“Nhức nhối” nạn trộm cát trên sông Đồng Nai
Bài 3: Đêm nghe tiếng gầm rú…
> Bài 2: “Cuộc chiến”không cân sức!
> Bài 1: Toang hoác… bờ sông!
Được sự hỗ trợ của người dân và chính quyền địa phương, sau nhiều đêm mật phục, phóng viên Báo Bình Dương đã ghi nhận vấn nạn trộm cát đang diễn ra rầm rập, suốt đêm trên sông Đồng Nai, ở khúc sông thuộc các xã Thạnh Hội, Thạnh Phước (Tân Uyên) nếu không ngăn chặn sẽ để lại những hậu quả nặng nề…
Trộm cát như trẩy hội!
Từ mờ tối hôm đầu tiên, chúng tôi đã có mặt tại khu vườn của những hộ dân cư ngụ ven sông. Mùa trăng! Dòng sông càng sáng rõ, lấp lánh như thảm lụa màu. Từng con nước lững lờ trôi êm ả. Đêm bên dòng Đồng Nai trông thật đẹp và yên bình. Gần 23 giờ đêm cảnh vật tĩnh lặng như chìm vào giấc ngủ, tiếng côn trùng bay nghe rõ, chẳng thấy ghe trộm cát ở đâu cả. Mọi người tiếp tục chờ đợi. Bỗng từ phía xa tiếng máy nổ nghe gần lại. Trong chốc lát, 2 chiếc ca nô bất ngờ xuất hiện, lướt sóng băng giữa dòng sông. Nhưng không phải bọn trộm cát mà là lực lượng công an giao thông đường thủy huyện Tân Uyên đang tổ chức tuần tra. Thấy vậy, chúng tôi chuẩn bị ra về; bởi có lẽ đêm nay dòng Đồng Nai sẽ không bị rút ruột.
Ghe “cát tặc” hoành hành trong đêm trên sông Đồng Nai, gây bức xúc dư luận
Ấy mà chỉ sau vài phút, khi âm thanh trên 2 chiếc ca nô xa dần thì đã nghe rất rõ tiếng gầm rú của những chiếc ghe hút trộm cát từ đâu đột nhiên kéo đến. Máy công suất lớn tiếng nổ rền vang, những chiếc ghe lập tức thả neo, những đối tượng hô lớn… “lặn xuống, lặn xuống”, “nổ máy, hút nhanh lên, nhanh lên”… Tất cả đều nghe rõ mồn một trong đêm vắng. Những âm thanh pha tạp, hối hả và rộn ràng, ghe nào hút đầy cát xong thì lập tức biến mất. Chúng nối đuôi nhau trộm cát dưới lòng sông như đang trẩy hội. Chúng tôi lập tức triển khai công việc nhưng xa bờ quá, không thể chụp ảnh. Có lời thì thầm nhắc khẽ “khoan chụp ảnh, đèn chớp sáng thì lộ mất”! Thế là mọi người chỉ biết đứng từ xa mà nhìn những ghe trộm chở đầy cát đưa vào bãi tập kết.
Mọi việc diễn ra quá nhanh; chưa đầy 30 phút thì sông Đồng Nai đã bị rút ruột 45m3 cát. Một người dân lên tiếng “các nhà báo yên tâm, khoảng 30 phút nữa là chúng quay lại ngay”! Quả đúng như vậy, sau một hồi chờ đợi, tiếng gầm rú của ghe trộm cát lại vang lên. Điều này chứng tỏ, các đối tượng tập kết cát ở một nơi rất gần và chắc chắn có cơ sở thu mua đóng trên địa bàn. Chúng tôi nóng lòng muốn chụp ảnh thì bà con ngăn lại; e sợ đèn lóe sáng rất dễ bị lộ, bọn “cát tặc” biết nhà sẽ tìm đến trả thù. Rất thông cảm với người dân, chúng tôi đành hẹn hôm khác đến để tiếp tục công việc.
