Những bệnh thường gặp mùa nắng nóng
Thời tiết nắng nóng, đan xen giữa những cơn mưa bất thường, sẽ là nguyên nhân khiến trẻ dễ mắc bệnh như: say nắng, cảm cúm, cảm lạnh, viêm phế quản, viêm họng, tiêu chảy... vì trẻ có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện và đặc biệt là có sức đề kháng kém sẽ rất dễ mắc bệnh.
Một số bệnh thường gặp
Theo bác sĩ Vương Huỳnh Diễm Trang, Phó Trưởng khoa Nhi BVĐK tỉnh cho biết, trong những ngày qua số trẻ nhập viện tăng với các bệnh thường gặp như: sốt virut, sốt phát ban, tiêu chảy cấp, viêm phổi...
Nên cho trẻ đi bác sĩ khám và điều trị, nếu trẻ có biểu hiện sốt, ho, sổ mũi... (ảnh minh họa)
Sốt là triệu chứng của nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó sốt virut, sốt phát ban là những biểu hiện thường gặp ở trẻ nhiều nhất. Sốt do virut khiến trẻ sốt cao, biếng ăn, nằm li bì. Còn sốt phát ban thì trẻ thường có biểu hiện sốt, ho, sổ mũi và xuất hiện nhiều ban đỏ lúc đầu ở mặt, sau đó lan xuống bụng rồi xuống chân. Trẻ sốt phát ban thường không sốt cao, co giật, vì vậy phụ huynh không được chủ quan mà phải theo dõi thường xuyên để tránh bệnh diễn biến nặng và dẫn tới nhiều biến chứng.
Bệnh tiêu chảy cấp là bệnh cũng thường gặp ở trẻ em nhất và gây nguy cơ tử vong cũng cao. Tác nhân gây tiêu chảy có thể là vi sinh vật gây bệnh như vi khuẩn (lỵ, thương hàn, tả...) hoặc virut, nấm, ký sinh trùng đường ruột. Do thời tiết nắng nóng nên thức ăn rất dễ bị oi thiu, vì vậy phụ huynh hết sức quan tâm đến việc lựa chọn thực phẩm và bảo vệ thức ăn hàng ngày.
Bệnh sốt xuất huyết Dengue cũng rất dễ xảy ra, do muỗi vằn truyền bệnh từ người bệnh sang người lành. Trẻ vui chơi ở những nơi có muỗi mang mầm bệnh sốt xuất huyết Dengue hoặc ngủ không mắc mùng rất dễ mắc bệnh, nhất là lúc sáng sớm và chiều tối là lúc muỗi vằn hoạt động hút máu mạnh nhất. Khi bị sốt xuất huyết trẻ thường sốt cao, đau mỏi người, đau đầu, sau đó các triệu chứng xuất huyết dần xuất hiện. Xuất huyết có thể tự nhiên dưới dạng chấm, nốt, bầm tím hoặc chảy máu cam, chân răng... Nếu không được điều trị đúng và đầy đủ rất dễ dẫn đến tử vong.
Viêm phế quản cấp, trong đó ho là triệu chứng chủ yếu thường gặp, lúc đầu trẻ bị ho khan, ho từng cơn và thường ho vào ban đêm, sau đó có sốt nhẹ, trẻ lớn có thể thấy đau ngực. Bệnh viêm phế quản cấp là bệnh nhẹ nhưng hay mắc phải, đa số bệnh khỏi sau một tuần, bệnh có thể tái phát và có biến chứng như viêm phổi, viêm tai giữa. Để bảo đảm chế độ dinh dưỡng, các bà mẹ vẫn duy trì chế độ ăn có nhiều vitamine, muối khoáng, ăn nhiều hoa quả, ăn tăng cường nếu trẻ trong thời kỳ ăn dặm, cho trẻ nằm nơi thoáng mát...
Phòng bệnh
Để phòng các bệnh thường gặp vào mùa nắng nóng, bác sĩ Diễm Trang khuyên các phụ huynh nên lưu ý đến chế độ dinh dưỡng cho trẻ, nếu được bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, sức đề kháng sẽ tăng làm giảm nguy cơ mắc bệnh. Khi trẻ sốt nên để trẻ nằm những nơi thoáng mát, mặc quần áo mỏng. Để trẻ hạ sốt, phụ huynh nên lau người bằng khăn với ấm, uống thuốc hạ sốt. Nếu trẻ có biểu hiện sốt cao trở lại sau khi đã uống thuốc hạ sốt thì nên đến cơ sở y tế để được bác sĩ khám và điều trị kịp thời.
Khi trẻ bị tiêu chảy, các phụ huynh việc đầu tiên cần phải làm là cho trẻ uống nước Oresol, không nên bắt trẻ phải nhịn ăn, tiếp tục cho trẻ bú mẹ nếu trẻ đang trong thời kỳ bú. Khi trẻ khỏi nên cho trẻ ăn tăng bữa để trẻ lấy lại được sự cân bằng nhanh chóng. Không được uống bất cứ loại thuốc nào nếu như không được bác sĩ chỉ định.
Đồng thời phải giữ vệ sinh môi trường luôn sạch sẽ, thông thoáng. Cần quan tâm đến an toàn vệ sinh thực phẩm, nên cho trẻ ăn chín, uống chín. Phải vệ sinh mũi hàng ngày cho trẻ nếu trẻ bị viêm đường hô hấp trên. Ngoài ra, để phòng bệnh sốt xuất huyết, không gì tốt hơn là phun thuốc diệt muỗi, phát quang bụi rậm, ngủ mùng... Cần tiêm vắc-xin phòng ngừa bệnh cho trẻ, nhất là các bệnh thường gặp mùa nắng nóng.
T.PHƯƠNG