học không đội nón…

Triệu chứng của bệnh là trẻ sốt, ho, khò khè, đau họng, sổ mũi, có thể trẻ thở nhanh hoặc thở khó…

Tiêu chảy cấp: Thời tiết nóng nực làm thức ăn, nước uống dễ bị nhiễm khuẩn. Triệu chứng biểu hiện là trẻ sốt nhẹ hoặc sốt cao, ói, tiêu phân tóe nước, hoặc phân có đờm máu, trẻ có thể đau bụng kèm mót rặn…

Bệnh thủy đậu: Bóng nước nổi trên da với nhiều kích thước không đồng đều, có nốt bóng nước trong, có nốt trắng đục… kèm ngứa, trẻ có thể không sốt hoặc sốt nhẹ, sốt cao.

Rôm sảy: Nổi trên da các nốt đỏ li ti gây ngứa ở các vùng nhiều mồ hôi như cổ, lưng, ngực…

Bệnh chốc: Nổi trên da là các bọng nước có kích thước vài mm, sau đó vỡ thành vết chợt đỏ, đóng vảy. Dịch mủ có thể lan ra các vùng khác trên cơ thể. Bệnh do liên cầu khuẩn gây ra.

Để phòng bệnh mùa nắng nóng tốt nhất là thực hiện tốt vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm. Không uống nước chưa được đun sôi, nước giải khát không có nguồn gốc, không ăn các loại thực phẩm chưa được nấu chín như gỏi cá, nem chua…, hạn chế ăn hàng rong vỉa hè. Không nên sử dụng quạt máy quạt thẳng vào người quá lâu, hạn chế ra đường quá lâu lúc trời nắng nóng, hạn chế môi trường có sự thay đổi không khí nóng lạnh đột ngột như từ môi trường bên ngoài nắng nóng vào phòng máy lạnh ngay…

Các bậc phụ huynh cũng cần vệ sinh thân thể cho bé hàng ngày để phòng tránh các bệnh về da.

Cần tiêm phòng một số bệnh cho trẻ như: sởi, quai bị, thủy đậu, ngừa tiêu chảy do Rotavirus, chích ngừa cúm hàng năm…

ĐỨC LÊ (thực hiện)