Nhọc nhằn đời phu nữ
Bốc vác, cái nghề cơ cực không phải người đàn ông nào cũng làm được. Thế nhưng, tại cảng Bà Lụa (phường Phú Thọ, TP.Thủ Dầu Một) công việc ấy lại được nhiều chị em phụ nữ chọn làm “cần câu cơm” nuôi sống bản thân, gia đình. Với cái nghề bấp bênh, đồng lương ít ỏi, đầy tai nạn rình rập nhưng nhiều người đã “trụ” với nghề hơn chục năm nay. Họ luôn khao khát đổi đời, hy vọng cuộc sống ổn định.
Vác cả hai vai!
Tại khu cảng Bà Lụa có ít nhất gần 10 nữ làm nghề bốc vác. Thân hình gầy gò, đôi vai bé nhỏ vậy mà các chị, các cô vẫn vận chuyển hàng tấn gạo, hàng trăm thiên gạch từ nhà máy lên ghe thuyền và ngược lại mỗi ngày. Cô Nguyễn Thị Hậu (43 tuổi, quê An Giang), thợ bốc vác, cho biết: Ở đây, có hàng chục phụ nữ làm nghề bốc vác. Đội bốc vác nữ đủ mọi lứa tuổi. Có những cô gái mới tròn mười tám đôi mươi chập chững tập bốc vác, hay có bà đã ngấp nghé cái tuổi nghỉ hưu, an dưỡng (60 tuổi).
Dù nắng hay mưa, các cô, các chị vẫn bốc vác khi các chủ xe, thuyền gọi
Hầu hết, các chị em làm nghề bốc vác tại cảng, sau những giờ làm việc lại quay về mái nhà chung tại khu nhà trọ Ngọc Hạnh (khu phố 6, phường Phú Thọ, TP.Thủ Dầu Một). Họ gắn bó ở đây đã lâu và tiền trọ, tiền điện, nước cũng “ngót nghét” 700.000 - 800.000 đồng/tháng. Cô Hạnh chủ nhà trọ, chia sẻ: “Các hộ gia đình sống trong dãy trọ nhà tôi chủ yếu là thợ bốc vác đến từ các tỉnh miền Tây như: An Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng. Trong đó, có gia đình ông Chương Văn Sĩ (57 tuổi, quê An Giang) đến đất Bình Dương bốc vác hơn 20 năm. Nhiều người nhờ nghề bốc vác đã sắm được tivi, mua xe máy. Cũng có hộ luôn gặp khó khăn vì đông con cháu, vì người thân không may bệnh nặng phải kiếm tiền chữa trị. Họ chăm chỉ làm việc nhưng cái nghèo vẫn đeo bám”.
Một đợt làm việc trọn vẹn của những phụ nữ ở khu cảng Bà Lụa tùy theo số lượng các ghe thuyền và trọng lượng nặng nhẹ của từng loại mặt hàng. Mỗi đợt, các chị được trả 20.000 - 40.000 đồng. Để có thời gian cho nhân công nghỉ ngơi, các nhà xưởng và chủ ghe chia đội bốc vác thành 2 - 3 nhóm thay phiên nhau. Các chị làm bất cứ lúc nào, cả ngày lẫn đêm khi chủ ghe gọi, tài xế xe tải kêu xuống, lên hàng. Theo lời các chị, người làm việc giỏi nhất của khu bốc vác mỗi ngày được hơn 100.000 đồng. Ngoài ra, tổ bốc vác phải đóng phí cho bảo vệ khu cảng 600.000 đồng/tháng. Số tiền phí quá cao, nhiều chị trầm buồn khi mỗi tháng gom góp lắm mới đủ tiền đóng.
Các cô, các chị nghỉ giải lao chờ bốc vác cho chuyến xe tới
Dẫu rằng, nghề bốc vác chỉ dành cho phái mạnh, nhưng vì cuộc sống, vì gia đình, con cái nên các chị phải “cong mình” vươn đôi vai gầy để đỡ lấy hàng chục tấn gạo, gạch ngói từ xe tải xuống các ghe thuyền đưa đến mọi miền quê. Nhiều chị theo nghề từ khi mái đầu còn xanh đến tóc điểm bạc. Có người đã là bà ngoại, bà nội, với mấy mặt cháu, nhưng vẫn chưa thể bỏ nghề. Với họ, một khi đã nghỉ thì không có công việc gì để làm, điều đó đồng nghĩa với việc không có thu nhập chi tiêu cuộc sống hàng ngày. Rưng rưng nước mắt, bà Phạm Thị Mỹ Anh (52 tuổi, quê An Giang) giải bày: “Tôi cùng chồng sống bằng nghề bốc vác đã hơn 20 năm. Hiện nay, chồng tôi bị bệnh thoái hóa cột sống, viêm khớp 2 chân, sức khỏe rất yếu, tôi phải làm gấp đôi để nuôi 2 người con và một cháu ngoại 8 tuổi. Cuộc sống nghèo khổ kéo từ đời mẹ sang con. Vợ chồng đứa đầu đều làm công nhân lương chưa đủ nuôi con nên không dám mơ chuyện con nuôi ba mẹ. Đứa con gái út của tui Trương Thị Mỹ Kiều bị câm điếc một mình không thể nuôi được đứa con trai 8 tuổi nên tôi phải lo. Giờ mà nghỉ làm thì không biết sống sao?”.
