Nhức nhối nạn chảy máu cổ vật xuất xứ từ châu Phi

Thứ sáu, ngày 15/07/2016

(BDO) Giới buôn đồ cổ, cũng như người đứng đầu các viện bảo tàng thường lên tiếng phản đối mọi sự giới hạn với những tác phẩm nghệ thuật, được “xuất ra” khỏi lãnh thổ các quốc gia sở hữu.

Họ lập luận rằng những sản phẩm của một nghệ nhân, hoặc người vô danh nào đó đều thuộc về tài sản của cả loài người. Một mặt họ dè bỉu các quy ước của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO), đồng thời lại lớn tiếng cổ xúy cho khẩu ngữ “tự do văn hóa và phổ biến rộng rãi mọi sản phẩm nghệ thuật”, hòng che giấu các hoạt động thất nhân tâm và phi pháp của mình.

Sản phẩm nghệ thuật Benin bằng đồng được giới sưu tập phương Tây rất ưa chuộng (ảnh trái) và pho tượng quý hiếm từng bị đánh cắp khỏi Bảo tàng Quốc gia Nigeria.

Thực tế phức tạp hơn nhiều, bởi đa phần các cổ vật chỉ “có đi mà không có về”, hướng tới những trung tâm văn hóa tại các nước kỹ nghệ phát triển.

Các viện bảo tàng danh tiếng tận New York (Mỹ), hay London (Anh) được tô điểm bởi những tượng đồng xứ Benin của châu Phi nhưng người ta sẽ nói gì một khi những cư dân tại Lagos (Nigeria), hoặc Rabat (Morocco) suốt đời không có diễm phúc được chiêm ngưỡng bức họa Mona Lisa bất hủ của nhà đại danh họa Italia Leonardo da Vinci (1452-1519)- khiến Viện Bảo tàng Louvre ở Paris (Pháp) càng thêm nổi tiếng; hay bức tranh chân dung Juan de Pareja lừng danh do họa sĩ Tây Ban Nha Diego Velázquez (1599-1660) vẽ - đang ngự trị ở Viện bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan giữa New York?

Lý giải cho việc này, nguyên nhân khí hậu và thời tiết được đẩy lên hàng đầu, cho dù các kỹ nghệ bảo tồn và chuyên chở tân kỳ dư sức cho phép mọi sản phẩm đi vòng quanh thế giới suốt cả 4 mùa. Đối lại, người ta lại viện tới lý do an ninh, hoặc yêu cầu của các hãng bảo hiểm quá khắt khe…

Cơn sốt xuất lậu mọi cổ vật từ các nước đang phát triển, nhằm tô điểm các phòng trưng bày và các bộ sưu tập tư ở các đô thị hàng đầu thế giới là một cơn ác mộng kinh niên. Những mặt nạ lễ hội của người Benin, viền quanh các tủ kính trưng bày giữa New York đã “nói” quá ít với công chúng Mỹ.

Thực ra đó là những sản phẩm minh họa đặc trưng nhất cho các triều vua Benin và chiếm vị trí rất quan trọng trong lịch sử phát triển của dân tộc này. Mặt nạ của các vị vua Benin được xuất lậu ồ ạt và phân tán đi khắp thế giới, để đến nỗi bây giờ người ta không thể khôi phục lại lịch sử của Vương quốc Benin ở Tây Phi, cũng như những nhà quân chủ từng trị vì trong lịch sử.

Một thời các viện bảo tàng châu Âu và châu Mỹ được “làm đầy” bằng các sản phẩm văn hóa quý hiếm từ giới truyền giáo, các nhà thám hiểm, giới khoa học, hay từ chính các nhà cầm quyền thực dân. Trong những thập niên gần đây tình hình lại càng tồi tệ hơn. Các nhóm trộm cắp có tổ chức tiến hành cướp bóc với mục đích làm giàu trên nền văn hóa phong phú của các quốc gia đang phát triển.

Đơn cử một vài dẫn chứng ở Nigeria làm ví dụ chẳng hạn: Trong năm 2002 có nguồn tin mật từ Brussels (Bỉ) về một cuộc mua bán bức tượng Nữ thần Osun có niên đại từ thế kỷ XVI, vừa mới được đem từ Nigeria qua. Nguồn tin này cho biết là pho tượng hiếm có hiện đang ở Pháp trước khi đưa sang Bỉ. Nhưng mọi cố gắng của cảnh sát hòng lần ra cổ vật đều bất thành…; Đến đầu năm 2008 lần lượt ở Canada và Mỹ có cuộc triển lãm dưới tiêu đề “Kho báu của Nigeria - hơn 2000 năm thừa hưởng”.

Cuộc triển lãm này nhằm 2 mục đích: phổ biến rộng rãi cho công chúng tỏ tường về một nền văn hóa thuộc châu Phi, cũng như giới thiệu “hàng” với giới ưa sưu tập lắm tiền. Khi triển lãm vừa mới bắt đầu ở thành phố Calgary (Canada), lập tức có 2 người Phi xuất hiện cùng một nhà buôn nổi tiếng đến từ New York, kèm lời đề nghị Ban tổ chức triển lãm mua thêm một món đồ cổ “chính tông Nigeria và cực hiếm” mà họ đang có. Người của ban tổ chức không khỏi bàng hoàng, bởi ông đinh ninh rằng đó là đồ… trộm cắp.

