Nhớ mãi những lần gặp Đại tướng
Sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã để lại niềm tiếc thương vô hạn với cả dân tộc Việt Nam và các nước trên thế giới. Trong nỗi niềm tiếc thương vô hạn đó, nhiều giọt nước mắt đã rơi và đọng lại, in hằn trên khuôn mặt đầy những “vết chân chim” của những người cựu chiến binh. Trong đó, có những người đã may mắn được gặp vị Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam trong những năm tháng trai trẻ của đời binh nghiệp.
Cựu chiến binh Huỳnh Tắc: Nhớ như in hai lần được gặp Đại tướng
Tôi tôn sùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp vì ông không chỉ là một vị tướng “Văn võ song toàn” mà còn là người Anh Cả rất đỗi bình dị của Quân đội nhân dân Việt Nam. Từ một nhà giáo dạy lịch sử, không qua trường lớp quân sự nào mà ông đã trở thành một Tổng tư lệnh với tài thao lược hiếm có.
Ông Huỳnh Tắc (hiện là Phó Chủ nhiệm CLB Hưu trí tỉnh) sững sờ khi biết tin Đại tướng tạ thế
Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân ngày ấy chỉ có 34 người với tầm vông, tầm nhọn cùng chiến thuật chiến tranh du kích, đại tướng đã chứng tỏ được tài thông minh trí lược của mình. Từ thực tiễn cho đến những bài học kinh nghiệm cho thấy, phương thức chiến tranh nhân dân của Đại tướng đã thắng những vũ khí tối tân, hiện đại của quân đội Pháp, Mỹ. Sách lược, chiến lược cùng sự quyết đoán của Đại tướng trong từng trận đánh đã tạo nên sức mạnh tổng hợp dẫn đến thắng lợi, từ thắng lợi nhỏ cho đến thắng lợi lớn. Nổi bật nhất là thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, báo hiệu sự sụp đổ của chế độ thực dân Pháp, đó là minh chứng cho tài quân sự của Đại tướng. Sau đó là chiến dịch Hồ Chí Minh, tôi đang trên đường hành quân từ Bắc vào Nam thì nhận được mệnh lệnh nổi tiếng của Đại tướng “Thần tốc, thần tốc, thần tốc hơn nữa. Tranh thủ từng giờ, từng phút xốc tới, tiến lên để giành thắng lợi”. Những chiến công lừng lẫy của Đại tướng đã khiến cả thế giới phải nghiêng mình nể phục.
Tôi có dịp được gặp Đại tướng hai lần trong đời. Đó là năm 1954, lúc đó tôi là một chiến sĩ trong Sư đoàn 330, Trung đoàn 656. Trong một lần tập kết ra Thanh Hóa, 7 giờ sáng chúng tôi dừng chân ở một cánh đồng mênh mông ở huyện Hoằng Hóa. Lúc này Đại tướng xuất hiện, nhắc nhở các chiến sĩ nâng cao tinh thần quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ. Đại tướng nói ngắn gọn, Sư đoàn 330 là sư đoàn chủ lực của miền Đông Nam Bộ trong chiến dịch lần này, vì vậy cần phải phát huy hơn nữa truyền thống của sư đoàn. Cả một rừng bộ đội đứng lên, hoan hô như một lời hứa quyết tâm đánh thắng giặc ngoại xâm.
Lần thứ hai vào năm 1959. Lúc đó tôi là chiến sĩ thi đua của Trung đoàn tập trung ra Hà Nội nhận nhiệm vụ mới. Tôi và các chiến sĩ khác vinh dự đến chúc tết Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tôi vẫn còn nhớ thời khắc Bác Hồ xuất hiện, đi sau Bác là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Cả Bác và Đại tướng đều thân mật bắt tay từng chiến sĩ. Sau những lời thăm hỏi, động viên của Bác Hồ, Đại tướng căn dặn các chiến sĩ sau khi trở về đơn vị phải phát huy tinh thần chiến đấu, khắc ghi những lời dạy của Bác để xây dựng lực lượng quân đội chính quy, hiện đại. Cho đến bây giờ, lời dặn của Đại tướng còn như văng vảng bên tai. Khi nghe tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra đi, tôi bàng hoàng xúc động, cảm giác như mất một điều gì đó quý giá lắm, mấy ngày sau đó tôi như “ăn không ngon, ngủ không yên”. Sự ra đi của Đại tướng là tổn thất lớn cho dân tộc Việt Nam.
Cựu chiến binh Dương Quang Vinh: Câu hát về Đại tướng theo suốt cuộc đời
Từ khi tôi mới là cậu thiếu niên sinh sống ở nước ngoài, tôi đã thuộc bài hát ca ngợi về Đại tướng. Khi tham gia Hội Việt kiều cứu quốc ở Thái Lan, tôi được Tỉnh ủy Việt kiều cứu quốc chỉ đạo tham gia đội quân tình nguyện Việt Nam ở Viêng Chăng, Lào.
Nỗi xót xa của ông Dương Quang Vinh (hiện là cựu chiến binh phường Phú Cường, TP.TDM) khi nhắc về kỷ niệm quý báu với Đại tướng Võ Nguyên GiápMột lần chúng tôi tập kết ra quân khu Tây Bắc, tôi và một chiến sĩ có tên Hoàng Kính được chỉ đạo bảo vệ cây cầu ở Sơn La. Lúc này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp xuất hiện và đi bộ, Đại tướng đến bắt tay chúng tôi và giới thiệu với một vị đại tướng nước bạn Trung Quốc, vừa nói chuyện với chúng tôi Đại tướng vừa phiên dịch để vị khách hiểu. Chúng tôi vừa thấy cảm phục trước tài quân sự, khả năng ngoại giao cùng phong thái bình dị, gần gũi của Đại tướng. Một vị tướng với tài kinh bang ở chốn thao trường cùng những mệnh lệnh quan trọng nhưng khi về đời thường hết sức mộc mạc, hiền lành. Chính vì thế mà sự ra đi của Đại tướng đã làm tôi hụt hẫng, xót xa như mất đi một người thân yêu ruột thịt. Câu hát về Đại tướng vẫn theo tôi từ lúc 10 tuổi cho tới tận bây giờ. Những ngày gần đây những câu hát ấy lại vang lên trong tâm tưởng: “Võ Nguyên Giáp, bầu trời Nam máu xương nát rơi/ Vùng lên một chí khí như một vầng sao/Hồn non sông đã xây đắp nên một đấng anh hùng nêu cao/Võ Nguyên Giáp, Võ Nguyên Giáp, anh hùng đất Việt”
TÂM TRANG