Thủ đoạn tinh vi
Sau đêm đầu tác nghiệp không mang lại kết quả như mong muốn, những hôm sau chúng tôi tiếp tục lên đường. Rút kinh nghiệm, lần này không đứng ở trong vườn của người dân vì sợ gây phiền hà cho họ, chúng tôi tìm chọn một vị trí ở bãi đất cạnh bờ sông để mật phục. Tất nhiên, cùng đi với chúng tôi có nhiều người dân, thỉnh thoảng họ góp lời vui vẻ cũng làm giảm căng thẳng, nặng nề. Cũng như những đêm trước, lại thấy ca nô của công an xuất hiện vào khoảng 12 giờ đêm. Tất cả việc này dường như đã thành quy luật. Chúng tôi thắc mắc, tại sao công an không thay đổi giờ giấc tuần tra nhỉ? Ông K., một cựu chiến binh lên tiếng: thay đổi cũng không ăn thua gì! Bọn “cát tặc” này hoạt động đều có tổ chức hẳn hoi, ngay khi các đồng chí công an đềpa ca nô từ trên huyện chuẩn bị xuất phát là dưới này tụi nó đã nhận được tin rồi! Ca nô phóng từ huyện đến đây khoảng 40 phút chúng biết rất rõ để canh giờ lẩn trốn.
Ghe trộm cát này ban ngày nằm nghỉ cạnh bờ sông xã Thạnh Phước một cách ngang nhiên
Anh T. ngồi cạnh chúng tôi cho biết: Trước đây, nhiều lần đám “cát tặc” rủ rê anh cùng tham gia với chúng, anh có cùng đi một chuyến nên biết rõ cách tổ chức của bọn này. Anh bỏ cuộc vì thấy công việc này quá nguy hiểm và nặng mang cảm giác tội lỗi. Anh kể, trên mỗi ghe trộm cát thường có 4 tên, tất cả đều cởi trần. Khi hành sự, một lặn xuống sông ôm giữ ống hút, một giữ ống khí cho kẻ ở dưới sông, một tên lo thả kéo neo, tên còn lại trực máy nổ và nghe điện thoại báo động khi có lực lượng chức năng sắp xuất hiện. Trên ghe, chúng trang bị nhiều gậy gộc, đá… khi gặp lực lượng tuần tra đột xuất là chống trả quyết liệt. Trường hợp thất thế, chúng buộc phải nhấn chìm ghe, quyết không để phương tiện bị tịch thu. Đó là việc ở dưới sông, còn trên bờ chúng đều tổ chức canh gác khá chặt chẽ. T. kể tiếp: có kẻ suốt đêm được nhậu miễn phí và được trả công 150.000 đồng chỉ riêng lo việc nắm thông tin, phát hiện lực lượng tuần tra để điện báo tin kịp thời cho chúng. Có người chỉ lảng vảng đi suốt đêm trên cầu Thạnh Hội để canh chừng động tĩnh và nhận thù lao 200.000 đồng; riêng thợ lặn xuống sông ôm giữ ống hút cát, mỗi chuyến là 200.000 đồng. Đối tượng này, tính ra trong đêm thường kiếm được số tiền không nhỏ nhưng thỉnh thoảng họ phải trả giá bằng chính mạng sống của mình. Do thu lợi bất chính cao, lại có tổ chức khá chặt chẽ, có vốn liếng đầu tư ghe thuyền, máy móc hẳn hoi nên mỗi khi “lỡ” giáp mặt cùng lực lượng chức năng, bọn chúng đều quyết “ăn thua đủ đến cùng”!
Trăng sáng vằng vặc! Tiếng gầm rú của ghe thuyền hút trộm cát trên sông càng lúc càng ầm ĩ và khi thấy 2 ghe trộm cát vội vã thả neo. Không bỏ qua cơ hội này, chúng tôi tranh thủ chụp ảnh ngay. Và lần này đã được, ảnh tuy mờ nhạt vì đêm đã quá khuya. Phát hiện chúng tôi qua ánh đèn chớp sáng, những đối tượng kia dùng đèn pin rọi lại sục sạo kiếm tìm nhưng chúng tôi đã lặng lẽ di chuyển hòa vào bóng đêm. Những chiếc ghe chở khẳm cát vẫn nối đuôi nhau tề tựu vào bãi, kết thúc một đêm trộm cắp tài nguyên trên sông nước. Qua theo dõi, mỗi đêm chúng tôi đếm được khoảng 10 chiếc ghe hút cát và mỗi chiếc hút trộm gần 10 lượt, mỗi lượt chừng 15 khối. Theo thị trường hiện tại, giá cát dao động từ 150.000 - 250.000 đồng/ m3. Như vậy, mỗi đêm ở khúc sông Đồng Nai đoạn chảy qua xã Thạnh Hội, Thạnh Phước của huyện Tân Uyên, Bình Dương này đã bị “rút ruột”, thất thoát gần 100 triệu đồng lọt vào tay bọn trộm cát từ nơi khác đến.
Bài cuối: Cần giải pháp quyết liệt và đồng bộ
KIẾN GIANG – CÔNG KHANH