Nhớ mùa thu kháng chiến – Kỳ 1

Thứ bảy, ngày 20/09/2014

 Kỳ 1: “Đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến”

(BDO) “Mùa thu rồi ngày hăm ba. Ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến. Rền khắp trời lời hoan hô. Dân phương Nam nhịp chân tiến lên trận tiền”... Những giai điệu hào hùng của một thời kháng chiến vẫn vang vọng. Đó là lòng yêu nước, ý chí quật cường, sự kiên trung, bất khuất, quyết đánh đuổi kẻ thù xâm lược ra khỏi bờ cõi. Cũng như các vùng quê khác của miền Nam, khi thực dân Pháp xâm lược lần hai, nhân dân Thủ Dầu Một nói chung, Tân Uyên nói riêng quyết đồng lòng “Thà hy sinh tất cả chứ không chịu mất nước”. Những người dân rất đỗi bình dị, với sự lãnh đạo của Đảng vững lòng sắt son một dạ đi theo cách mạng, theo kháng chiến. Họ xông xáo đi đầu, với “tầm vông vạt nhọn” đánh giặc, đã bao phen làm quân thù khiếp sợ.

Thực dân Pháp quay lại xâm chiếm nước ta

Trong căn nhà nhỏ của ông Nguyễn Hậu Tài, cán bộ lão thành cách mạng tại phường Phú Cường (TP.TDM), chúng tôi được nghe kể nhiều về lịch sử của những ngày sau tháng 8 lịch sử. Năm nay, ông đã gần 100 tuổi, sức khỏe có phần yếu đi nhưng những sự kiện lịch sử đối với ông như vừa mới hôm qua. Ông kể, ngày 2-9-1945, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời, một nước dân chủ cộng hòa đầu tiên trong lịch sử dân tộc. Thế nhưng cái hương vị độc lập, dân chủ chưa được bao lâu thì thực dân Pháp quay trở lại xâm lược đất nước ta một lần nữa. Ngày 23- 9-1945, được sự hỗ trợ của quân Anh, thực dân Pháp trắng trợn nổ súng gây hấn ở Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ hai. Trước tình hình xâm lược của địch, ngày 23-9-1945, Xứ ủy Nam bộ và Ủy ban kháng chiến Nam bộ đã tổ chức hội nghị khẩn cấp và phát động nhân dân Nam bộ đứng lên kháng chiến. Tại Tân Uyên, giặc kéo quân vào tháng 1-1946. Ông Phan Tấn Lập, nguyên Bí thư Huyện ủy Tân Uyên (SN 1932) kể lại, thời đó, nhân dân Tân Uyên chủ yếu là nông dân (đa số là cố bần nông), đời sống cơ cực, thiếu thốn mọi bề. Trong thời kháng chiến chống Pháp, ai đi kháng chiến ở Tân Uyên đều phải đối mặt với nguy hiểm triền miên. Trước tình hình thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta, quân và dân Tân Uyên quyết tâm đứng lên kháng chiến. Vì thế, chiến khu Đ được thành lập tháng 2-1946. Nhân dân Tân Uyên nói chung, nhân dân chiến khu Đ nói riêng không những vượt qua được gian lao, mà còn anh dũng đánh giặc giỏi, khiến địch phải gờm: “Chiến khu Đ đi dễ khó về/ Lính đi toi mạng, quan về mất lon”.

Ảnh họa lại buổi lễ nhận danh hiệu vẻ vang “Thành đồng Tổ quốc”  

Củng cố lực lượng

Nhâm nhi miếng trà, ông Mai Sơn Việt (tên thật là Mai Văn Song, SN 1922), ngụ phường Phú Cường, TP.TDM, nguyên Bí thư Huyện ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chánh huyện Đồng Nai thuộc chiến khu Đ (thời kỳ 1948), nhớ lại quá trình chống Pháp lần hai. Ông Việt nói, trong muôn vàn khó khăn phức tạp, một vấn đề cơ bản mà cấp ủy chính quyền cách mạng Tân Uyên hết sức quan tâm là xây dựng lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang. Lực lượng vũ trang của Tân Uyên sau tổng khởi nghĩa không nhiều, vũ khí trang bị còn thô sơ, ít ỏi, nhưng về phía con người lại chứa đầy nhiệt huyết, lòng yêu nước nồng nàn. Đó là lực lượng nòng cốt để xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, là công cụ sắc bén bảo vệ chính quyền, bảo vệ thành quả cách mạng vừa giành được.

