Nhớ mùa thu kháng chiến - Kỳ 2

Thứ hai, ngày 22/09/2014

(BDO) >> Xem kỳ trước

Kỳ 2: Rèn vũ khí chiến đấu

Ông Hà Văn Thăng, nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu lịch sử Đảng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy khẳng định: “Từ trong phong trào Nam bộ kháng chiến, sự ra đời của các lực lượng vũ trang, trại huấn luyện du kích, công binh xưởng… mang ý nghĩa quan trọng, góp phần làm phá sản âm mưu xâm lược Việt Nam lần hai của Pháp”. Câu nói đó đã gợi mở cho chúng tôi tìm về nơi đào tạo bộ đội chuyên nghiệp, xưởng rèn vũ khí cung cấp cho cách mạng.

Huấn luyện bộ đội

Theo chân các đồng chí lão thành cách mạng xã Đất Cuốc, huyện Bắc Tân Uyên, chúng tôi đến Miếu bà Đất Cuốc (ấp 3), nơi ghi dấu một thời anh dũng của quân và dân Tân Uyên trong kháng chiến. Miếu bà giờ đã được xây dựng kiên cố và được UBND tỉnh công nhận danh hiệu di tích cấp tỉnh. Ông Lê Văn Nghe, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Đất Cuốc cho biết, khu vực này trước đây là một bãi đất trống, xung quanh là cây sến cao vút. Địa thế đẹp nên tháng 9-1945, ông Huỳnh Văn Nghệ chọn làm nơi mở trường (trại) huấn luyện du kích (tự vệ chiến đấu quân) cho quân dân các làng, chuẩn bị lực lượng chiến đấu lâu dài.

Chiến sĩ công binh xưởng cưa bom lép lấy thuốc nổ sản xuất vũ khí (ảnh tư liệu)

Chiếc nôi của trại huấn luyện du kích Đất Cuốc là Trường huấn luyện tên gọi là “Trại du kích Vĩnh Cửu”, tọa lạc tại ấp Vĩnh Cửu, xã Tam Hiệp thuộc quận Châu Thành, tỉnh Biên Hòa (nay là thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai). Hưởng ứng Nam bộ kháng chiến (23-9-1945), ngày 26-9-1945, Trại du kích Vĩnh Cửu khai giảng khóa học đầu tiên. Học viên (HV) được tổ chức làm 4 phân đội khoảng 100 người, gồm thanh niên, nông dân các xã ở quận Châu Thành, Biên Hòa, Sài Gòn… Đặc biệt, trại có một tiểu đội lính Nhật rã ngũ tham gia kháng chiến gia nhập làm nhiệm vụ hướng dẫn sử dụng vũ khí, dạy chiến thuật tác chiến. Tháng 10-1945, trại chuyển về An Hảo, đình Bình Đa (xã Tam Hiệp). Sau ngày 25-10, Pháp đánh chiếm Biên Hòa, ông Huỳnh Văn Nghệ và một số đồng chí chủ trương tiếp tục xây dựng lực lượng vũ trang, mở trường huấn luyện du kích để tiến hành kháng chiến tại Miếu bà Đất Cuốc, thuộc ấp Đất Cuốc, xã Tân Hòa (nay là ấp 3, xã Đất Cuốc).

Theo nguyên Bí thư Huyện ủy Tân Uyên Phan Tấn Lập, Trại du kích Đất Cuốc có nhiều HV là những thanh niên từ các xã của Tân Uyên. Các HV học mỗi khóa 2 tuần (khóa đông nhất 60 người). Nội dung chủ yếu là cách sử dụng vũ khí, kỹ thuật chiến đấu, quản lý, chỉ huy… Được trang bị những kiến thức cơ bản, sau khóa học, một số HV trở về các xã làm nòng cốt cho phong trào du kích địa phương, còn hầu hết anh em dự các lớp huấn luyện quân sự gia nhập vào bộ đội Huỳnh Văn Nghệ. Đến cuối tháng 11-1945, bộ đội Huỳnh Văn Nghệ tổ chức thành 4 phân đội, gọi là Vệ quốc đoàn Biên Hòa, hoạt động chủ yếu trong phạm vi quận Tân Uyên.

Nhà gần trại huấn luyện nên ông Lê Văn Rảnh (SN 1934) biết rất rõ quá trình tập luyện, giờ giấc sinh hoạt của các HV. Lúc đó, là cậu thanh niên 11 tuổi, ông chưa được gia nhập khóa học. Do đó, ông thường cùng nhóm bạn trong làng học lén và nhận nhiệm vụ giao liên. Ông Rảnh cho biết, trại huấn luyện chia thành 2 lớp, khóa huấn luyện đặc biệt dành cho bộ đội, còn người dân chỉ học những kỹ thuật sử dụng súng và các đòn thế tấn công. Sau một thời gian ngắn làm quen với việc trở thành bộ đội “chuyên nghiệp”, các HV đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang nòng cốt cho các phong trào chống Pháp tại Tân Uyên về sau.

