Nhớ một thời con gái...
(BDO) Tinh thần quyết tâm của anh chị em “Thà hy sinh chứ không cho chúng bắt sống” đã trở nên bất hủ, trở thành biểu tượng của những cô gái mười tám đôi mươi trong Trung đội Nữ pháo binh Dầu Tiếng (B4). Trong 9 năm tồn tại, trận địa pháo của các chị đã giáng cho địch nhiều đòn chí tử, hồn bay phách lạc.
Buông đục cầm súng đánh giặc
Mấy mươi năm trôi qua, ngày 20-12-1967 đã trở thành một kỷ niệm không bao giờ quên của những cô gái tóc dài trong Đội Nữ pháo binh Dầu Tiếng năm xưa. Mười tám đôi mươi, những cô gái vốn là con của các công nhân công tra ở Dầu Tiếng đã rời xa gia đình, bỏ lại cày, cuốc, dùi, đục, gác lại công việc thường nhật để cầm súng đánh giặc.
Cán bộ, chiến sĩ B4 vui mừng ngày họp mặt
Ông Nguyễn Việt Trân, nguyên Bí thư Đảng ủy Quân sự huyện Dầu Tiếng, nhớ lại: “Để chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, ta đẩy mạnh công tác chuẩn bị về tổ chức xây dựng phát triển lực lượng vũ trang, lực lượng chính trị, phân công bố trí cán bộ quân sự chính trị, binh vận trên các hướng. Trong bối cảnh đó, ngày 20-12-1967, tại lô 21 làng 6, Huyện ủy đã quyết định cho thành lập Trung đội Nữ pháo binh lấy phiên hiệu là B4, lấy bìa rừng lô cao su 21 làm căn cứ đầu tiên. Huyện ủy cử đồng chí Nguyễn Thị Ánh làm Trung đội trưởng. Quyết định thành lập trung đội nhưng ngày ra mắt chỉ mới tập hợp được 2 tiểu đội, với 12 chị nòng cốt. Vũ khí trang bị gồm 1 khẩu cối 60 ly, 1 khẩu B40, 8 khẩu AK, 3 khẩu CKC, 2 khẩu M1 Carbine. Đến tháng 1-1968, B4 đã có 22 chị em”.
Bà Huỳnh Kim Oanh, nguyên Thường vụ Huyện ủy Dầu Tiếng, cho biết, khi thành lập đội nữ pháo binh, có rất nhiều ý kiến khác nhau, có phần chưa tin tưởng vì cho rằng chị em chân yếu tay mềm không thể sử dụng được súng cối. Vậy nhưng cấp ủy vẫn quyết tâm xây dựng đơn vị nữ pháo binh và cử những cán bộ có uy tín của Đại đội 64, Đội Biệt động của huyện trực tiếp xây dựng, huấn luyện đơn vị. Được học tập và rèn luyện chỉ trong thời gian ngắn, nhưng chị em đã học tập, quản lý sử dụng thành thạo vũ khí được trang bị, kể cả súng cối 60 ly. Đồng thời, các chị ý thức rõ trách nhiệm của mình, sát cánh cùng đội biệt động của địa phương dũng cảm chiến đấu, lập nhiều thành tích.
Trận xuất quân đầu tiên của B4 là vào tháng 3-1968. Khi đó, quân Mỹ dùng máy bay lên thẳng đổ 1 tiểu đoàn thuộc Sư đoàn 25 xuống cánh đồng lô 35 - Làng 6 để mở cuộc càn quét vào các làng giải phóng của ta. Được sự chỉ đạo của Huyện đội, B4 đem cối 60 ly đặt tại cổng lô 34 bắn vào bãi đổ quân của địch. Kết quả, ta đã bắn cháy 3 máy bay trực thăng, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 30 tên Mỹ - ngụy. Trong trận này, 3 đồng chí trong B4 được tặng thưởng danh hiệu Dũng sĩ diệt máy bay.