Người dân Chiến khu Đ đào củ để nuôi quân (ảnh tư liệu)

Để xây dựng lực lượng dân quân cách mạng, sau khi Pháp chiếm thị xã Biên Hòa, ông Huỳnh Văn Nghệ đã tổ chức cuộc đột nhập để tuyên truyền và cướp vũ khí. Trận đánh không giết được bao nhiêu giặc nhưng cho thấy cách mạng non trẻ đang từng bước lớn mạnh, đủ sức chống Pháp. Chính hoạt động đó tạo lòng tin trong nhân dân, quân ta tuy yếu hơn khi đánh với quân chính quy của giặc nhưng với lòng yêu nước kết hợp sự bền bỉ, mưu trí và trường kỳ thì nhất định thắng lợi. Không bao lâu, Tân Uyên xây dựng chiến khu Đ và trở thành một trong những căn cứ vững mạnh nhất ở Nam bộ.

Hưởng ứng Nam bộ kháng chiến (23-9-1945), khoảng tháng 10-1945, bộ đội ông Tám Nghệ (Huỳnh Văn Nghệ) được tổ chức biên chế thành 3 đại đội, chủ yếu hoạt động ở Tân Uyên và một phần quận Long Thành. Đơn vị “Bộ đội Tám Nghệ” cùng với lực lượng của Trần Văn Quỳ (Chín Quỳ) tự vệ chiến đấu của các làng thuộc quận Tân Uyên đã trở thành lực lượng quan trọng tiến tới thành lập Vệ quốc đoàn Biên Hòa. Sau đó, phái viên Trung ương Nguyễn Bình vào Nam bộ đã triệu tập hội nghị tại An Phú (Củ Chi, Hóc Môn) nhằm thống nhất tổ chức chỉ huy và phát triển lực lượng vũ trang kháng chiến ở Nam bộ. Ông Phan Tấn Lập nhấn mạnh, có được vị tướng tài trí Nguyễn Bình đến miền Nam, nhân dân vùng chiến khu càng tin tưởng vào đường lối của Đảng. Mọi người sẵn sàng thực hiện kế hoạch “vườn không nhà trống”, hay còn gọi là “tiêu thổ kháng chiến” để không tạo điều kiện cho giặc trú đóng lại trên địa bàn. Nhân dân ủng hộ tiền, lương thực, con người để nuôi quân, rèn vũ khí sẵn sàng đối đầu với địch.

Địch nghe tiếng đã khiếp sợ!

Ông Huỳnh Hữu Phước (SN 1930), đại tá quân đội nghỉ hưu tại Thường Tân (Bắc Tân Uyên) kể, ý nghĩa từ sự kiện Nam bộ kháng chiến rất lớn, có tác dụng cổ vũ tinh thần nổi dậy, xây dựng lực lượng đứng lên chống Pháp trong nhân dân Thủ Dầu Một - Biên Hòa nói chung, Tân Uyên nói riêng. Khoảng thời gian này, theo lệnh của Ủy ban kháng chiến Nam bộ, người dân các xã phía bắc Tân Uyên tản cư, đường chính mọc lên những ụ súng, với tất cả vũ khí các loại có thể dùng để đánh giặc. Lực lượng kháng chiến hình thành ngày càng đông và khí thế chiến đấu ngày càng hăng say, quyết liệt. Lời hiệu triệu của Chính phủ “Hãy ủng hộ phong trào đấu tranh oanh liệt của đồng bào Nam bộ” được nhân dân từ trẻ con đến người già, tất cả đều sẵn sàng lao vào cuộc chiến sinh tử, đúng với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”.

Theo lời kêu gọi của Bác Hồ: “Thà chết tự do còn hơn sống nô lệ”, quân và dân Tân Uyên đã thể hiện đúng tinh thần chiến đấu và hy sinh anh dũng cho cuộc sống độc lập, tự do. Theo lời ông Mai Sơn Việt, đầu năm 1946, nắm được ý định xâm chiếm Tân Uyên của quân Pháp khi chúng dùng 3 chiếc tàu theo sông Đồng Nai tiến đánh chiếm Tân Uyên. Do khúc sông tại xóm Vườn Dũ, xóm Nhà Đèn (xã Tân Mỹ ngày nay) ở giữa sông có đá cao nên địch phải cho tàu đi cặp bờ. Tại đây, ta bố trí lực lượng ném lựu đạn lên tàu địch. Một quả lựu đạn rơi trúng ống khói tàu lớn, phá hư động cơ. Hai chiếc còn lại bắn trả giải vây, kéo tàu bị hư và vội rút lui.

Ông MAI SƠN VIỆT: Song song với phong trào Nam bộ kháng chiến, vùng chiến khu Đ đã ra đời, gồm 5 xã: Tân Hòa, Mỹ Lộc, Tân Tịch, Thường Lang, Lạc An (nay thuộc huyện Bắc Tân Uyên). Trước yêu cầu xây dựng căn cứ đứng chân kháng chiến, ngày 20-2-1946, tại rừng Lạc An, Bộ Tư lệnh Khu 7 họp hội nghị bất thường để đề ra nhiệm vụ xây dựng căn cứ. Chiến khu Đ được coi là trung tâm kháng chiến, là nơi ra đời và phát triển của các lực lượng vũ trang miền Đông Nam bộ.

Tiếp sau đó, các chiến sĩ Mỹ Lộc (nay là Tân Mỹ) cũng đã làm quân giặc hoang mang. Ngày 24-1-1946, quân Pháp huy động 4.000 quân hình thành hai mũi tấn công Tân Uyên. Khi chúng đến Mỹ Lộc để rút về Uyên Hưng, quân ta từ cánh rừng trên đồi cao xông ra, dùng dao, mã tấu đánh giáp lá cà với địch. Bị tấn công bất ngờ, địch chống đỡ trong tình thế rối loạn. Ta đốt cháy 6 xe cam nhông, bắn chìm 2 xuồng chiến đấu, bắt một số tên, thu về nhiều vũ khí đạn dược, trong đó có súng trung liên, tiểu liên.

Những tin chiến thắng của quân và dân chiến khu Đ làm nức lòng mọi người. Tại Lạc An, trước sự đàn áp, bóc lột của thực dân Pháp, người dân càng căm phẫn càng nêu cao lòng yêu nước, ý chí căm thù giặc. Tinh thần đó biến thành hành động cụ thể khi quân dân Lạc An đã phục kích địch, tiêu diệt 60 tên, buộc địch bỏ Giáp Lạc chạy sang ấp Đất Cuốc (xã Tân Hòa, nay là xã Đất Cuốc)) vào tháng 4-1946. Ông Sáu Mộc (Võ Văn Mộc, SN 1939, Lạc An, Tân Uyên) bộc bạch: “Là người trực tiếp tham gia kháng chiến, hơn ai hết, tôi đã “cảm” được nỗi căm tức của người dân trước sự tàn bạo của giặc, cũng như niềm khao khát hòa bình. Trong những năm kháng chiến, tinh thần đấu tranh của người dân không bao giờ dừng”.

Sau này cho dù gặp nhiều khó khăn, nhưng cuộc kháng chiến chống Pháp của đồng bào Nam bộ nói chung, nhân dân vùng chiến khu Đ nói riêng vẫn không ngừng lan rộng và phát triển. Từ đó, góp phần cùng miền Nam được Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ tặng danh hiệu vẻ vang “Thành đồng Tổ quốc” (tháng 2-1946).

Kỳ 2: Rèn vũ khí chiến đấu

THIÊN LÝ