Những bản đờn cổ nhạc
Thứ bảy, ngày 08/04/2017
Bản đờn là những ký hiệu âm nhạc (nhạc giới thường gọi là chữ nhạc) được ghi chép hoặc in ấn theo thang âm ngũ cung: Hò - xự - xang - xê - cống của âm nhạc tài tử . Hơn một thế kỷ tồn tại và phát triển, đờn ca tài tử Nam bộ được nhiều thế hệ nghệ nhân cải soạn và sáng tác bản đờn . Không chỉ là các nghệ nhân thuộc nhóm cổ nhạc miền Đông và Tây Nam bộ, nhóm cổ nhạc Bạc Liêu… rất nhiều nghệ nhân đã kết hợp âm nhạc dân gian Nam bộ (Dân ca , Nhạc lễ) với nhạc Huế để sáng chế ra những bản nhạc tài tử - cải lương được lưu truyền cho đến ngày hôm nay. Xin giới thiệu quý độc giả những bản đờn do nhạc sĩ Hoàng Thành và NNƯT Lê Khắc Tùng biên soạn.
1. Lý đồng quê
Khoảng năm 1978, khi đó huyện Hóc Môn, TP.Hồ Chí Minh (quê hương của NNƯT Lê Khắc Tùng) chưa đô thị hóa. Trên quê hương Hóc Môn, đâu đâu cũng bạt ngàn đồng lúa xanh ngút ngàn, bất tận. Trước cảnh vật quê hương đầy thơ mộng, tức cảnh sinh tình, NNƯT Lê Khắc Tùng sáng tác điệu “Lý đồng quê” trong bài vọng cổ nhịp 32 “Màu nắng tôi yêu” (19-3-1978). Sau khi ra đời, nó được nghệ sĩ Vũ Minh Vương thu âm, phát sóng trên Đài Tiếng nói Nhân dân TP.Hồ Chí Minh và được người ái mộ yêu thích cho đến ngày hôm nay.
2. Lý vườn rau
Khoảng năm 1985, thời tiết khắc nghiệt, hạn hán kéo dài, khiến cho cuộc sống của người dân Hóc Môn vô cùng khó khăn, vất vả. Đồng ruộng thì khô nứt nẻ, nhưng những vườn rau muống vẫn tươi tốt, trổ hoa. Hình ảnh ấy khiến NNƯT Lê Khắc Tùng suy nghĩ: Muốn cuộc sống bớt vất vả, khó khăn, con người phải biết cố gắng vươn lên. Từ suy nghĩ đó, ông sáng tác điệu “Lý vườn rau” trong bài vọng cổ “Loài hoa tôi yêu” mà sau này được phổ biến khắp quê hương Nam Bộ, được công chúng ấn tượng qua phần thể hiện của hai giọng ca vàng của NSND Trọng Hữu và NSND Lệ Thủy. Từ đó, nhạc mục tài tử - cải lương có thêm một làn điệu trữ tình, sâu lắng.
3. Lý vườn trầu
Thập niên 80, 90 của thế kỷ 20, huyện Hóc Môn bắt đầu đô thị hóa. Diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, thay vào đó là những nhà máy, xí nghiệp mọc lên. Với tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng và vì sợ mất những vườn trầu, NNƯT Lê Khắc Tùng sáng tác điệu Lý vườn trầu trong bài vọng cổ “Đẹp mãi tình xưa” do Hoàng đế đĩa nhựa Tấn Tài thể hiện để lưu lại tình cảm của con người đối với Hóc Môn, quê hương của những vườn trầu, cây cau. Đồng thời, muốn ghi nhớ công lao của người dân Hóc Môn trong hai cuộc kháng chiến đấu tranh giành độc lập dân tộc. Vì xứ sở anh hùng này, trong thời kỳ kháng chiến có nhiều nhân vật cách mạng như: Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Văn Cừ, Phan Đăng Lưu, Hà Huy Tập… được bà con Hóc Môn nuôi dưỡng. Lý vườn trầu ra đời, góp phần tạo cho âm nhạc tài tử - cải lương thêm sinh động, phong phú.
4. Lý Mỹ Trà
Lý Mỹ Trà do danh cầm Hoàng Thành sáng tác. Hoàn cảnh ra đời của điệu cổ nhạc này được tác giả Hoàng Thành chia sẻ: “Thập niên 1980, trong một buổi ghi hình vở cải lương (tôi quên mất tựa đề) tại Hãng phim Tây Đô của Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Cần Thơ, NSƯT Mỹ Châu có nói, lúc đi hát ở vùng Mỹ Trà của tỉnh Đồng Tháp, khi ở nhà dân, cô có nghe người chủ nhà hát ru con một điệu hát rất hay. Sau đó, Mỹ Châu nói với tôi: “Em sẽ xướng âm bằng miệng nhờ anh ký âm ra chữ đờn để vận dụng vào tình huống của vở diễn”. Sau khi Mỹ Châu xướng âm xong, tôi ký âm lại và thêm thắt, bổ sung chữ nhạc (tức chữ đờn) một vài chỗ và hoàn thành bản đờn. Khi đó, chúng tôi chưa biết đặt tên cho bản đờn này là gì, cuối cùng chúng tôi thống nhất đặt tên là Lý Mỹ Trà, đánh dấu kỷ niệm NSƯT Mỹ Châu đi hát ở Mỹ Trà”. Càng về sau, điệu
Lý Mỹ Trà được phổ biến khá nhiều trong các bài ca vọng cổ và vở diễn cải lương.
Lý Mỹ Trà được phổ biến khá nhiều trong các bài ca vọng cổ và vở diễn cải lương.
Với giai điệu mượt mà, dạt dào tình cảm, cho đến hôm nay, những điệu cổ nhạc vừa kể trên vẫn được người ái mộ ưa chuộng, vẫn hiện hữu trong nhạc giới tài tử - cải lương.
Thạc sĩ PHẠM THÁI BÌNH