Tạo vũ khí đánh giặc

Để đáp ứng nhu cầu vũ khí trang bị cho các lực lượng vũ trang đủ sức ngăn cản bước tiến quân thù, đầu năm 1946, Công binh xưởng đầu tiên của Tân Uyên ra đời tại ấp Giáp Lạc, xã Mỹ Lộc (xã Tân Mỹ ngày nay). Qua nhiều lần di chuyển vị trí do địch phát hiện, đánh phá, xưởng đứng chân ở Chiến khu Đ (vùng đất Tân Hòa xưa). Tất cả cán bộ, chiến sĩ xác định rõ trách nhiệm và nhiệm vụ của người lính quân giới phải vượt qua mọi khó khăn thiếu thốn để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trước hết là khó khăn vì thiếu nguyên vật liệu, nghiêm trọng nhất là sắt, gang, đồng. Để khắc phục khó khăn này, xưởng đã tổ chức những đội thu góp phế liệu từ máy móc hư, cũ, vận động nhân dân ủng hộ. Thấy tầm quan trọng của vũ khí đối với chiến tranh, nhiều người dân khu vực Tân Uyên đã đem nồi đồng, mâm thau đồng, kể cả bộ tam, ngũ sư thờ cúng tổ tiên để ủng hộ cho công binh xưởng.

Đặc biệt, khu vực lò chén Đất Cuốc ngày ấy có lợi thế tài nguyên cao lanh cũng được khai thác phục vụ kháng chiến. Những quả lựu đạn bằng đất nung, sản phẩm của lò chén Đất Cuốc được chế tạo phục vụ cho các lực lượng kháng chiến tại Chiến khu Đ. Lựu đạn đất được các chiến sĩ công binh xưởng nhồi thuốc nổ, đặt dây cháy chậm tạo thành một loại mìn với tên gọi “mìn bình vôi”. Chính loại mìn này trở thành vũ khí chiến đấu gây cho địch nhiều thiệt hại. Ngoài việc sửa chữa vũ khí, Công binh xưởng còn tự nghiên cứu sản xuất vũ khí cung cấp cho các đơn vị sử dụng trong chiến đấu có hiệu quả, như: đạn cho súng tiểu liên; mìn ĐH 10 (hay còn gọi là mìn định hướng) nặng khoảng 8kg với chất Tritonal trộn với thuốc nổ TNT; Pê-ta phá tường (FT) dùng đánh lô cốt, tháp canh của địch; Trái Ba-rô...

Ông Nguyễn Ngọc Ảnh (SN 1938), Trưởng ban liên lạc truyền thống quân giới miền Đông Nam bộ, kể rằng, ông sinh ra và lớn lên tại Tân Uyên. Khi còn nhỏ, gia đình không có ai trông coi, ông đã theo ba vào xưởng phụ việc. Ban đầu, ông được phân công những công việc đơn giản, lớn lên có tay nghề mới được chế tạo vũ khí. Ông Ảnh cho biết thêm, thuốc súng được chế tạo từ phân dơi, bom lép của Pháp cưa ra pha chế. Vì bí mật quân sự nên xưởng không cho người dân đến gần. Anh em trong xưởng mò mẫm vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Có những kinh nghiệm được đổi bằng chính mạng sống của họ như trong việc tìm tòi nghiên cứu chế tạo các loại thuốc nổ để sản xuất lựu đạn, mìn, địa lôi, thủy lôi. Với các dụng cụ thô sơ, như: kìm, búa, cưa, đục… đi đến đâu, các chiến sĩ công binh xưởng lại thu gom bom đạn lép của địch để chế tạo vũ khí đánh địch, gây tổn thất nặng nề cho đối phương, góp phần vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của quân - dân Tân Uyên.

Ngồi ngẫm nghĩ về quá khứ, bà Hồ Thị Hoa (lão thành cách mạng xã Tân Mỹ), chia sẻ: “Trước đây ba tôi, ông Hồ Văn Sơn, mọi người hay thường gọi là ông Năm xe ngựa hay chạy xe ngựa đi chung với ông Chín Quỳ. Ba tôi thường chở sắt, đồng vận động được vào Chiến khu Đ. Tôi nghe ba kể lại, làm việc trong xưởng chế tạo rất nguy hiểm nhưng anh em chiến sĩ ai cũng một lòng “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Sau những giờ tập trung căng thẳng, mọi người lại cùng nhau cất vang lời ca. Trong số các chiến sĩ công binh xưởng, có người dùng vỏ bom, vỏ súng tạo ra đàn tranh, sáo biểu diễn phục vụ anh em”.

Qua 2 cuộc kháng chiến thành công có nhiều công sức đóng góp của những cán bộ, chiến sĩ quân giới. Họ âm thầm cống hiến trí tuệ, sức lực để tạo ra những vũ khí hiện đại khiến địch bất ngờ, không kịp chống cự. Giờ đây, hòa bình đã lập lại, những năm tháng gian khổ nhưng hào hùng ngày ấy vẫn còn in đậm trong tâm trí của biết bao chiến sĩ quân giới. Họ mãi là niềm tự hào để thế hệ trẻ mai sau học hỏi, tiếp tục cống hiến sức mình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thân yêu. 

Ông HÀ VĂN THĂNG: Vượt qua mọi hy sinh gian khổ, những chiến sĩ quân giới vừa xây dựng, trưởng thành từ hai bàn tay trắng nhưng đã đạt được nhiều thành tựu trong sản xuất vũ khí cung cấp cho kháng chiến. Trong phong trào Nam bộ kháng chiến, công binh xưởng đóng tại Tân Uyên đã góp phần lớn cùng với quân dân tỉnh Biên Hòa, Thủ Dầu Một, nhân dân Chiến khu Đ đánh bại âm mưu xâm lược của giặc Pháp lần hai ở miền Nam. Về sau, cũng từ bàn tay của những chiến sĩ quân giới đã tạo ra những vũ khí hiện đại góp phần cùng quân dân Thủ Dầu Một đánh thắng đế quốc Mỹ giành lại hòa bình, tự do. 

Kỳ cuối: Tiêu thổ kháng chiến

 THIÊN LÝ