Bà Bùi Thị Đây, một chiến sĩ B4 nhớ lại: “Trong Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968, B4 đã có nhiều trận pháo kích vang dội. Tiêu biểu là B4 kết hợp với biệt động và C64 tấn công vào Chi khu quân sự. B4 bố trí trận địa súng cối 60 ly tại trụ sở nghiệp đoàn để bắn vào Dinh Quận trưởng và Bót Bảo an gây cho quân địch nhiều tổn thất. Ngoài ra, B4 còn kết hợp với biệt động thường xuyên đột nhập vào các ấp chiến lược, ấp 4, Làng 2 để tham gia cảnh cáo, bắt ác ôn và hỗ trợ cho cán bộ phong trào diệt ác phá kiềm, phát động quần chúng xây dựng cơ sở… Hay B4 phối hợp với đơn vị C1 đánh bọn địch tại lô 6, Làng 4. Kết quả, bắn cháy một xe tăng M41 và bị thương nhiều tên địch. B4 kết hợp với C1 đánh bọn địch, khi địch rút về ta đem cối 60 ly ra đánh tại Làng 2 làm cháy 1 xe M113…”.
Chiến đấu đến hơi thở cuối cùng
Tại chiến trường Dầu Tiếng, từ sau 2 đợt cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Mỹ - ngụy đã gượng dậy phản cách quyết liệt, mở nhiều cuộc càn quét lớn hỗ trợ cho kế hoạch bình định gom dân, từng bước khôi phục lại tuyến phòng thủ trung gian nhằm đẩy mạnh khối chủ lực ta ra khỏi vùng trung tuyến có ý nghĩa chiến lược quan trọng này. Bà Huỳnh Kim Oanh kể lại, từ cuối năm 1968, Mỹ - ngụy triển khai lực lượng lớn bung ra đánh phá ác liệt vùng căn cứ. Ngày 17-3-1969, Mỹ - ngụy mở cuộc hành quân quy mô cấp sư đoàn mang tên Atlas - “Cái nêm Atlas” vào Đông Bắc Dầu Tiếng, Tây Bắc Lai Khê, nhằm đánh bật bộ đội chủ lực ta hỗ trợ cho kế hoạch gom dân, thực hiện chương trình bình định cấp tốc. Địch sử dụng toàn bộ Trung đoàn Kỵ binh thiết giáp 11, Lữ đoàn 3 Sư đoàn 25 Bộ binh Mỹ càn quét đánh phá vòng ngoài cho lực lượng quân ngụy thực hiện bình định gom dân. Với hơn 10.000 quân và hơn 200 xe tăng, thiết giáp, địch thực hiện một cuộc vây ráp khổng lồ và tàn khốc nhất vào các làng công nhân ở Dầu Tiếng, Long Nguyên. Chỉ trong 10 ngày, dân của các làng trong đồn điền cao su Dầu Tiếng chỉ có khoảng vài chục người chạy thoát vào rừng căn cứ, còn tất cả đều bị địch dồn ép vào 5 ấp chiến lược trong thị trấn. Đến cuối tháng 3-1969, dân ở 18 làng cao su đã bị ủi phá tan hoang. Cả một đồn điền với hơn 9.200 ha cao su bị phá hủy 2/3. Xóm làng trở thành nơi tự do bắn phá của phi, pháo, nên tự do càn ủi của xe tăng, xe của địch. Các căn cứ của Huyện ủy, Huyện đội ở Làng 4, Làng 10, Làng 14 đều bị xe tăng địch càn ủi; nhất là sau khi có một tên đầu hàng phản bội chỉ điểm, địch càng bắn phá quyết liệt. Chúng ủi phát triệt hạ làng không còn một gốc cây cho ta ẩn nấp hoạt động. Làng bị san bằng, chúng tiếp tục bắn pháo thả bom hủy diệt dân. Nhiều cán bộ, đảng viên, chiến sĩ của Dầu Tiếng đã anh dũng chiến đấu hy sinh trong cuộc hành quân “Cái nêm Atlas” của địch.
