Nhớ một thời “Tiếng hát át tiếng bom” : Tiếng hát một thời để nhớ
> Kỳ 2: Nghệ sĩ mù lấy nhạc cụ làm vũ khí
> Kỳ 3: Chiếc đàn từ vỏ bom
Kỳ 4: Tiếng hát một thời để nhớ
Họ là những chàng trai, cô gái mười chín, đôi mươi, hay chỉ mới lên mười của một thời khói lửa, gửi lại ruộng vườn nương rẫy đi theo cách mạng, đem lời ca, điệu múa phục vụ chiến sĩ ngoài tuyến lửa hay đồng bào vùng giải phóng, với niềm khát khao về một ngày đất nước thống nhất… Hòa bình lập lại, mỗi người một phương, họ nỗ lực gắn bó để thêm hương, thêm sắc cho “vườn hoa” văn nghệ trong tỉnh.
Thành viên đội văn nghệ “nhí” 2 thời kháng chiến họp mặt cùng nhau ca hát
Ảnh: THÀNH VIÊN ĐỘI VĂN NGHỆ NHÍ 2 CUNG CẤP
Hát cho nhân dân vui, chiến sĩ phấn khởi
Những ngày đầu tháng 4 lịch sử, tôi tìm về TX.Tân Uyên, nơi có chiến khu Đ hào hùng. Vùng đất chiến khu ngày ấy còn nổi tiếng bởi tinh thần đấu tranh trong sự lạc quan của nhân dân và chiến sĩ. Họ luôn nêu cao tinh thần cách mạng, nghêu ngao lời ca chiến thắng. Tinh thần đó đã “thắp lửa” cho những thành viên trong Đội Văn nghệ thiếu nhi Tân Uyên. Đội văn nghệ thành lập những năm 50, với 30 diễn viên “nhí”. Chiến tranh ác liệt, những thành viên nhí của đội văn nghệ lớn lên, người tiếp tục chiến đấu, người mãi mãi nằm lại dưới mảnh đất quê hương. Không để những “bữa tiệc” tinh thần ngắt quãng, năm 1958-1959, đội văn nghệ “nhí” 2 được hình thành với 20 thành viên, đa phần là nữ. Họ tràn đầy nhiệt huyết, niềm tin của tuổi trẻ.
Bà Nguyễn Thị Bùi, (SN 1945, Thạnh Phước), thành viên đội văn nghệ nhí 2, kể lại: Thời bấy giờ, dưới sự đàn áp của giặc, Tân Uyên như chìm trong lửa đạn. Để tạo khí thế cách mạng hào hùng, đội văn nghệ thiếu nhi ra đời.
Ban đầu, do không có nhạc cụ nên nhóm chỉ “hát chay”. Về sau, nhóm được đầu tư nhạc cụ, trang phục và cho các thành viên nhí học đàn. “Mỗi khi đội biểu diễn ở đâu, tất cả diễn viên cùng hòa mình, khẩn trương triển khai sân khấu phục vụ. Đội biểu diễn phục vụ bà con vào ban đêm, còn phục vụ bộ đội vào ban ngày. Những tiết mục đội biểu diễn liên tiếp nhận được những tràng pháo tay tán thưởng nồng nhiệt. Điều này đã khích lệ đội, động viên nhau cố gắng hát thật hay để bà con vui, để bộ đội có thêm dũng khí xông pha nơi trận tuyến”, bà Bùi nói.
Hát, múa bằng trái tim
Mặc cho bom rơi, đạn nổ, tiếng hát vẫn át tiếng bom; những điệu múa, tiếng đàn vẫn bay lên trải dài theo những bước chân của chiến sĩ trên khắp nẻo chiến trường. Những lời ca cao vút, trong veo của các em thiếu nhi còn vang đến những vùng mới giải phóng, vận động người dân xây dựng hũ gạo tiết kiệm nuôi quân, tích cực tham gia tòng quân… Bà Võ Thị Phi, thành viên trong đội nhớ như in những lần đi biểu diễn phục vụ bộ đội, phục vụ bà con và cả những lần bị địch phục kích trên đường đi biểu diễn. Các buổi biểu diễn tuy mộc mạc, giản dị, nhưng chất chứa nghĩa tình yêu quê hương, đất nước, yêu cách mạng luôn được bà con đón nhận bằng cả tấm lòng. Sân khấu chỉ là bãi đất trống nhưng cũng khá đủ để ca sĩ, diễn viên “nhí” trình diễn. Bà con vây quanh chật kín để xem. Sự chào đón nồng nhiệt của khán giản đã thôi thúc ca sĩ “nhí” hát bằng cả trái tim. Sau những buổi diễn, đội còn được bà con “trả công” bằng những chiếc bánh ngọt, hay trái cây.
