Những “bài hịch” bất hủ - Bài 1

Thứ hai, ngày 29/08/2016

(BDO)  LTS: Chào mừng kỷ niệm 71 năm Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh (2-9), từ số báo hôm nay, Báo Bình Dương xin trân trọng gửi đến bạn đọc loạt bài viết về một số văn kiện, chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của Trung ương Đảng kể từ khi Người về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng vào năm 1941. Chúng tôi xin gọi là những “bài hịch” vì không chỉ đơn thuần là những văn kiện chỉ đạo cách mạng, đây còn là những áng hùng văn có sức lan tỏa và lay động lòng người, thôi thúc triệu triệu trái tim người dân đất Việt vùng lên tổng khởi nghĩa giành chính quyền, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra thời kỳ phát triển mới của cách mạng Việt Nam, từng bước đưa dân tộc Việt Nam đi tới những mùa xuân tươi thắm… 

Bài 1: Thư gửi đồng bào năm 1941 - Tiếng gọi thiêng liêng

“Hỡi tất cả các phú hào, binh sĩ, thợ thuyền, dân cày, nhà buôn, công chức, thanh niên, phụ nữ một lòng yêu nước! Giờ đây công cuộc giải phóng dân tộc là cao hơn tất cả! Chúng ta phải đoàn kết lại, đánh đổ Pháp, Nhật và tay sai của chúng để cứu dân ta khỏi vòng nước sôi, lửa bỏng… Thời cơ đã đến! …Tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc đang vang dội bên tai chúng ta!...”. Đây có thể coi là những lời của núi sông đã được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc viết trong Thư gửi đồng bào vào ngày 6-6-1941, sau khi Mặt trận Việt Minh ra đời.

 Lán Khuổi Nậm, Pác Bó (Cao Bằng) nơi diễn ra Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 (tháng 5-1941) do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chủ trì. Ảnh: T.L

 Mở đầu Thư gửi đồng bào, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã gửi lời hiệu triệu tới các vị phụ lão, các vị chí sĩ, cùng các giới sĩ, nông, công, thương, binh và toàn thể đồng bào rồi nêu bật bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế: “Từ khi Pháp mất về tay Đức, thế lực của chúng hoàn toàn tan rã. Nhưng đối với dân ta, chúng lại càng ra sức vơ vét thậm tệ, hút hết máu mủ, thẳng tay đàn áp, tàn sát bạo ngược. Đối ngoại thì chúng cúi đầu uốn gối, cam chịu cắt đất đai của ta cho Xiêm-la; ngậm hơi nuốt nhục, cúi dâng ngay quyền lợi của ta cho Nhật, vì thế dân ta rên xiết dưới 2 tầng áp bức, đã làm ngựa trâu cho quân giặc Pháp, lại làm nô lệ cho quân Nhật… Than ôi! Dân ta có tội tình gì mà phải kiếp trầm luân dường ấy… Dân ta chịu bó tay chờ chết hay sao?” và Người khẳng định: “Không, quyết không! Hơn 20 triệu con Hồng cháu Lạc quyết không chịu làm nô lệ mãi…”.

Như đã biết, trước biến động sâu sắc của tình hình thế giới nói chung, đặc biệt là phong trào đánh Pháp, đuổi Nhật của nhân dân ta đang trên đà phát triển, với danh nghĩa đại diện Quốc tế Cộng sản, tháng 5-1941, Nguyễn Ái Quốc đã triệu tập và chủ trì Hội nghị lần thứ 8 của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương. Hội nghị đã làm việc từ ngày 10 đến 19-5-1941 tại một cái lán bên dòng Khuổi Nậm (Pác Bó). Trên cơ sở phân tích sâu sắc tình hình, đặc biệt là tình hình kinh tế, chính trị, xã hội trong nước, hội nghị đề cập nhiều vấn đề quan trọng, như: Cuộc cách mạng hiện tại là cuộc cách mạng “giải phóng dân tộc”; kẻ thù chính của nhân dân là “phát xít Pháp - Nhật và các lực lượng phản cách mạng tay sai cho chúng”; nguyện vọng của nhân dân lúc này là “đánh đuổi Pháp - Nhật, làm cho xứ Đông Dương độc lập”… Hội nghị nhất trí cần giương cao ngọn cờ độc lập và có sự thay đổi cả về chiến lược, sách lược cách mạng nhằm động viên toàn dân cho việc thực hiện thắng lợi mục tiêu lớn lao ấy. Nghị quyết hội nghị nêu rõ: “Trong lúc này quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc. Trong lúc này, nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”.

