“Nhờ” mẹ già nuôi con thơ...
Có nhiều người vì hoàn cảnh bắt buộc đành phải gửi con nhỏ cho ông bà chăm sóc. Xa con họ xót lòng và luôn có trách nhiệm với ba mẹ cũng như đứa con của mình. Thế nhưng, lại có những đứa con chỉ vì... làm biếng mà đẩy trách nhiệm nặng nề lên vai người mẹ già của mình...
1. Chị Hậu (quê Thái Bình) vào Bình Dương bán vé số. Chồng chị làm nghề phụ hồ. Hai anh chị không biết cuộc sống nơi đất khách quê người thế nào nên đành gửi lại đứa con vừa thôi nôi cho bà ngoại trông giúp. Xa con, chị Hậu nói “nhớ đứt ruột em ơi, nhìn ai bồng con cỡ tuổi con mình là rớt nước mắt, không biết giờ này con đang ngủ hay thức, bà cháu đã ăn uống gì chưa?”. Anh chị tiết kiệm từng đồng trong chi tiêu và hàng tháng tính từng khoản đâu ra đó từ tiền cho mẹ đi chợ, tiền sữa, bánh và thỉnh thoảng mua quần áo mới cho bà cháu. Chồng chị nói thêm: “Làm phụ hồ vất vả mỗi ngày kiếm được gần 150.000 đồng nên vợ chồng tôi gói ghém dữ lắm. Hàng tháng, vui nhất là ngày được nghỉ làm, cùng vợ lên bưu điện tỉnh hý hoáy viết cái giấy gửi tiền về cho bà cháu ngoài quê”. Cuộc mưu sinh xa quê vất vả nhưng theo anh chị là cũng đỡ hơn ở nhà làm ruộng. Tuy nhiên, anh cho biết: “Làm gì thì làm nhưng phải ở gần con. Chỉ tạm xa một thời gian chứ đi riết thế này chịu không nổi. Một là chúng tôi thuê nhà rộng hơn, đón hai bà cháu vào. Hai là tích lũy ít vốn rồi về quê tìm công việc làm ăn”...
Con cái luôn cần có bàn tay mẹ chăm sóc
2. Tôi cũng nhớ dịp qua Tết Nguyên đán vừa rồi, đến mấy dãy nhà trọ tìm hiểu về tình hình lao động, tôi để ý một cô công nhân cứ ôm mặt khóc rưng rức. Tưởng có vụ “vợ chồng công nhân bạo hành” nào đây nên tôi lại hỏi xem. Anh chồng khi nghe tôi “dò xét” bật cười: “Không có đâu chị ơi. Vợ chồng tụi em đều nghèo, xa quê làm ăn, thương nhau còn không hết chứ làm gì mà đánh nhau?”. Rồi anh giới thiệu “người mít ướt” này là Thúy, vợ em. Hôm rồi hai vợ chồng về quê ăn tết kể chuyện ở trong này phải tăng ca liên miên. Con nhỏ mới có 8 tháng phải gửi lăn lóc ở nhà trẻ tư nhân từ 6 giờ tối đến 6 giờ chiều mới đón về được. Thế là ông bà nội ngoại nhất định “để thằng cháu đích tôn lại đây cho ba mẹ nuôi giùm, nghe xót xa quá, không chịu được”. Ông bà nội, ngoại hai bên đều đồng ý “phương án” này. Bởi, theo con vào Nam thì không ai coi nhà cửa, làm ruộng vườn, lại không thể sống chung với nhau nơi phòng trọ chật hẹp. Thế nhưng, mặc dù đã được ba mẹ chồng “bảo đảm” sẽ cưng cháu hết sức, nuôi vài năm cứng cáp rồi cho theo ba mẹ nhưng chị Thúy vẫn cứ khóc khi tan ca về phòng nhìn những người khác đón con về tất bật tắm rửa, cho con ăn.
Chị Thúy cho biết, xa con, chị vừa nhớ thương con đứt ruột vừa như thấy mình có lỗi với ba mẹ chồng khi phải để ông bà chăm cháu. Để phần nào đỡ đần cho ông bà, việc đầu tiên mà chị Thúy làm ngay khi tiền lương chuyển vào thẻ ATM là đi chuyển về quê nhờ đứa cháu “rút tiền gửi ông bà liền giúp thím nhé!”...
3. Thế nhưng, cũng có người “nhờ” mẹ nuôi hộ con của con một thời gian nhưng lại đi thẳng để cảnh bà già nuôi cháu nhỏ năm này qua năm khác. Đó là trường hợp của bà Hai mà tôi gặp trong một lần bà đưa cháu đi nhận học bổng học sinh nghèo vượt khó do các doanh nghiệp tài trợ ở huyện Bến Cát. Trong khi hai bà cháu ngồi chờ nhận học bổng thì anh xe ôm đứng ngoài hiên giục: “Bà về liền chưa để tui chờ, không thì tui tranh thủ kiếm cuốc xe khác”. Bà Hai quay sang hỏi tôi lâu không cô, học bổng... gì đó có đủ cho tui trả tiền xe ôm không cô. Khi nghe tôi nói trao chừng 15 phút xong thôi à và học bổng đến 500.000 đồng thì bà Hai mừng rỡ. Bà nói vậy là trả tiền xe ôm... dư rồi và có tiền đong gạo, mua đồ ăn.
Như có dịp bày tỏ nỗi buồn, bà Hai kể: “Thằng cháu tui tội nghiệp lắm cô. Không được ba mẹ chăm sóc nên nó nhỏ chút xíu. Học lớp 3 mà như trẻ lớp 1. Tui cũng đi làm thuê, làm mướn nuôi cháu nên làm sao lo cho nó đầy đủ được. Cũng may, nó biết thương bà, ham học. Nó nói bà nội cho con ở với bà, con không muốn ở với ba mẹ con...”. Theo bà Hai, con trai bà thích lông bông hơn đi làm. Nó cưới vợ quê Nha Trang. Con dâu bà vào đây làm công nhân may. Tưởng con yên bề gia thất, bà cũng mừng trong lòng. Nhưng thằng con bà không lo làm ăn lại còn ghen tuông, đánh vợ vô cớ. Chịu hết nổi, con dâu bà xin phép được mang con về ngoại sinh sống. Thế là anh chồng vũ phu đánh cho một trận nhừ tử và dọa: “Mày theo thằng nào thì đi đi, cấm mang con tao đi theo. Mang con đi, tao giết hết!”. Quá sợ hãi, chị đành bỏ lại con về quê, đã mấy năm rồi chưa thấy quay lại thăm con... Bà Hai nghẹn ngào khi kể về gia cảnh của mình...
Đã làm cha mẹ nên có trách nhiệm hơn với con. Nếu vì hoàn cảnh cũng phải lo bươn chải cho con sống đầy đủ. Chứ đẩy hết gánh nặng lên vai những người già nghe sao cám cảnh quá.
QUỲNH NHƯ