Nhớ mãi những ca khúc tươi vui đầy kỷ niệm

Thứ sáu, ngày 12/01/2018

(BDO) Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh và gia đình nhạc sĩ Lê Trung Hiếu vừa tổ chức chương trình ca nhạc tưởng nhớ 4 năm ngày mất của ông. Với sự dàn dựng công phu và thể hiện đầy tình cảm của các ca sĩ, diễn viên, chương trình đã mang đến khán giả và người yêu nhạc về những câu chuyện ân tình, cảm nhận tình yêu thương và tôn vinh những đóng góp của nhạc sĩ Lê Trung Hiếu đối với nền âm nhạc tỉnh nhà.


Ca khúc “Chào mừng năm mới” do đội văn nghệ CLB Hưu trí tỉnh biểu diễn.
Ảnh: TH. VĂN

Đến với chương trình, qua các ca khúc mọi người có dịp ôn lại những kỷ niệm, hiểu thêm về những câu chuyện ân tình và gặp lại hình ảnh một Lê Trung Hiếu với cây đàn ghi-ta vẫn miệt mài sáng tác, dâng hiến cho đời những nốt nhạc tươi vui. Nhạc sĩ Lê Trung Hiếu tên thật là Tạ Quang Trung, sinh ngày 27-7-1954, tại Sài Gòn. 5 tuổi, ông theo gia đình sinh sống và học tập ở Nha Trang. Trước năm 1975, ông theo học Đại học Văn khoa (Sài Gòn). Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông cùng gia đình đi xây dựng kinh tế mới ở Bến Cát, Sông Bé (nay là tỉnh Bình Dương) và trở thành công nhân của Nhà máy đường Bình Dương từ năm 1977-1984. Từ năm 1985 đến 2013, ông là biên tập viên văn nghệ, Phó Trưởng phòng Biên tập phát thanh của Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương.

Năm 1997, ông tốt nghiệp Đại học - Nhạc viện TP.Hồ Chí Minh, chuyên ngành sáng tác và kinh qua nhiều lớp bồi dưỡng về phát thanh truyền hình. Về lĩnh vực nghệ thuật, nhạc sĩ Lê Trung Hiếu, nguyên là hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Ủy viên Ban chấp hành Hội Văn học Nghệ thuật Bình Dương, Chủ nhiệm CLB Sáng tác ca khúc tỉnh. Theo nhận xét của nhiều đồng nghiệp, dù ở bất cứ vị trí, cương vị công tác nào, nhạc sĩ Lê Trung Hiếu cũng hết lòng với công việc và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Thật vậy, giờ đây khi nhắc đến Lê Trung Hiếu, nhiều người vẫn còn nhắc đến ông như một người thầy, người anh, người bằng hữu, người đồng nghiệp, người cha đáng quý, luôn gương mẫu tận tụy, không ngại khó, ngại khổ, không nề hà bất cứ một công việc gì. Bao giờ ông cũng sẵn sàng nhận và hoàn thành công việc được giao một cách nhanh chóng và hiệu quả. Ông được tặng Huy chương Vì sự nghiệp phát thanh - truyền hình, Huy chương Vì sự nghiệp văn hóa quần chúng, Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Văn học Nghệ thuật. Năm 2010 ông đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh.

Còn với các nhạc sĩ trong CLB Sáng tác ca khúc tỉnh, Lê Trung Hiếu là một trong những người đi đầu trong lĩnh vực sáng tác âm nhạc của tỉnh Sông Bé những năm đầu miền Nam hoàn toàn giải phóng. Ông rất chịu khó nghiên cứu, học tập và đi thâm nhập thực tế để sáng tác. Bước chân của ông đã đặt tới nhiều vùng đất và luôn có những sáng tác mới về quê hương, đất nước, nhất là về đất và người Bình Dương. Không những thế, ông còn là một trong những người sáng lập và tập hợp lực lượng sáng tác ca khúc trong và ngoài tỉnh, tạo thành một khối đoàn kết, thân thiện, luôn giúp đỡ nhau để cùng tiến bộ. Ông có nhiều biện pháp và sáng kiến hay để sinh hoạt của CLB sáng tác ca khúc của tỉnh nhà hoạt động hiệu quả.

Có dịp nghe những ca khúc của Lê Trung Hiếu mới cảm nhận được sự nhẹ nhàng, vui tươi, lạc quan và sôi động của những nốt nhạc như chính con người ông vậy. Tính đến ngày mất, nhạc sĩ Lê Trung Hiếu đã có trên 150 ca khúc. Nhiều ca khúc của ông đã được dàn dựng phát sóng trên các đài phát thanh - truyền hình từ Trung ương đến các tỉnh, thành trong cả nước. Trong đó, có những ca khúc được nhiều bạn trẻ yêu thích như: Romance, Bình Dương khúc hát lòng tôi, Cho em mùa xuân tình yêu, Kỷ niệm mùa hoa dầu, Vần thơ yêu em, Ghi-ta Bình Dương… Tác phẩm của ông đã đoạt nhiều giải thưởng cao như: Ơi Bình Dương (giải thưởng của Sở Văn hóa Thông tin Bình Dương năm 1998), Biết không anh, Đi trong chiều thành phố (giải thưởng của Hội Văn học Nghệ thuật Bình Dương năm 2003 và 2004), Ghi-ta Bình Dương (giải ba Cuộc thi Bình Dương miền đất yêu thương)…

THỤC VĂN