Những “bài hịch” bất hủ - Bài 4

Thứ năm, ngày 01/09/2016

Bài 4: Hãy giương cao ngọn cờ chói lọi của Đảng…

(BDO)

 Tối ngày 9-3, phát xít Nhật tiến hành cuộc đảo chính hất cẳng Pháp. Ngay lập tức, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã họp mở rộng và sau đó ra bản Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” vào ngày 12-3-1945. Bản chỉ thị kêu gọi: “Các đồng chí! Hãy giương cao lá cờ chói lọi của Đảng; gắng vượt mọi khó khǎn, nguy hiểm... Thắng lợi cuối cùng nhất định về tay chúng ta!”.

 Đầu tháng 5-1945, Bác Hồ từ Cao Bằng về Tuyên Quang, chọn Tân Trào làm căn cứ chỉ đạo cách mạng cả nước và chuẩn bị Quốc dân đại hội. Trong ảnh: Đình Tân Trào, nơi diễn ra Quốc dân đại hội ngày 16 và 17-8-1945. Ảnh: T.L

Đầu năm 1945, chiến tranh thế giới thứ hai bước vào giai đoạn kết thúc, phe phát xít liên tiếp thất bại trên các chiến trường, Pháp được giải phóng, chính quyền Đờ Gôn lên cầm quyền. Ở mặt trận Thái Bình Dương, Nhật bị khốn đốn. Ở Đông Dương, thực dân Pháp muốn nhân cơ hội đó ngóc đầu dậy. Để trừ hậu họa về sau, phát xít Nhật bất ngờ làm cuộc đảo chính vào đêm 9-3- 1945. Hầu như không gặp phải một sự kháng cự đáng kể nào, quân Nhật nhanh chóng chiếm được Phủ toàn quyền, giam giữ Toàn quyền Đông Dương và hầu hết các quan chức cao cấp của thực dân Pháp. Bằng một hành động thống nhất trên toàn Đông Dương, trong đêm 9-3, quân Nhật đồng loạt nổ súng và căn bản nhanh chóng đè bẹp sự kháng cự của đối phương. Đến chiều ngày 10-3, quân Pháp đầu hàng, phát xít Nhật làm chủ các vùng đô thị lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Sài Gòn và nhiều tỉnh lỵ…

Ngay trong đêm 9-3, Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng mở rộng quyết định phát động một cao trào cách mạng làm tiền đề cho tổng khởi nghĩa, thay đổi các hình thức tuyên truyền, cổ động, tổ chức và đấu tranh cho thích hợp; ra bản Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Chỉ thị nhận định: “Chính biến ngày 9-3-1945 là một cuộc đảo chính, mục đích là truất quyền Pháp, tước khí giới của Pháp, chiếm hẳn lấy Đông Dương làm thuộc địa riêng của chủ nghĩa đế quốc Nhật” và Nhật đảo chính Pháp vì: “Hai con chó đế quốc không thể ǎn chung một miếng mồi béo như Đông Dương; Tàu, Mỹ sắp đánh vào Đông Dương, Nhật phải hạ Pháp để trừ cái họa bị Pháp đánh sau lưng khi quân Đồng minh đổ bộ; sống chết, Nhật phải giữ lấy cái cầu trên con đường bộ nối liền các thuộc địa miền Nam Dương với Nhật; vì sau khi Phi Luật Tân bị Mỹ chiếm, đường thủy của Nhật đã bị cắt đứt”.

Trong chỉ thị, Trung ương Đảng cho rằng, từ cuộc đảo chính ngày 9-3, “Hai quân cướp nước cắn xé nhau chí tử. Chính quyền Pháp tan rã. Chính quyền Nhật chưa ổn định. Các từng lớp đứng giữa hoang mang. Quần chúng cách mạng muốn hành động”. Mặc dù vậy, Trung ương Đảng nhận định: “Điều kiện khởi nghĩa chưa thực chín muồi vì tuy giữa hai bọn thống trị Nhật, Pháp có sự chia rẽ đến cực điểm; tuy hàng ngũ bọn Pháp ở Đông Dương hoang mang, tan rã đến cực điểm; nhưng xét riêng bọn thống trị Nhật, ta thấy chúng chưa chia rẽ, hoang mang, do dự đến cực điểm...”.

Chỉ thị cũng đề ra sự thay đổi trong chiến thuật của Đảng. Lúc này, đế quốc Pháp đã mất quyền thống trị ở Đông Dương, không phải là kẻ thù cụ thể trước mắt nữa, nhưng vẫn phải đề phòng chúng khôi phục quyền thống trị ở Đông Dương. Sau cuộc đảo chính, đế quốc phát xít Nhật là kẻ thù chính - kẻ thù cụ thể trước mắt, duy nhất của nhân dân. Do đó, khẩu hiệu chính được thay đổi và toàn bộ chiến thuật thay đổi; đó là cương quyết tẩy trừ những khẩu hiệu và hình thức tranh đấu cũ, chuyển qua những hình thức tuyên truyền, tổ chức và đấu tranh mới.

Chỉ thị nhấn mạnh: “Đem khẩu hiệu “Đánh đuổi phát xít Nhật!” thay cho khẩu hiệu “Đánh đuổi Nhật, Pháp!”..., chống lại chính quyền Nhật và chính phủ bù nhìn của bọn Việt gian thân Nhật. Chuyển trục tâm tuyên truyền vào hai vấn đề: Nhật không giải phóng cho ta, trái lại tǎng gia áp bức bóc lột ta; Nhật không thể củng cố chính quyền ở Đông Dương và nhất định chúng sẽ bị tiêu diệt. Thay đổi mọi hình thức tuyên truyền, cổ động, tổ chức và tranh đấu cho hợp với thời kỳ tiền khởi nghĩa; động viên mau chóng quần chúng nhân dân lên mặt trận cách mạng, tập dượt cho quần chúng mạnh dạn tiến lên tổng khởi nghĩa. Phát động một cao trào kháng Nhật cứu nước mạnh mẽ để làm tiền đề cho cuộc tổng khởi nghĩa. Cao trào ấy có thể bao gồm từ hình thức bất hợp tác, bãi công, bãi thị, phá phách, cho đến những hình thức cao như biểu tình thị uy võ trang, du kích. Sẵn sàng chuyển qua hình thức tổng khởi nghĩa một khi đã đủ điều kiện (ví dụ khi quân Đồng minh bám chắc và tiến mạnh trên đất ta)”.

Sau khi Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” được ban hành, từ tháng 4-1945 trở đi, cao trào kháng Nhật, cứu nước diễn ra mạnh mẽ, phong phú về nội dung và hình thức. Đầu tháng 5-1945, Bác Hồ từ Cao Bằng về Tuyên Quang, chọn Tân Trào làm căn cứ chỉ đạo cách mạng cả nước và chuẩn bị Đại hội Quốc dân. Ngày 4-6-1945, Khu giải phóng Việt Bắc được thành lập, đặt dưới sự lãnh đạo của Ủy ban chỉ huy lâm thời, trở thành căn cứ địa của cả nước. Tháng 8-1945, Hội nghị đại biểu toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào (Tuyên Quang) khẳng định “cơ hội rất tốt cho ta giành độc lập đã tới” và quyết định phát động toàn dân khởi nghĩa giành chính quyền từ tay phát xít Nhật và tay sai trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương…

Chỉ thị cũng vạch ra những công việc cần kíp về nhiệm vụ tuyên truyền như khẩu hiệu “Chống chính quyền của Nhật và của bọn Việt gian thân Nhật; nêu khẩu hiệu “Chính quyền cách mạng của nhân dân”; chuyển qua những hình thức tuyên truyền cổ động mạnh bạo hơn, như mít tinh diễn thuyết có cờ, bǎng rôn, áp phích, truyền đơn, bươm bướm; những cuộc hát đồng thanh và thao diễn; triển lãm sách báo, tranh ảnh, vũ khí; thành lập những đội “tán phát xung phong”, đội “tuyên truyền xung phong” công khai diễn thuyết… Về tranh đấu, chỉ thị gắn khẩu hiệu đòi cơm áo, chống thu thóc, thu thuế với khẩu hiệu “Chính quyền cách mạng của nhân dân”; bám lấy nạn đói mà cổ động quần chúng lên đường tranh đấu (tổ chức những cuộc biểu tình đòi gạo, đòi ǎn hay phá những kho gạo thóc của đế quốc); chuyển qua những hình thức tranh đấu cao hơn như tổng biểu tình tuần hành, bãi công chính trị; mít tinh công khai, bãi khóa, bãi thị, bất hợp tác với Nhật về mọi phương diện, chống thu thóc không nộp thuế; tước vũ khí; phát động du kích. Về tổ chức, chỉ thị yêu cầu mở rộng cơ sở Việt Minh, tổ chức quân sự, tổ chức “Ủy ban quân sự cách mạng”, tổ chức chính quyền.

Đặc biệt, trong Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, Trung ương Đảng xác định rất rõ ràng: “Song dù sao ta không thể đem việc quân Đồng minh đổ bộ vào Đông Dương làm điều kiện tất yếu cho cuộc tổng khởi nghĩa của ta; vì như thế là ỷ lại vào người và tự bó tay trong khi tình thế biến chuyển thuận tiện. Nếu cách mạng Nhật bùng nổ và chính quyền cách mạng của nhân dân Nhật thành lập hay nếu giặc Nhật mất nước như Pháp nǎm 1940 và quân đội viễn chinh của Nhật mất tinh thần, thì khi ấy dù quân Đồng minh chưa đổ bộ, cuộc tổng khởi nghĩa của ta vẫn có thể bùng nổ và thắng lợi”.

Việc ra Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” vào ngày 12-3- 1945 đã phản ánh rất rõ khả năng phân tích và nghệ thuật nắm bắt thời cơ của Đảng ta. Những quyết định sáng suốt của Đảng đã đóng vai trò cực kỳ quan trọng khi đã nhân lên sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trực tiếp dẫn đến thành công của cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945. (còn tiếp)

THÀNH SƠN