Tuy cuộc chiến rất khốc liệt nhưng chị em trong B4 không hề nao núng. Bà Bùi Thị Đây tự hào cho biết, trong bối cảnh đó, để đánh bại chiến lược “Bình định và càn quét”, ngoài việc đánh địch trực tiếp, chị em B4 đã kết hợp với biệt động thường xuyên đột nhập vào ấp chiến lược (ấp 4, 5 năm Làng 2, khu vực thị trấn Dầu Tiếng) hỗ trợ cho cán bộ phong trào phát động quần chúng diệt ác, phá kiềm, vận động thanh niên tòng quân bổ sung cho các lực lượng của huyện. B4 còn làm nhiệm vụ bảo vệ quân y, tải thương, tải đạn xây dựng căn cứ, tăng gia sản xuất, làm nhà đưa dân về vùng giải phóng…
Trong giai đoạn ác liệt nhất của cuộc chiến, chị em B4 vẫn anh dũng chiến đấu. Bà Bùi Thị Đây nhớ lại: “Cuối năm 1969, B4 và biệt động đánh địch bung ra ngoài vùng căn cứ của ta. Bọn Sư đoàn 5 có cả xe tăng từ Làng 14 chạy về đóng quân tại lô 20 ở Làng 6, cách căn cứ B4 và biệt động khoảng 1km. Tổ trinh sát ta đi về báo lại, chúng cụm lại tại lô 20. B4 và biệt động đem hai khẩu cối 60 ly đi đánh bọn cụm lại. Vị trí đặt cối tại cống đồng lô 21. Khi đang đánh cối thì bọn địch phát hiện nên chúng phản kích, có cả xe tăng bao vây bắn phá ác liệt. Nhưng với tinh thần quyết tâm của anh chị em thà hy sinh chứ không cho chúng bắt sống, anh chị em quyết tâm xẻ đường máu rút về. Trận này, B4 và Biệt động hy sinh 2 đồng chí. Chúng giữ xác đến ngày hôm sau ta mới lấy được đem về căn cứ...”.
Cũng theo lời kể của bà Đây, sau khi địch gom dân vào ấp chiến lược, chúng kìm kẹp gắt gao, ta không liên lạc với dân được cho nên đời sống chị em rất khó khăn phải đi tìm rau củ để sống qua ngày. Trong khi đang hái rau, hai chị bị địch bắn bị thương rồi chở đi mất tích. Sáng hôm sau, đơn vị tổ chức bám dân để nắm tình hình về hai chị bị mất tích thì phát hiện biệt kích. Hai bên nổ súng. Địch bị thiệt hại nặng. Còn B4 thì có chị Trần Thị Tư hy sinh...
Trong suốt 9 năm tồn tại, B4 tham gia chiến đấu trên 20 trận. Đặc biệt, trong giai đoạn cuối 1968-1969, chiến tranh ở vào giai đoạn khốc liệt nhất, nhiều chị em hy sinh để lại bao biết tiếc thương và kỷ niệm xúc động khôn nguôn cho đồng đội. Trong suốt quá trình chiến đấu, B4 đã phối hợp, hỗ trợ các mũi phong trào diệt ác, phá kiềm, đưa các cuộc đấu tranh chính trị của quần chúng nhân dân thành cao trào mới, góp phần vào đánh thắng Mỹ - ngụy, cùng cả nước giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Những trận đánh và chiến công mãi là dấu ấn, là vinh quang của chị em nữ B4, phần lớn chị em trong đội đều là Dũng sĩ diệt Mỹ, Dũng sĩ diệt xe tăng, máy bay địch. B4 được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng III.
Giờ đây, chiến tranh đã lùi xa nhưng các chị vẫn còn nhớ mãi một thời con gái. Hàng năm, vào ngày 20-12, chị em B4 lại tổ chức họp mặt để gặp gỡ, thăm hỏi, động viên nhau. Những lần đó, không chỉ có niềm vui, mà còn có nước mắt của ngày gặp mặt, niềm xúc động khôn nguôn khi nhớ về những đồng chí, đồng đội đã hy sinh cho cuộc sống hòa bình hôm nay. Và, những mái tóc xanh thuở nào, giờ tuy đã bạc bởi màu thời gian, lại chụm vào nhau. Các chị lại kể cho nhau nghe những câu chuyện như huyền thoại của những ngày thanh xuân rực lửa.
THU THẢO