Nhọc nhằn thuê xe về quê đón tết
Theo lịch nghỉ Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 của nhiều doanh nghiệp tại Bình Dương, tới ngày 26 tháng chạp mới bắt đầu cho công nhân nghỉ tết. Chính vì thế, việc săn tìm vé xe về quê ăn tết đối với nhiều người không dễ dàng. Giải quyết vấn đề này, hiện đã có nhiều người tìm đến các công ty vận tải hành khách chạy dịch vụ để đặt chỗ về tết.
Giá thuê xe đang tăng lên từng ngày
(BDO) Trong vai người tổ chức tour xe tết cho những người đồng hương Quảng Nam, Đà Nẵng tại Bình Dương về quê ăn tết, chúng tôi ghi nhận khá nhiều thông tin rất cần cho mọi người tham khảo khi mong muốn sở hữu một chiếc vé xe để về sum họp với gia đình.
Trò chuyện với một tay cò xe tên Trung, ở phường Bình Nhâm, TX.Thuận An chúng tôi được biết Trung là tài xế chuyên chạy tuyến đồng bằng sông Cửu Long, nhưng dịp tết này Trung được công ty điều về chạy tết tuyến Bắc - Nam. Trung sở hữu một chiếc xe ô tô 29 chỗ nên có “cổ phần” ở công ty này. Khi được hỏi giá thuê xe tuyến Bình Dương - Đà Nẵng, Trung ra giá chắc nịch: 19 triệu đồng, ngày xe xuất bến là trước 20 tháng chạp, một xu cũng không bớt. Trung còn khẳng định, qua tầm 23 - 24 tháng chạp, giá thuê một chuyến xe với lộ trình tương tự sẽ tăng thêm từ 3 - 5 triệu đồng. Trung còn hối chúng tôi đặt cọc liền, để công ty tiện xếp lịch chạy tết.
Tại Công ty H.N (TP.Thủ Dầu Một), chúng tôi được giới thiệu dàn xe 45 chỗ đầy đủ tiện nghi nhưng giá thuê xe tuyến Bình Dương - Đà Nẵng cũng đang cao ngất ngưởng: 28 triệu đồng/chuyến nếu đi vào ngày 22 tháng chạp, từ ngày 24 tháng chạp trở đi giá sẽ tăng lên 5 triệu đồng, không đặt cọc sẽ không còn xe về quê. Tương tự, khi hỏi một đơn vị kinh doanh xe chạy tour Bình Dương - đồng bằng sông Cửu Long, giá thuê xe ở đây dịp gần tết cũng tăng 30 - 70% so với ngày thường.
Do đặc thù là tỉnh có nhiều người ngoài tỉnh đến sinh sống, nhu cầu đi lại dịp lễ tết rất lớn nên dịch vụ cho thuê xe tại Bình Dương trong những ngày cận tết rất nhộn nhịp, kèm theo đó giá cả cũng được dịp tăng theo. Một lý do khiến giá thuê xe tăng là tâm lý của khách hàng thường mong muốn có một tour riêng cho những người cùng quê, có dịp gặp gỡ thăm hỏi nhau trên hành trình xa xôi về nhà đón tết.
Anh Huỳnh Phước Tánh, ở TX.Dĩ An, người có kinh nghiệm 5 cái tết tổ chức các chuyến xe cho những công nhân đồng hương ở Quảng Bình về quê chia sẻ, vào tầm tháng chạp rất ít công ty chịu nhận tiền đặt cọc. Lý do là các công ty vận tải, cơ sở cho thuê xe đều đợi lúc cận tết (tầm ngày 20 tháng chạp trở đi) giá cho thuê tăng cao mới bắt đầu nhận tiền đặt cọc.
Cảnh giác với những chiêu trò
Ông Lai Vĩnh Tường, một tài xế có kinh nghiệm hơn 10 năm chạy xe tết chia sẻ bí quyết chọn thuê xe về quê ăn tết. Theo ông Tường, người thuê xe nên chọn những tài xế chạy quen đường, bởi những cung đường, lộ trình của mỗi vùng miền và tỉnh, thành hoàn toàn khác nhau. Nếu tài xế không quen thuộc đường đi, ngoài việc dễ gây ra tai nạn, nguy cơ đưa hành khách về “lộn quê” cũng rất cao, làm mất rất nhiều thời gian cho hành khách và giảm niềm vui khi về sum họp với gia đình. Trên thực tế trong dịp tết, nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại, nhiều công ty sẵn sàng điều tài xế chạy xe trái tuyến. Bên cạnh đó, người thuê xe cũng cần tìm đến công ty có uy tín để hợp đồng với những cam kết, ràng buộc cụ thể để tránh tình trạng “đem con bỏ chợ”. Dịp tết, có không ít đơn vị kinh doanh vận tải hoạt động ma mãnh, thường chạy được khoảng 1/3 hay 1/2 hành trình là tìm xe khác sang khách một cách công khai, hay “tế nhị” hơn bày trò xe hư dọc đường để khách thông cảm sang xe khác. Nếu khách phản ứng thường bị nhà xe hành hung.
Anh Huỳnh Phước Tánh cho biết thêm, khi hợp đồng thuê xe nguyên chiếc người thuê nên làm hợp đồng rõ ràng là tài xế không được đón khách dọc đường, tránh tình trạng nhồi nhét khách. Các tài xế thường dùng chiêu bài năn nỉ người thuê xe cho rước khách dọc đường để bù chi phí cầu đường, nhưng thường các chi phí này đã được công ty tính vào lương, thưởng. Nếu hành khách không có phản ứng thì tình trạng xe 45 chỗ tài xế xe rước đến 60 người, thậm chí 90 người vẫn có thể xảy ra. Điều này không những gây ức chế cho hành khách mà còn gây quá tải, ảnh hưởng đến sự an toàn của hành khách.
Các chuyên gia trong ngành giao thông khuyến cáo, khi đi xe tết, khách hàng cần lưu ý: Không nên để điện thoại hết pin; sẵn sàng trữ pin cho điện thoại khi gặp sự cố tiện liên lạc với cơ quan chức năng và người thân trong gia đình. Trên mỗi xe đều có điện thoại đường dây nóng, hành khách nên lưu lại số này để liên lạc với công ty khi tài xế hoặc nhân viên phục vụ cố tình sai phạm hợp đồng đã cam kết; nên tìm kiếm, lưu trữ số điện thoại cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông, cứu hộ, cứu nạn của các tỉnh, thành đi qua đề phòng khi gặp sự cố. Kiên quyết không để tài xế cho người bán hàng dạo, tổ chức cờ bạc bịp trên xe trong suốt hành trình.
PHÙNG HIẾU