Trên cơ sở những kinh nghiệm thực tiễn đã được tổng kết qua việc tổ chức thí điểm các hội quần chúng như: Thanh niên cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc… ở Cao Bằng, theo đề nghị của Nguyễn Ái Quốc, hội nghị đã quyết định thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất rộng rãi mang tên Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Mặt trận Việt Minh). Ngày 19-5-1941, Mặt trận Việt Minh chính thức ra đời với Tuyên ngôn và chương trình cụ thể, nêu rõ những chính sách cơ bản về chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, xã hội, ngoại giao và các chính sách cụ thể đối với các tầng lớp nhân dân nhằm liên hiệp hết thảy các giới đồng bào yêu nước, không phân biệt giàu nghèo, già trẻ, gái trai, không phân biệt tôn giáo và xu hướng chính trị, cùng nhau làm cho nước Việt Nam được hoàn toàn độc lập; làm cho nhân dân Việt Nam được hoàn toàn sung sướng, tự do.

Việc Bác viết Thư gửi đồng bào vào ngày 6-6-1941 là nhằm động viên “tất cả các phú hào, binh sĩ, thợ thuyền, dân cày, nhà buôn, công chức, thanh niên, phụ nữ một lòng yêu nước” thực hiện Nghị quyết hội nghị Trung ương lần thứ 8 của Đảng, tham gia xây dựng và không ngừng mở rộng Mặt trận Việt Minh: “Giờ đây, công cuộc giải phóng dân tộc là cao hơn tất cả! Chúng ta phải đoàn kết lại, đánh đổ Pháp, Nhật và tay sai của chúng để cứu dân ta khỏi vòng nước sôi, lửa bỏng… Cứu nước là sự nghiệp chung của nhân dân cả nước, phàm là người Việt Nam đều phải gánh một phần trách nhiệm. Người có tiền góp tiền, người có sức góp sức, người có tài năng góp tài năng, Ái Quốc tôi nguyện mang hết sức tuổi già đi theo các vị, dầu cho thịt nát xương tan cũng không tiếc…”.

Và Nguyễn Ái Quốc khơi dậy truyền thống hào hùng của dân tộc: “Hỡi đồng bào yêu quý! Mấy trăm năm trước, khi nước ta gặp nguy lớn vì quân Nguyên xâm lấn bờ cõi, các cha ông đời Trần đã hăng hái kêu gọi con em cả nước nhất tề diệt giặc và cuối cùng đã cứu được dân ra khỏi bước nguy nan, để danh thơm muôn thuở”; đồng thời nêu bật những hành động oanh liệt của các bậc anh hùng cứu quốc tiền bối: “Bảy tám chục năm nay, dưới gót sắt của giặc Pháp, chúng ta đã không ngừng hy sinh phấn đấu để giành độc lập, tự do cho dân tộc ta. Tinh thần anh dũng của các bậc tiền bối Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Lương Ngọc Quyến vẫn đây; sự tích của các nghĩa sĩ Thái Nguyên, Yên Bái, Nghệ Tĩnh còn mãi. Gần đây, các cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, Đô Lương, Bắc Sơn đã tỏ rõ đồng bào ta quyết bước theo vết máu vẻ vang của tiền nhân, hăng hái diệt thù…”.

Trong thư, Người cũng phân tích rõ thời cơ: “Giờ đây, thời cơ giải phóng đã đến, bản thân nước Pháp cũng không giúp nổi cho bọn Pháp đang thống trị nước ta. Còn bọn Nhật thì một mặt bị sa lầy ở Trung Quốc, một mặt bị các thế lực Anh, Mỹ kiềm chế, tất không thể đem toàn lực ra tranh đấu với ta. Nếu nhân dân cả nước ta đồng tâm, nhất trí, đoàn kết lại thì có thể đánh bại đội quân tinh nhuệ của Pháp, Nhật”.

Cuối thư, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc kêu gọi: “Thời cơ đã đến! Hãy giương cao cờ nghĩa, lãnh đạo nhân dân cả nước đánh đổ Pháp, Nhật! Tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc đang vang dội bên tai chúng ta! Máu nóng anh dũng của các bậc tiền nhân đang sôi sục trong tim chúng ta! Tinh thần phấn đấu của nhân dân đang dạt dào trước mặt chúng ta! Chúng ta phải đoàn kết lại, thống nhất hành động, đánh đổ Pháp Nhật. Cách mạng Việt Nam nhất định thành công! Cách mạng thế giới nhất định thành công!”. (Còn tiếp).

 Có thể khẳng định, Cách mạng Tháng Tám thành công và sự kiện nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời là một kết quả tất yếu và khách quan của lịch sử. Kết quả này bắt nguồn sâu xa từ truyền thống yêu nước của dân tộc, đặc biệt là sự kiện ra đi tìm đường cứu nước và đến với chủ nghĩa Mác-Lênin của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc rồi truyền bá vào Việt Nam, chuẩn bị mọi điều kiện thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam để lãnh đạo phong trào cách mạng. Từ khi ra đời, Đảng và nhân dân ta đã có quá trình chuẩn bị lực lượng cho tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám trong suốt 15 năm. Qua các phong trào đấu tranh cách mạng 1930-1935, 1936-1939, Đảng đã đúc rút được những bài học kinh nghiệm, nhất là trong quá trình xây dựng lực lượng vũ trang, căn cứ địa thời kỳ vận động giải phóng dân tộc 1939-1945.

 THÀNH SƠN