Nhớ Nam bộ kháng chiến!

Thứ sáu, ngày 23/09/2011

Thật vậy, mỗi khi được nghe những câu hát, lời thơ ghi dấu ấn một thời hào hùng của dân tộc, ai mà không cảm thấy dâng trào một niềm cảm xúc, tự hào khó tả: “Mùa thu rồi ngày hăm ba / Ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến / Rền khắp trời lời hoan hô / Dân quân Nam nhịp chân tiến ra trận tiền / Thuốc súng kém, chân đi không / Mà đoàn người giàu lòng vì nước...”.

Sử sách Việt Nam vẫn khắc ghi sự kiện này. Với dã tâm quay trở lại xâm lược nước ta, ngay sau khi Nhật đầu hàng Đồng minh, Chính phủ De Gaulle quyết định thành lập một đạo quân viễn chinh sang Đông Dương, dưới quyền chỉ huy của tướng Leclerc; đồng thời cử đô đốc D’Argenlieu sang làm Cao ủy Pháp ở Đông Dương. Ngày 2-9-1945, khi nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn tổ chức mít-tinh chào mừng ngày độc lập, thực dân Pháp nấp trong nhà thờ lớn xả súng bắn ra làm 47 người chết, nhiều người bị thương.

Ngày 6-9-1945, quân đội Anh với danh nghĩa giải giáp quân Nhật tới Sài Gòn, lợi dụng sự kiện nổ súng ngày 2-9, họ đã vu cho chính quyền Việt Nam không giữ được trật tự. Phái bộ Anh ra lệnh tước vũ khí và đòi chính quyền cách mạng ở đây phải giải tán các đơn vị tự vệ, cấm người dân biểu tình. Kèm theo đó, phía sau quân đội Anh là một lực lượng lính Pháp đang chờ để quay lại Đông Dương. Ngày 20-9, quân đội Anh thả các tù binh Pháp bị giam từ ngày Nhật đảo chính; ra lệnh đóng cửa tất cả báo chí ở Sài Gòn và sau đó là hàng loạt những hành động khác nhằm làm ngơ cho quân đội Pháp tiến đánh Sài Gòn vào 0 giờ ngày 23-9-1945... Trước tình hình đó, ngày 23-9, chính quyền Nam bộ đã họp tại phố Cây Mai, Chợ Lớn và hội nghị nhất trí điện ra Trung ương xin phép được kháng chiến vì quyền lợi của quốc gia dân tộc... Chiến sự ban đầu diễn ra trên chiến trường Nam bộ, sau đó phát triển ra Tây nguyên, Nam Trung bộ và đi vào lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc Việt Nam với ý nghĩa là “cuộc quật khởi mang tính nhân dân sâu sắc nhất”...

Sự kiện Nam bộ kháng chiến một lần nữa khẳng định truyền thống yêu nước của dân tộc Việt. “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhận chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”, lời Bác Hồ vẫn vang vọng và sự kiện Nam bộ kháng chiến là một biểu hiện cụ thể của lòng nồng nàn yêu nước ấy. Truyền thống yêu nước của người Việt Nam không chỉ phát huy trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc mà còn trong cống hiến công sức vì sự phát triển vươn lên giàu mạnh của đất nước. Đặc biệt, khi cả nước đang hướng về Trường Sa, nhiều tấm lòng biểu hiện của tinh thần yêu nước đã và đang tích cực tham gia cuộc vận động “Góp đá xây Trường Sa” để những người lính ở đây có thêm điều kiện giữ gìn biển đảo quê hương, giữ gìn sự bình yên cho Tổ quốc. Và được biết đến chiều 20-9, những viên đá đầu tiên của công trình “Góp đá xây Trường Sa” đã được đưa đến tàu Trường Sa 21 để đến với đảo Đá Tây.

Hào khí của những ngày Nam bộ kháng chiến sụt sôi ngàn đời còn lưu dấu. Thế hệ trẻ sinh ra sau chiến tranh vẫn luôn trân trọng những gì thế hệ trước đã gây dựng nên. Truyền thống yêu nước của dân tộc Việt luôn hiện hữu. Đối với những người dân Việt Nam dù ở hoàn cảnh nào, thời kỳ nào thì bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ là trách nhiệm và nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi người.DÂN THƯỜNG