Thời bình biểu diễn ở đâu, các cụ vẫn cố gắng có mặt để cùng hòa đàn, cùng hát. Ảnh: THÀNH VIÊN ĐỘI VĂN NGHỆ NHÍ 2 CUNG CẤP
Để “trụ” trong đội, các thành viên đều là những “hạt nhân” đa tài, vừa biết hát, vừa biết múa và kiêm luôn dẫn chương trình (để chẳng may nếu một thành viên trong đội bị bệnh vẫn có người để thay thế). Ngoài biểu diễn, học văn hóa, thời gian còn lại cả đội được các cô, chú có ngón đờn hay, giọng hát khỏe, khả năng biên soạn các điệu múa truyền dạy kinh nghiệm. Do đó, ai cũng “lĩnh hội” cho mình một vài kỹ năng, phát huy năng khiếu trên sân khấu.
Sau 10 năm phục vụ, các thành viên nhí ngày nào giờ đã trở thành những ca sĩ, diễn viên chuyên nghiệp. Qua chừng đó năm gắn bó với rừng, với bộ đội, khó có thể kể hết những gian nan, vất vả, thậm chí phải đối mặt với hiểm nguy trong những lần đi biểu diễn, nhưng ai nấy đều háo hức, mong đợi. Bà Võ Thị Phi, kể: Mỗi chuyến về cơ sở biểu diễn phải đi bộ từ 2 -3 ngày đường, hành trang ngoài đạo cụ, trang phục, phông màn còn là gạo, muối... Có hôm trên đường “lưu diễn” gặp một đơn vị bộ đội dừng chân ở trạm giao liên yêu cầu hát, thế là cả đội dừng lại phát quang một vạt cỏ, dựng tạm vài tấm phông màn làm sân khấu dã chiến để phục vụ các chiến sĩ. Diễn viên cũng không trang điểm cầu kỳ, có người còn để mặt mộc lên sân khấu biểu diễn nhưng trước yêu cầu của bộ đội vẫn hát liên tục mấy bài.
Đến giai đoạn kháng chiến chống Mỹ (năm 1970), nhóm văn nghệ tách ra mỗi người một nơi. Từ đó, người tiếp tục ở lại chiến khu kháng chiến, người về địa phương hoạt động mật. “Cuộc đời mỗi người được chia thành nhiều chặng đường, mỗi chặng đường để lại nhiều xúc cảm khác nhau, nhưng với tôi ký ức một thời là phục vụ văn nghệ kháng chiến như mới diễn ra ngày hôm qua”, bà Út Nhanh, chơi đàn mandolin của Đội Văn nghệ thiếu nhi Tân Uyên tâm sự.
Phát huy tinh thần văn nghệ
Chiến tranh đã lùi xa, 20 thành viên ngày ấy giờ chỉ còn lại 12 người. Không để phong trào văn nghệ của đội tan rã, các cô chú họp nhau tổ chức lại nhóm. Năm 1995, những người bạn năm xưa có dịp gặp nhau tại nhà riêng bà Võ Thị Phi (phường Tân Phước Khánh, TX.Tân Uyên). Ngôi nhà này cũng là địa điểm sinh hoạt thường xuyên của nhóm. Sau bao nhiêu năm xa cách, giờ đây những ca sĩ, diễn viên “nhí” đã trở thành cụ ông, cụ bà. Niềm khao khát lớn nhất là được thường xuyên gặp bạn bè, cùng hòa đàn, hát những bản tình ca ngợi ca quê hương đất nước. Do đó, Đội Văn nghệ Tân Phước Khánh ra đời, nòng cốt là 12 người. Vài tháng một lần, anh chị em lại ngồi bên nhau như gần 30 năm về trước đã từng mặc trang phục biểu diễn cùng nhau trên sân khấu, dù pháo vẫn dội, đạn vẫn bắn xối xả…và cùng nhau dàn dựng chương trình để về lại chiến khu cách mạng xưa để hát, để múa; để được sống trong tình đồng đội, đồng bào…
Tinh thần văn nghệ của các cụ đã được lớp trẻ TX.Tân Uyên tiếp nối. Hiện nay, nhóm gần 50 thành viên với đủ người đàn, người hát, múa, soạn kịch… Tại các hội thi, hội diễn của tỉnh, nhóm đã đại diện Tân Uyên tham dự và gặt hái nhiều thành tích. “Chúng tôi luôn hy vọng “tre già măng mọc”, để phong trào văn nghệ mãi là “món ăn” tinh thần từ thời này sang thời khác. Các thành viên trong đoàn thường nhắc nhau, khuyến khích, động viên con cháu tham gia văn nghệ, nhất là phải thể hiện tốt các ca khúc cách mạng. Với ca từ sôi động, chứa đựng đầy nhiệt huyết tuổi trẻ, tinh thần vì quê hương… sẽ làm thế hệ mai sau hiểu hơn về truyền thống cách mạng của dân tộc, tinh thần vì nước quên thân để con cháu có được ngày vui hòa bình”, bà Út Nhanh bộc bạch.
Kỳ cuối: Những nghệ sĩ nơi chiến trường
THIÊN LÝ