“Nhức nhối” nạn trộm cát trên sông Đồng Nai

Thứ bảy, ngày 26/10/2013

Bài cuối: Cần giải pháp quyết liệt và đồng bộ

Bài 3: Đêm nghe tiếng gầm rú…

> Bài 2: “Cuộc chiến”không cân sức!

> Bài 1: Toang hoác… bờ sông!

Nạn trộm cát trên sông Đồng Nai đã tồn tại từ nhiều năm qua; cho dù chính quyền địa phương đã vào cuộc đấu tranh nhưng vẫn chưa mang hiệu quả. Bọn “cát tặc” ngày càng ngang nhiên lộng hành và đầy thách thức. Đã đến lúc cần phải có giải pháp xử lý dứt điểm vấn nạn này, để bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, đất đai, nhà cửa của người dân. Nhiều ý kiến cho rằng, dẹp bỏ tình trạng trộm cát trên sông tuy khó nhưng chẳng phải là không được, nếu như...

Đội tuần tra trên sông

Trong quá trình tiếp xúc với người dân và thực tế điều tra, xác minh để thực hiện loạt bài này, P.V chúng tôi nhận thấy: sở dĩ bọn trộm cát hoạt động trót lọt là do chúng có tổ chức và thủ đoạn khá tinh vi; với quyết tâm cao “trộm cho bằng được”, cách triển khai nhanh để thu nhiều lợi nhuận... Những việc làm phạm pháp của các đối tượng này không chỉ là bộc phát nhất thời mà hầu hết bọn chúng còn xem như đây là “nghề để mưu sinh”! Dù biết rõ hành vi này bị xã hội lên án nhưng cũng chỉ vì hám lợi, tham lam mà chúng bất chấp, kể cả sự an nguy cho tính mạng của bản thân. Chúng sẵn sàng bỏ vốn đầu tư mua sắm ghe thuyền, làm phương tiện để… trộm cắp tài nguyên! Nhận dạng số ghe tham gia trộm cát thì không khó; bởi ban ngày các phương tiện này ngưng hoạt động, thường neo đậu nằm hiền lành “ngơi nghỉ” ven bờ sông, nhưng khi đêm xuống là ghe thuyền bừng tỉnh rộn ràng, tất tả ngược xuôi vận chuyển cát. Do đó, đối phó với bọn “cát tặc” trên sông Đồng Nai này cũng chính là đối mặt với những đối tượng xấu, có hành vi phạm pháp được tổ chức hẳn hoi!

  Cần quản lý chặt chẽ các bãi thu mua cát trên địa bàn   Xà lan chở đất theo quy luật cứ 22 giờ đêm là đến giữa lòng sông ở ấp Tân Hội neo đậu lại“nghỉ ngơi”...!?

Trong những đêm mật phục bên bờ sông để theo dõi hành vi trộm cát, ở đoạn ngang qua 2 xã Thạnh Hội và Thạnh Phước, P.V chúng tôi cũng tìm hiểu nguyên nhân vì sao chưa dẹp bỏ được tình trạng trộm cắp này? Thường thì vào khoảng 24 giờ đêm, lực lượng công an giao thông đường thủy đều có tổ chức tuần tra, đôi khi khoảng 4 giờ sáng lại tuần tra ngang thêm lần nữa. Mỗi đêm trong tuần cũng được 2 lần và mỗi lần ca nô lướt sóng rất nhanh và đều “không thấy ai trộm cát”! Dòng sông vẫn lặng lẽ yên bình! Thế nhưng, trên thực tế thì không như vậy! Trộm cát chỉ diễn ra trước và sau 2 lần tuần tra của lực lượng chức năng. Điều này chứng tỏ, bọn trộm đã nắm rất chính xác kế hoạch tuần tra, lộ trình của lực lượng nên chúng đều qua mặt một cách dễ dàng. Đây chính là “nhược điểm” cơ bản chưa được lực lượng tuần tra khắc phục nên bọn “cát tặc” cứ ngang nhiên và thoải mái lộng hành. Theo ông Nguyễn Tiến Hùng, Chủ tịch UBND xã Thạnh Hội, sắp tới chúng ta cần phải thay đổi cách làm để đối phó hiệu quả hơn với bọn “cát tặc”. Sẽ không tổ chức tuần tra theo từng canh giờ mà phải tuần tra đột xuất suốt đêm, từ đầu hôm cho đến sáng. Để thực hiện được việc này, chính quyền địa phương cần phải sớm thành lập đội đảm trách việc tuần tra trên sông và nhất định phải có sự tham gia, phối hợp đồng bộ của công an huyện; chứ riêng ở cấp xã thì không sao làm nổi! Ông Hùng cũng cho biết, sắp tới xã sẽ có tờ trình, kiến nghị lên UBND huyện Tân Uyên xem xét cho lập ngay đội tuần tra. Và nếu đề nghị này được chấp thuận, có sự chung tay vào cuộc quyết liệt và đồng bộ của ngành chức năng thì chắc chắn sẽ dần xử lý dứt điểm nạn trộm cát trên sông.

