Nhọc nhằn đi tìm cái chữ
Từ ngày ông Tro Hia lâm bệnh nặng rồi qua đời, trẻ em làng Chăm không còn người đưa đón đến trường nên lần lượt nghỉ học sớm. Đã nhiều năm nay, gần 100 hộ dân trong làng này không có học sinh cấp 2. Tương lai của các em rồi sẽ ra sao? Câu hỏi này cũng là nỗi trăn trở của hàng trăm phụ huynh nhiều năm bám trụ nơi mảnh đất này.
(BDO)
Ông Châu Pha Lê buồn hiu khi nói về việc học của 2 đứa con là Châu Mách và Châu Zapha
Nỗi buồn trẻ thơ
Đến làng Chăm ấp Hòa Lộc, xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng, nhiều người không khỏi ngạc nhiên trước những đổi thay của một vùng đất cằn cỗi năm nào. Ở đây không thiếu những ngôi nhà khang trang, đường nhựa thẳng tắp nối từ đường ĐT749B đến cuối làng. Người dân trong làng cho biết, sở dĩ đời sống của bà con có nhiều thay đổi là nhờ sự quan tâm, giúp đỡ từ chính quyền các cấp; nhờ cán bộ địa phương tận tình hướng dẫn cách làm ăn, thay đổi mô hình trồng trọt nên nhà nào cũng có cao su khai thác, mang lại nguồn thu nhập ổn định. Nhiều mô hình kinh doanh, chăn nuôi khác cũng được bà con áp dụng thành công…
Nhìn chung, cuộc sống của bà con khá đầy đủ, ấm no. Nhưng ở đây hiện vẫn còn một cái thiếu, đó là thiếu chữ. Đi từ đầu đến cuối làng, chúng tôi ghi nhận có rất nhiều trẻ em trong độ tuổi đến trường đang ở nhà. Có đứa thì ngồi tụm năm, tụm ba ở các quán suốt ngày mà không đến trường học hành như bao bạn cùng trang lứa. Hai anh em Châu Zapha và Châu Mách với gương mặt sáng, từng là học sinh giỏi nhiều năm của trường Tiểu học Hòa Lộc, nhưng năm học 2015- 2016 khi được lên cấp 2, các em cũng nghỉ học như những anh, chị khác trong làng. Nghỉ học có nhớ trường, nhớ các bạn không? Châu Mách liếc mắt nhìn tôi với vẻ mặt buồn rồi nhìn sang nơi khác chứ không mở lời. Châu Zapha ngồi cạnh bên cho biết, cả hai đứa (Châu Mách và Châu Zapha) là anh em sinh đôi. Từ ngày nghỉ học, đứa thì hàng ngày theo ba phụ cạo mủ cao su, đứa thì trông em cho mẹ bán hàng ăn sáng tại nhà. Châu Zapha cho biết cả hai anh em rất thích được đi học, nhưng vì trường cấp 2 quá xa nên không đủ sức đạp xe đến trường!
Cách nhà Châu Mách vài căn, em Sarolet với nhóm bạn đang tụ tập ở quán nước để bàn chuyện đi câu cá ở lòng hồ Dầu Tiếng. Chỉ sau một năm xa trường, bây giờ Sarolet đen nhẻm, tỏ ra rành rỏi với những công việc của người lớn. “Mẹ bảo em không đi học nữa thì phải làm việc thật giỏi, như thế sau này mới có tương lai. Em biết đi trút mủ cao su cho ông ngoại, đi câu cá và chế mì tôm để bán cho khách. Em ở nhà quen việc rồi, giờ không thích đến trường nữa” - Sarolet nói.
Người lớn lo âu
Chúng tôi đã tìm gặp rất nhiều phụ huynh để tìm hiểu nguyên nhân trẻ em ở ngôi làng ngày nghỉ học sớm. Ông Kho Sanh, một người lớn tuổi trong làng cho biết, nguyên nhân học sinh bỏ học là do đoạn đường từ nhà đến trường cấp 2 quá xa. Từ ấp Hòa Lộc đến trường THCS Minh Hòa trung bình khoảng 15km, có nơi xa đến 17km nên học sinh không thể đạp xe đến trường, có khi đạp xe đến nơi thì các em không đủ sức để học. “Bây giờ kinh tế khá hơn trước nhiều, bà con không tiếc tiền để mua chiếc xe máy cho con em đi học, nhưng tuổi của các em quá nhỏ, làm sao chạy xe được. Còn nếu đưa rước hàng ngày thì phụ huynh không thể kham nổi. Tính trung bình mỗi ngày đưa đi và rước về mất khoảng 70km đường thì làm sao phụ huynh rảnh rỗi để làm ăn. Ngày trước trong làng ông Tro Hia có một chiếc xe ô tô cũ, vậy là ông đưa rước học sinh mỗi ngày nên con em trong làng mới được đến trường cấp 2. Cũng nhờ công lao của ông ấy mà nhà tôi có 2 đứa con học lên đến đại học, cao đẳng. Sau này, cả làng không có đứa nào học hành thành đạt”.
Cũng theo ông Kho Sanh, từ năm 2009 đến nay, sau ngày ông Tro Hia bệnh nặng rồi qua đời, cả làng không còn con ai học đến cấp 2. Ở đây, năm nào cũng có từ 3 - 6 đứa học đến lớp 5, đó cũng là lớp học cao nhất của tụi nhỏ. “Cứ nhìn trẻ em trong làng nghỉ học là chúng tôi lo lắm, không biết rồi tương lai chúng nó sẽ ra sao. Qua những lần tiếp xúc cử tri với chính quyền, chúng tôi cũng nhiều lần đã bày tỏ việc này”, ông Kho Sanh cho biết.