Vị giám đốc này đồng thời là một chuyên gia đồ cổ, từng tham gia vào các cuộc chuẩn bị cho Hội nghị tư vấn của UNESCO về sự xuất lậu các giá trị văn hóa, cũng như với cuộc hội thảo bàn về việc trả lại mọi sản vật cổ cho nơi xuất xứ, nên ông biết việc mình phải làm lúc ấy. Ông liền gọi cảnh sát tới và tạm giữ 3 kẻ khả nghi. Sau cùng bọn tội phạm bị kết án và cổ vật được trả lại cho Nigeria.

Đây là trường hợp hi hữu đầu tiên sau nhiều thập niên có cả 2 hội nghị nói trên của UNESCO; cũng trong năm 2008 tại Pax Gallery, một phòng trưng bày tư nhân ở New York vị chuyên gia nói trên chợt thấy bức tượng gỗ Yoruba quá đỗi quen thuộc hồi ông còn công tác tại Nigeria, nên quyết định tức tốc bay qua Lagos kiểm tra và té ngửa ra rằng Yoruba không còn ở đấy nữa. Hiển nhiên là tượng đã được mang bất hợp pháp ra khỏi Nigeria và bán cho phòng trưng bày vừa khai trương.

Vị chuyên viên cổ vật liền gửi sang New York bản sao mọi tài liệu, chứng minh bức tượng gỗ Yoruba thuộc về tài sản của Nigeria. Nhưng phía Pax Gallery trả lời là Yoruba đã được “mua đứt” rồi, do vậy họ không có ý định chia tay với tượng nữa(?!). Chừng nửa năm sau, cũng lại Pax Gallery ở New York fax qua Paris hỏi cơ quan UNESCO, kèm theo các tài liệu về 3 bức tượng đồng Benin mà bảo tàng đang dự định mua, nhưng không hiểu đó có phải là đồ chôm chỉa không?

Tuy số hiệu bảo tàng sở hữu của cả 3 pho tượng đều được xóa đi một cách hết sức tinh vi, nhưng với con mắt nhà nghề từng trải, giới chuyên gia UNESCO đã phanh phui đích thực là đồ ăn cắp. Kẻ bán cổ vật bị cảnh sát New York bắt và hắn khai là mua tại Lagos từ những người lạ mặt. Đây chính là những bức tượng vô giá từng được bảo quản tại Bảo tàng Quốc gia Nigeria.

Trong khi sự việc đang được làm sáng tỏ, thì chính từ Pax Gallery lại có một tin mới rằng có một kẻ đang rao bán bức tượng đồng châu Phi trên thị trường chợ đen và phòng trưng bày đã quyết định mua. Các chuyên viên UNESCO lập tức cùng FBI Mỹ lùng khắp thành phố này và đã tóm được thủ phạm. Hắn chính là một cộng sự viên của Viện bảo tàng Quốc gia ở Lagos.

Tên này sau bị nhà nước Nigeria xử án tù chung thân. Nhưng Pax Gallery cự tuyệt mọi sự hợp tác với UNESCO, thậm chí họ còn giấu kỹ bức tượng cũng như mọi thông tin về nó, rồi chỉ đồng ý cho chuộc lại tương ứng với giá họ đã mua là 350.000 USD. Nhóm chuyên gia UNESCO sợ cổ vật vô giá cuối cùng bằng đồng của nền văn minh Nigeria sẽ bị thất lạc, nên đành phải chịu chuộc để trả lại đồ ăn cắp cho nền nghệ thuật lâu đời của nước này.

Tất cả các ví dụ nêu trên đã chứng minh rằng, có sự lơ là tắc trách trong các cơ sở bảo quản hàng đầu của các quốc gia đang phát triển (chứ chưa nói tới những cổ vật hiếm hoi tại các chùa chiền và miếu thờ - nơi không được bảo vệ chu đáo). Điều hiển nhiên là giới bảo tàng nghệ thuật ở những nước này cần phải áp dụng ngay những biện pháp hữu hiệu tức thì, chứ không chỉ tự hài lòng với công tác bảo tồn thuần túy.

Một khi vẫn còn tồn tại thị trường tiêu thụ mọi sản phẩm nghệ thuật từ các quốc gia đang phát triển ở Âu châu và Bắc Mỹ, thì các vụ trộm cắp cổ vật vẫn cứ tiếp tục là một vấn đề nan giải. Vấn đề sẽ chỉ có thể được giải quyết nếu như các bảo tàng phương Tây bắt đầu lưu tâm tới nguồn gốc xuất xứ của các cổ vật đắt giá mà họ định mua.

Nếu điều này được áp dụng triệt để, sẽ góp phần chặn đứng nạn bóc lột văn hóa các dân tộc, giảm tỷ lệ “chảy máu cổ vật” xuống mức tối thiểu. Đây là cách duy nhất để chấm dứt “cơn sốt” xuất lậu cổ vật bằng đủ mọi mánh khóe. Ngoài điều vô nhân đạo và phi luân lý ra, là hiểm họa đang tồn tại việc hủy diệt các bằng chứng về lịch sử loài người. 

Theo CAND