Lấp lánh những ước mơ
Cuộc sống muôn vàn khó khăn, nhưng những người phụ nữ nơi đây vẫn luôn “nuôi dưỡng” cho mình ước mơ đổi đời, hướng các con học tập, nâng cao trình độ để thoát nghèo. Lân la làm quen, trò chuyện cùng em Trương Anh Tuấn (học sinh lớp 2/4 trường Phú Hòa 1, TP.TDM) con trai của chị Trương Thị Mỹ Kiều. Hay bị các bạn cùng trường trêu ghẹo vì không có cha, mẹ bị câm điếc, vượt qua mặc cảm Tuấn vẫn học rất giỏi. Tuấn tâm sự: “Em sẽ cố gắng ăn thật nhiều, lớn thật nhanh và học thật giỏi để làm ra thật nhiều tiền, mua nhà cho bà ngoại, ông ngoại cùng mẹ ở. Để bà ngoại, mẹ không phải phơi nắng, vác nặng nuôi Tuấn nữa”. Trước gia cảnh khốn khó, Tuấn dường như ý thức từ bé, do đó em luôn cố gắng học thật giỏi. Kết quả 2 năm liền đạt học sinh giỏi đã thể hiện phần nào quyết tâm của cậu học trò nghèo. Nhằm giúp Tuấn có điều kiện đến lớp, mỗi năm học em được thầy cô trong trường tặng tập sách và gạo.
Hỏi về ước mơ của Tuấn, tôi thật bất ngờ khi em khẽ nói: “Em chỉ cần có cha. Cha về ở bên cạnh mẹ và ngoại, cha sẽ chở em đi học. Các bạn sẽ không bảo em là đứa không cha và không trêu ghẹo mẹ em bị câm nữa”. Nói đến đây, Tuấn bỗng òa khóc, điều ước đó đã nuôi dưỡng trong cậu nhiều năm nhưng chưa thành hiện thực. Tuấn đang còn quá nhỏ để hiểu rằng, do mẹ em bị câm và bị lừa nên mới sinh ra em. Sau đó, người “cha” mà em khao khát thấy mặt đã “cao chạy xa bay”. Tuấn không biết rằng, cậu còn có 1 đứa em trai cùng mẹ khác cha Trương Anh Hiền (5 tuổi) do quá khó khăn, ông bà ngoại đã “gửi” cho một gia đình khá giả nuôi dưỡng.
Cùng cảnh ngộ với Tuấn, Dương Tấn Khoa (10 tuổi, quê An Giang), hiện đang là học sinh lớp 3, trường Tiểu học Mỹ Phước 1, cháu ngoại cô Bảy Kéo làm bốc vác tại cảng cũng mồ côi cha từ nhỏ. Cha em mất sớm, bà ngoại và mẹ tần tảo làm đủ mọi việc để nuôi em ăn học. Ý thức được điều đó, Khoa luôn vâng lời thầy cô, học tập đạt thành tích xuất sắc để đền đáp lại công ơn của mẹ và ngoại. Khoa nói: “Em thương ngoại và mẹ lắm. Mấy bữa nay mẹ bị sốt, ho suốt đêm không ngủ được, bà ngoại mắc bệnh đau lưng. Thấy bà và mẹ bị bệnh em lo lắm nhưng không biết làm gì chỉ biết giúp mẹ nấu cơm, rửa chén, quét nhà. Em mong bà và mẹ khỏe mạnh để sống hoài với em”.
Trước câu nói của đứa cháu ngoan, cô Bảy Kéo rưng rưng nước mắt: “Thấy gia đình nghèo, cháu tui luôn cố gắng học để đem điểm 10 về khoe với bà, với mẹ. Hơn 15 năm gắn bó với nghề bốc vác đã lấy đi không ít sức khỏe của tôi. Tuổi càng lớn, sức khỏe yếu đi, không biết cuộc sống sẽ ra sao. Tôi hy vọng đến lúc nhắm mắt xuôi tay có đủ tiền mua cho con căn nhà nhỏ để có chỗ ở, không phải sống lênh đênh trên ghe thuyền. Điều quan trọng nhất, làm sao lo cho thằng Khoa ăn học thành tài” .
Chia tay các cô tại cảng Bà Lụa, chúng tôi thầm cảm phục tinh thần và nghị lực của họ trước những công việc nặng nhọc, đầy thử thách. Đâu đó văng vẳng bên tai chúng tôi những ước mơ nhỏ nhoi của họ, có căn nhà, con được đến lớp… Với đồng lương “ba cọc ba đồng” thử hỏi đến bao giờ những điều ước ấy thành hiện thực. Liệu những người phụ nữ yếu đuối đó có đủ sức để “vác” trên vai nhiều gánh nặng của cuộc sống này.
ĐỖ TUÂN - XUÂN THI