Ông Kho Sanh đề ra giải pháp “Theo tôi, để học sinh làng Chăm có điều kiện được học lên cấp 2, chính quyền địa phương có thể mở một điểm trường cấp 2 trong này, như thế giáo viên vào dạy sẽ tiện hơn. Hàng năm, mỗi lớp cũng có từ 25 - 30 học sinh, kể cả con em dân tộc thiểu số và người Kinh, nên không sợ thiếu người học. Phương án thứ 2 là bằng cách nào đó, các cấp tạo điều kiện hợp đồng một chuyến xe đưa rước học sinh, chúng tôi sẵn sàng đóng tiền xăng dầu. Phương án thứ 3 là có một chuyến xe buýt chạy từ thị trấn Dầu Tiếng lên đến ngã 3 giáp giữa đường ĐT744 và ĐT749B rồi lên Minh Hòa. Từ làng Chăm ra đến ngã 3 này khoảng 3km. Như thế, sáng ra chúng tôi đưa con em mình ra đây để đi xe buýt đến trường, khi về chúng nó có thể túc tắc đi bộ về nhà. Có được như thế thì may ra con em ở đây mới không xa cái chữ như bây giờ”.
Có cùng nỗi lo trên, ông Châu Pha Lê, ba của em Châu Mách tâm sự: “Nhà tôi đến đây lập nghiệp muộn hơn so với bà con nên không nhiều đất ruộng. Tôi hy vọng sẽ nuôi các con học hành nghiêm túc để sau này chúng nó có nghề ổn định. Nay nhìn 2 đứa lớn đã nghỉ học, rồi những đứa nhỏ tiếp theo không biết sẽ ra sao, tôi lo lắm”. Anh Hồ Sanh, người phụ trách an ninh trong làng, than thở: “Nhìn mấy chục đứa trẻ không được đến trường tôi rất lo về an ninh trong làng. Có đi học, được dạy dỗ đàng hoàng thì chúng nó nên người; còn trình độ thấp sẽ phát sinh những chuyện khó lường!”.
Địa phương trăn trở
Trao đổi với P.V về những bức xúc, âu lo của bà con làng Chăm, ông Phạm Đình Tư, Hiệu trưởng trường Tiểu học Hòa Lộc, cho biết: “Chúng tôi đã rất trăn trở về việc học sinh ở làng Chăm không đến trường cấp 2. Thương học sinh không có điều kiện đến đường vì đường sá xa xôi, không ít thầy giáo đang dạy học ở trường đến tận nhà gặp phụ huynh của các em xin các em ra Minh Hòa ở trọ cùng. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh đã khước từ. Còn việc vận động người dân đưa con em đến trường cấp 2 thì chúng tôi đã thực hiện nhiều lần nhưng không hiệu quả”.
Trong khi đó, ông Trương Thanh Hương, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Hòa, cho biết: “Đầu năm học 2015-2016, khi được trường THCS Minh Hòa báo tin không có học sinh nào ở làng Chăm nhập học, tôi và nhiều cán bộ xã đã đến từng nhà để vận động phụ huynh cho học sinh đến trường, trong đó có cả con em người Kinh. Những em này đều có nhà ở xa trường. Về nguyên nhân các em nghỉ học, chúng tôi đã báo lãnh đạo các cấp. Qua những lần tiếp xúc cử tri, phụ huynh các em cũng đã phản ánh việc này. Theo tôi, nếu được các cấp xem xét mở tuyến xe buýt từ thị trấn Dầu Tiếng lên ngã ba đường ĐT744 giáp với đường ĐT749B vòng lên Minh Hòa thì chắc chắn trẻ em làng Chăm sẽ đến trường nhiều hơn. Đây cũng là nguyện vọng bấy lâu nay của bà con. Còn việc mở phân hiệu trường cấp 2 Minh Hòa gần khu vực làng Chăm, chúng tôi đã đề xuất với Phòng Giáo dục huyện Dầu Tiếng nhưng chưa được xem xét.
Hàng chục trẻ em làng Chăm đã nghỉ học và không biết bao giờ ngôi làng này mới có học sinh cấp 2 như cách đây 6 năm?
Ông Kho Sanh đề ra giải pháp: “Theo tôi, để học sinh làng Chăm có điều kiện được học lên cấp 2, chính quyền địa phương có thể mở một điểm trường cấp 2 trong này, như thế giáo viên vào dạy sẽ tiện hơn. Hàng năm, mỗi lớp cũng có từ 25 - 30 học sinh, kể cả con em dân tộc thiểu số và người Kinh, không sợ thiếu người học. Phương án thứ 2 là bằng cách nào đó, các cấp tạo điều kiện hợp đồng một chuyến xe đưa rước học sinh, chúng tôi sẵn sàng đóng tiền xăng dầu. Phương án thứ 3 là có một chuyến xe buýt chạy từ thị trấn Dầu Tiếng lên đến ngã 3 giáp giữa đường ĐT744 và ĐT749B rồi lên Minh Hòa. Từ làng Chăm ra đến ngã 3 này khoảng 3km. Như thế, sáng ra chúng tôi đưa con em mình ra đây để đi xe buýt đến trường, khi về chúng nó có thể túc tắc đi bộ về nhà. Có được như thế thì may ra con em ở đây mới không xa cái chữ như bây giờ”.
QUẢNG ĐIỀN