“Dẹp” tận gốc!

Lẽ thường có cầu thì mới có cung. Bọn “cát tặc” còn hoạt động tấp nập là nhờ chúng tìm được đầu mối tiêu thụ rất ổn định, luôn sẵn sàng tiếp nhận tài sản do trộm cắp mà có vào bất kể thời gian nào. Hàng đêm, sau khi đã hút đầy những ghe cát, bọn trộm chỉ cần mất khoảng 20 phút để chuyển về bãi tập kết. Điều này chứng tỏ, các đối tượng thu mua đã đặt cơ sở rất gần với bọn trộm cát.

Những đêm mật phục để chụp ảnh, chúng tôi lần theo ghe trộm cát đi về bãi đổ. Ghe cát dưới sông, chúng tôi chạy trên bờ và dễ dàng phát hiện ra các “cứ điểm” thu mua hàng phi pháp. Đó là những bãi nằm nhan nhản ở ven sông, mà địa điểm cách bọn trộm cát không xa. Cũng có số ghe trộm cát chạy qua các bãi nằm ở địa bàn tỉnh Đồng Nai để tiêu thụ nhưng cũng rất gần, chỉ từ 1 - 2km. Các bãi thu mua này, lúc đầu hôm trông tĩnh lặng bình thường; nhưng nửa đêm, khi bọn trộm lên đường là cũng rộn ràng, tấp nập theo; đèn điện sáng trưng, máy móc khởi động vang rền chuẩn bị hút cát từ các ghe đưa lên bãi. Lại có những trường hợp chúng sử dụng thủ đoạn tinh vi, liều lĩnh hơn và đầy gian trá. Đó là những xà lan thu mua cát neo đậu sẵn trên sông, cách bọn trộm chỉ chừng 500m; sau khi hút trộm cát xong, các ghe lập tức tìm đến những xà lan này để bán. Nếu lực lượng chức năng bất ngờ xuất hiện kiểm tra những xà lan chở đầy ắp cát này thì các chủ đều xuất trình đủ các loại giấy tờ, xem ra hợp pháp. Nào là giấy phép lưu thông, thu mua và đặc biệt là có sẵn tờ hóa đơn đỏ mua bán cát hẳn hòi! Vậy là, ngành chức năng cũng chịu bó tay. Bởi vì, muốn biết rõ sự gian trá này thì cần có quá trình để điều tra, xem các hóa đơn này xuất phát từ đâu?! Và đây lại là việc không thuộc về chức năng của lực lượng công an xã và của cả công an tuần tra giao thông!

Dòng sông Đồng Nai thuộc địa bàn huyện Tân Uyên đang bị nạn “cát tặc” hoành hành, những hành vi phạm pháp có tổ chức đang sôi động, “nở rộ” từ dưới lòng sông lẫn trên bờ, từ các ghe trộm cắp đến các bãi thu mua cát. Tất cả đều được phối hợp khá nhịp nhàng, chuyên nghiệp với các thủ đoạn khó lường! Chúng tôi còn bất ngờ hơn, khi phát hiện ra những hành vi khó mà tưởng tượng, có lẽ chỉ có bọn trộm cát mới nghĩ ra! Đó là, tại ấp Tân Hội, xã Thạnh Hội, vào khoảng 22 giờ đêm có một xà lan vận chuyển đất từ các tỉnh miền Tây lên huyện Tân Uyên để cung cấp nguyên liệu cho các lò gạch. “Vô tình hay cố ý”, nhưng cứ tầm này là xà lan neo lại “tạm nghỉ” ngay giữa dòng sông và như thể “tạo điều kiện” cho các ghe nấp vào hai bên mà trộm cát. Hiện tượng này cũng đã tạo ra ngộ nhận cho ngành chức năng khi tuần tra qua khu vực. Dễ thường ai cũng nghĩ xà lan đất hàng đêm đều thả neo nghỉ ngơi ở đấy là “chuyện thường ngày” nhưng liệu có biết rằng, xung quanh đó bọn trộm đang náu mình, rình rập thời cơ thuận lợi để ra tay! “Vô tình hay cố ý” thì còn phải xem xét nhưng có điều lạ, cứ khoảng 5 giờ sáng, khi bọn “cát tặc” về nghỉ thì xà lan đất kia cũng nổ máy bỏ đi!?

Cũng đã đến lúc ngành chức năng cần tiến hành kiểm tra, giám sát hoạt động của số bãi thu mua cát trên địa bàn. Vì nếu quản lý không chặt chẽ thì các cứ điểm này chính là nơi tích cực tiếp tay cho bọn trộm cát kéo dài hoạt động lộng hành. Đây là thực tế khá rõ ràng, dễ dàng nhận biết - cũng chính là đầu mối quan trọng, giúp cho bọn trộm có nơi tiêu thụ nhanh gọn và thuận tiện. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin thêm các ý kiến của ngành chức năng xung quanh loạt bài này trong các số báo tới.

KIẾN GIANG – CÔNG KHANH