Nhớ lời Di chúc

Thứ năm, ngày 16/05/2019

(BDO) LTS: 50 năm qua, những lời dạy vô cùng quý báu trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành một nguồn cổ vũ lớn đối với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiến lên giành thắng lợi trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và đưa nước nhà vững bước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Nhân dịp kỷ niệm 129 năm Ngày sinh của Bác Hồ kính yêu, Báo Bình Dương thực hiện loạt bài viết “Nhớ lời Di chúc” để ôn lại những lời dạy của Người; từ đó góp phần phát huy những kết quả, tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện, học tập và làm theo Bác, xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Bài 1: Bản Di chúc sống mãi với thời gian

50 năm qua, kể từ ngày bản Di chúc đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh được công bố nhưng cho tới nay, những giá trị lý luận và giá trị thực tiễn của văn kiện quý giá này vẫn còn nguyên giá trị. Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là chúc thư của một lãnh tụ thiên tài, nhà cách mạng lỗi lạc có tầm nhìn xa, trông rộng, một chiến sĩ cộng sản suốt đời yêu thương, trân trọng con người, phấn đấu hy sinh vì tự do, hạnh phúc của con người. Một nội dung cốt lõi, bao trùm lên tất cả trong Di chúc đó là phần viết về xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Những giá trị đó còn mãi tới hôm nay và mai sau.

Bác Hồ gặp gỡ các anh hùng, dũng sĩ miền Nam. Ảnh: TƯ LIỆU

Bút tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh ghi ở trang đầu quyển sổ vàng của trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương (tháng 9-1949) . Ảnh: THÀNH SƠN (chụp lại)

Ánh dương soi đường

Năm 1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu viết bản Di chúc với tiêu đề “Tuyệt đối bí mật”. Bản Di chúc này do Người tự đánh máy, gồm 3 trang, có chữ ký của Người và chữ ký chứng kiến của đồng chí Lê Duẩn, khi đó là Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Năm 1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bổ sung một đoạn gồm 6 trang viết tay. Năm 1969, vào ngày 10-5, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết lại toàn bộ phần mở đầu Di chúc gồm một trang viết tay. Sau đó, trong các ngày từ 11 đến 19-5-1969, Bác còn tiếp tục sửa bản Di chúc của các năm 1965, 1968, 1969. Đúng 10 giờ ngày 19-5-1969 là kỷ niệm sinh nhật lần thứ 79 của Bác, Bác đọc lại lần cuối cùng tất cả các bản Di chúc đã viết trước đó rồi xếp tất cả bỏ vào phong bì và cất đi. Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh công bố năm 1969, có đề ngày 10-5 gồm 4 trang in khổ 14,5x22cm.

Bản Di chúc này chủ yếu dựa vào bản Người viết năm 1969, trong đó có đoạn mở đầu là bản viết năm 1969, đoạn về việc riêng là phần đầu bản viết năm 1968. Các bản thảo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh được Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa VI công bố năm 1989, vào dịp chuẩn bị kỷ niệm lần thứ 100 Ngày sinh của Người.

Theo các chuyên gia, nhà nghiên cứu, bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một văn kiện quý giá gồm cả giá trị lý luận và giá trị thực tiễn của cách mạng Việt Nam. Trong nội dung cốt lõi của Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành một thời lượng lớn để nói về Đảng cầm quyền. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định truyền thống đoàn kết chặt chẽ trong Đảng và “cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Người yêu cầu “Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình” để củng cố và phát triển đoàn kết và thống nhất trong Đảng. Mỗi cán bộ, đảng viên phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng; giữ gìn Đảng ta thật trong sạch.

Theo Ban Tuyên giáo Trung ương, bản Di chúc là tâm nguyện, tình cảm, ý chí, niềm tin, trách nhiệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Tổ quốc, nhân dân và sự nghiệp cách mạng. Di chúc là tâm nguyện của Người: “Suốt đời tôi hết lòng phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”. Di chúc là tâm sự của một người đã suốt đời hy sinh hạnh phúc riêng tư, hiến dâng trọn cuộc đời cho Tổ quốc và nhân dân; là tấm lòng chung thủy với “các nước anh em” và “bầu bạn khắp năm châu”. Đồng thời, Di chúc là công trình lý luận về xây dựng Đảng và củng cố Đảng cầm quyền.

Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “Đảng ta là Đảng cầm quyền”. Để đáp ứng được nhiệm vụ lãnh đạo xã hội, Đảng phải luôn vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và gắn bó máu thịt với nhân dân, không ngừng nâng cao bản chất giai cấp công nhân, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng tư tưởng, làm kim chỉ nam cho mọi hành động của mình.

Di chúc nêu những vấn đề cốt yếu của công tác xây dựng Đảng, đó là: Giữ gìn mối đoàn kết trong Đảng, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, nguyên tắc tự phê bình và phê bình, rèn luyện đạo đức cách mạng, nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng phục vụ nhân dân của mỗi cán bộ đảng viên. Công tác chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ chiến lược, là công việc thường xuyên để giữ vững vai trò lãnh đạo và cầm quyền của Đảng. Sự nghiệp cách mạng là sự nghiệp bền bỉ, dài lâu, tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đảng cầm quyền phải chăm lo phát triển lực lượng cho hiện tại và chuẩn bị cho tương lai một thế hệ trẻ vừa “hồng” vừa “chuyên”, có như vậy mới thực hiện thành công lý tưởng xây dựng một xã hội mới, tiến bộ, văn minh. Bác cũng căn dặn: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”, đó là công việc bồi dưỡng lý tưởng cộng sản, giáo dục truyền thống yêu nước, ý thức rèn luyện đạo đức cách mạng, đào tạo nguồn nhân lực kế tục sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa.

Trường tồn với thời gian

Tư tưởng của Người trong Di chúc đã và đang soi sáng con đường đi lên chủ nghĩa xã hội và sự nghiệp đổi mới, hội nhập của nhân dân Việt Nam. Đó không chỉ là những chỉ dẫn ở tầm chiến lược cho sự xác định phương hướng, đường lối, nhiệm vụ, chính sách, hệ thống pháp luật của một Đảng cầm quyền; để xây dựng và chỉnh đốn Đảng; để đổi mới và phát triển; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội... để xây dựng và bảo vệ đất nước mà còn là những phác thảo trong chương trình hành động của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân để kiến tạo đất nước phát triển bền vững và hiện đại.

Thực hiện Di chúc của Người, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân tiến hành thắng lợi cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, hai miền Nam - Bắc sum họp một nhà; cả nước đã cùng đi lên chủ nghĩa xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Thực hiện Di chúc của Người, một đất nước Việt Nam hồi sinh sau những năm dài chiến tranh đã đạt được những thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế - xã hội, văn hóa, quốc phòng, an ninh và đối ngoại; đã làm hết sức mình vì sự đoàn kết, lớn mạnh của phong trào cộng sản quốc tế; đã chủ động hội nhập quốc tế và ngày càng khẳng định uy tín, vị thế trong khu vực và trên trường quốc tế.

Dù Người đã đi xa, song cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phong cách của Hồ Chí Minh vẫn mãi vinh quang chói lọi như sao bắc đẩu. Mưu cầu hạnh phúc cho hết thảy mọi con người, hướng dẫn loài người đi đến một tương lai tốt đẹp hơn, Hồ Chí Minh và tình thương yêu vô bờ bến của Người trong bản Di chúc gửi lại “tiếp tục là nguồn cảm hứng” cho hậu thế, để mỗi dân tộc, mỗi cuộc đời, mỗi con người sẽ “không yếu đuối trong đấu tranh giành lấy tương lai, để không dừng lại ở điều đạt được mà luôn luôn tiến lên phía trước”.

Tư tưởng của Người trong Di chúc đã và đang soi sáng con đường đi lên chủ nghĩa xã hội và sự nghiệp đổi mới, hội nhập của nhân dân Việt Nam. Đó không chỉ là những chỉ dẫn ở tầm chiến lược cho sự xác định phương hướng, đường lối, nhiệm vụ, chính sách, hệ thống pháp luật của một Đảng cầm quyền; để xây dựng và chỉnh đốn Đảng; để đổi mới và phát triển; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội... để xây dựng và bảo vệ đất nước mà còn là những phác thảo trong chương trình hành động của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân để kiến tạo đất nước phát triển bền vững và hiện đại. (còn tiếp)

C.T (tổng hợp)