Ngành dệt may, da giày:

Nhộn nhịp đơn hàng đầu năm

Thứ năm, ngày 09/02/2017

(BDO) Từ đầu năm đến nay, lượng đơn hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp (DN) ngành da giày và may mặc trên địa bàn tỉnh dồi dào, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2016. Nhiều DN trong ngành đã có đơn hàng được ký đến tháng 9-2017. Với kết quả này, cùng với cơ hội từ các hiệp định thương mại mà Việt Nam tham gia, các DN tin tưởng ngành dệt may, da giày của tỉnh tiếp tục tăng trưởng cao  trong năm 2017.

Nhiều đơn hàng

Theo  đại  diện    Sở  Công Thương, từ đầu năm đến nay, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may và da giày của tỉnh vẫn giữ được mức tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm 2016. Lượng đơn hàng xuất khẩu tương đối ổn định, đa số các DN đều có đơn hàng xuất khẩu hết quý I-2017; thậm chí nhiều DN đã có đơn hàng đến tháng 9 năm nay. 

Tháng 1-2017, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may của  tỉnh ước đạt 225,4 triệu USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2016 và chiếm tỷ trọng 10,8% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Đối với ngành da giày, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 165,4 triệu USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2016 và chiếm tỷ trọng 7,9% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.

 Năm 2017, xuất khẩu ngành da giày của tỉnh được dự báo sẽ có tốc độ tăng trưởng cao  hơn so với năm 2016. Bà Trương Thúy Liên, Giám đốc Công ty TNHH Liên Phát (TX.Dĩ An) cho biết, đến thời điểm này công ty đã ký được đơn hàng đến hết tháng 9-2017, lượng đơn hàng tăng 10% so với đầu năm 2016. Bên cạnh các thị trường truyền thống, năm 2017, công ty đã có thêm những khách hàng mới đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ. Nếu tình hình xuất khẩu ổn định như hiện nay, dự tính năm 2017 doanh thu của công ty sẽ tăng khoảng 10% so với năm 2016. Cùng chung niềm vui này, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Tổng Giám  đốc  Công  ty  Cổ  phần Thương mại - Đầu tư Trăn - Cá sấu Ngọc Sơn cho biết, đến thời điểm này công ty đã có những hợp đồng xuất khẩu đến tháng 6-2017, lượng đơn hàng tăng khoảng 5% so với cùng kỳ năm 2016.

Đầu năm, ngành da giày, dệt may của tỉnh xuất khẩu khả quan. Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất của Công ty Đại Tây Dương.  Ảnh: PHƯƠNG LÊ

Bên cạnh các khách hàng truyền thống như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Italia, đầu năm 2017, công ty đã có thêm thị trường mới là Mexico. Theo ông Sơn, với những thuận lợi hiện nay, dự báo trong năm nay xuất khẩu công ty sẽ tăng 5 - 10% so với năm 2016. Bên cạnh ngành da giày, đầu năm 2017, các DN dệt may của tỉnh cũng nhộn nhịp những đơn hàng. Chia sẻ niềm vui trong đầu năm mới Đinh Dậu, bà Phạm Thị Xuân Trang, Giám đốc Công ty Đại Tây Dương (Khu công nghiệp Đồng An, TX.Thuận An) cho biết, hiện công ty đã ký đơn hàng đến hết tháng 6-2017; đơn hàng xuất khẩu của công ty khá ổn định. Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, đến thời điểm này lực lượng lao động của công ty đã ổn định. Dự kiến, trong năm 2017, công ty sẽ mở rộng sản xuất để tăng thêm 20% số lượng sản phẩm vì khách hàng tại Mỹ đang muốn đặt thêm đơn hàng của công ty.

Theo Bộ Công Thương, năm 2017, ngoài Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), còn có nhiều hiệp định thương mại tự do Việt Nam tham gia, mở ra dư địa cho xuất khẩu của cả nước, các DN dệt may trong nước sẽ có nhiều cơ hội hơn trong hoạt động xuất khẩu.

DN cần nhạy bén thị trường

Mặc dù đầu năm lượng đơn hàng xuất khẩu tăng nhưng các DN vẫn còn gặp không ít khó khăn. Theo bà Trương Thúy  Liên,  hiện  nay  tình hình lực lượng lao động còn thiếu, bên cạnh đó chi phí giá thành cho gia công ngày càng cao khiến việc thu hút thêm đơn hàng ngày càng khó. Bà Phạm Thị Xuân Trang thì cho rằng, cái khó nữa là giá đơn hàng khách hàng đặt không tăng,  trong  khi  lương  công nhân lại tăng, do đó dự kiến năm nay lợi nhuận của công ty sẽ không tăng so với năm trước. Ông Nguyễn Ngọc Sơn chia sẻ, hiện có nhiều doanh nghiệp hoạt động sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng da giày trực tiếp vào Mỹ. Hiện nay, Mỹ là khách hàng tiêu thụ nhiều nhất mặt hàng da giày của các DN trong nước cũng  như  tại  Bình  Dương. Các đối tác đang lo ngại Mỹ sẽ đánh thuế những mặt hàng này cao hơn, gây khó khăn cho các DN.

Theo  nhiều  chuyên  gia, hiện nay thị trường trong nước chưa được các DN dệt may tận dụng tốt. Để lấy lại đà tăng trưởng xuất khẩu, các DN cần nhạy  bén  thích  ứng  với  thị trường  trong  nước  và  nước ngoài; cần đầu tư cả khâu thiết kế, may mẫu, đóng gói, vận chuyển. Thực tế hiện nay, các sản phẩm dệt may, da giày xuất khẩu vào thị trường Liên minh châu Âu, Hoa Kỳ đều yêu cầu cao về chất lượng và tiêu chuẩn kỹ thuật. Điều này đòi hỏi các DN  trong  nước  phải  đầu  tư phát triển mạnh về công nghệ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng yêu cầu của khách  hàng;  đồng  thời  tăng cường  xúc  tiến  thương  mại, tìm kiếm thị trường mới, đối tác mới để duy trì và đẩy mạnh xuất khẩu.

PHƯƠNG LÊ

 

Từ khóa: